Paulo Dybala: Chàng trai trẻ của lão bà Juventus

Ngày đăng 30/11/2015 03:30

Trong căn nhà của Dybala ở Turin, có một cỗ xe lừa thu nhỏ - món quà phổ biến mà các du khách sẽ chọn lựa khi viếng thăm Palermo. Cỗ xe lừa đầy màu sắc trong nhà Dybala đặc biệt ở chỗ: nó là quà tặng của Chủ tịch Palermo Maurizio Zamparini. Cũng trong căn nhà ấy còn một món quà khác: bức tranh Dybala đang thi đấu trong màu áo Palermo. Đã có những thắc mắc rằng trước khi đối đầu với đội bóng cũ cuối tuần qua, liệu tiền đạo của Juventus có nhìn lại bức tranh ấy và cảm khái hay không?

Chỉ có một điều chắc chắn: Dybala của Juventus đã không còn là Dybala của Palermo ngày ấy nữa. Anh đang ở một CLB lớn hơn, nơi cuộc cạnh tranh vị trí diễn ra khốc liệt hơn, anh phải biết chắt chiu những cơ hội mà mình có và cũng phải thuyết phục HLV của mình trong từng buổi tập. Không có một sự ưu ái nào dành cho chân sút người Argentina, cho dù Juventus phải trả đến 42,4 triệu đôla để có chữ ký của anh, biến chàng trai trẻ này thành tân binh đắt nhất trong mùa hè vừa qua.

Dybala mới cách đây một hai năm chỉ là cậu trai trẻ măng, ít tiếng tăm ở Palermo, khác hẳn với hình ảnh chủ công của Juventus hiện tại.

Dybala là bản hợp đồng bán cầu thủ cao giá thứ nhì trong lịch sử Palermo, sau Javier Pastore, chuyển sang Paris Saint Germain cách đây mấy mùa. Cũng như Pastore, Dybala sinh ra tại Cordoba. Với người Argentina, Cordoba chỉ là một thành phố bình thường. Với Zamparini, đấy thật sự là một mỏ vàng.

Khi Dybala trở lại Palermo, anh đã bị các khán giả từng yêu mến quay ra huýt sáo, la ó. Chúng ta có thể hiểu được cảm xúc của họ khi Dybala, cùng với đội bóng mới, quay lại đánh bại đội bóng cũ. Dybala lại là động lực của Juventus trong chiến thắng ấy. Anh có cú tạt bóng tuyệt đẹp để Mario Mandzukic đánh đầu mở tỷ số và liên tục có những tình huống khuấy đảo khung thành Palermo.

Nhưng, cho dù Palermo có thay đổi cách ứng xử với anh, tình cảm mà Dybala dành cho thành phố này và đội bóng này không có gì thay đổi. Anh vẫn sẽ xem Chủ tịch Zamparini như cha. Và trong mắt vị Chủ tịch đồng bóng này, Dybala cũng mãi là Picciriddu (một đứa trẻ).

Dybala suýt nữa đã sang AC Milan. Silvio Berlusconi hứa sẽ chồng đủ số tiền mà Juventus đề nghị, nhưng trái tim của Dybala đã để ở Turin, nơi có hai thần tượng lớn của anh từng thi đấu là Omar Sivori và Carlos Tevez. Và khi quyết định chuyển sang Juventus, Dybala cũng hiểu mọi chuyện sẽ không dễ dàng chút nào cho anh, trong một mùa bóng mà "Lão Bà" cải tổ về lối chơi sau khi chia tay ba nhân vật trọng yếu trong các mùa bóng trước: Tevez, Andrea Pirlo và Arturo Vidal.

Thế nhưng Dybala không sợ phải chờ đợi. Ngày trước, khi gia nhập Palermo với giá chuyển nhượng kỷ lục của CLB là 12,7 triệu đôla, anh cũng phải chờ. Năm đầu tiên ở Italy, Dybala cùng Palermo... rớt thẳng xuống Serie B. Anh phải chờ đến 405 ngày để có pha ghi bàn đầu tiên. Để rồi đến khi Palermo trở lại hạng đấu cao nhất của đất nước hình chiếc ủng, Dybala mới thật sự trở thành một hiện tượng. Trong mùa bóng cuối cùng ở Palermo, anh ghi 13 bàn và có 10 pha kiến tạo, trở thành phát hiện của cả mùa giải.

"Tôi sẽ nhớ mọi thứ về Palermo," Dybala nói khi biết anh sẽ sang Juventus. "Mọi người ở đây giúp tôi cảm thấy như ở nhà, tôi không bao giờ quên những trải nghiệm ở đây. Palermo đã giúp tôi trở thành một người đàn ông".

paulo-dybala-chang-trai-tre-cua-lao-ba-juventus-1

Dybala không để áp lực từ vụ chuyển nhượng lớn tác động đến bước tiến của anh. Ảnh: AFP.

Và người đàn ông tuổi 21 ấy biết rõ giá trị của sự kiên nhẫn, cũng như biết đặt chân mình trên mặt đất. Dybala là bản hợp đồng cao giá nhất của Juventus trong kỷ nguyên "hậu Calciopoli". Trong toàn bộ lịch sử, cũng chỉ có Gianluigi Buffon, Lillian Thuram và Pavel Nedved là tốn của Juve nhiều tiền hơn thế. Vậy nhưng, Dybala không hề phàn nàn khi bị gạch tên khỏi đội hình chính trận tranh Siêu Cúp Italy với Lazio. Và dù trận ấy anh ghi bàn sau khi vào sân từ ghế dự bị, Dybala vẫn tiếp tục ngồi ngoài trong trận mở màn Serie A với Udinese.

Nhìn thấy "con trai" bị Juventus đối xử tàn tệ, Zamparini đã gửi tin nhắn chất vấn Tổng giám đốc Juventus, Beppe Marotta. Ông bắt đầu cảm thấy hối hận vì đã để cho Dybala sang đó thay vì Milan, và thậm chí đã tính chuyện dùng tiền mang anh trở lại nếu mọi thứ không khá hơn.

Thế nhưng Dybala vẫn điềm tĩnh. Anh tạo ấn tượng trong gần như tất cả mọi trận đấu mà mình tham gia cho dù chỉ phải vào sân từ ghế dự bị hoặc bị rút ra nửa chừng, đến nỗi tờ Gazzetta dello Sport bảo rằng HLV Max Allegri "hẳn phải bị mù"  mới tiếp tục không nhìn thấy tiềm năng của Dybala.

Nhưng Allegri đương nhiên không mù. Với một người đã có công tìm ra hoặc phát triển tài năng của Radja Nainggolan tại Cagliari, Stephan El Shaarawy tại Milan và Alvaro Morata tại Juventus, Allegri biết rõ một cầu thủ trẻ cần gì. Và cách sử dụng chừng mực, không vội vã ấy giúp Dybala thích nghi với đội bóng mới tốt hơn. Kể cả khi Juventus khủng hoảng đến tận cùng, HLV này cũng không vội vàng trong việc tung "ngôi sao hy vọng" của ông vào sân.

Nhưng rồi tài năng và sự phát triển quá nhanh của Dybala khiến Allegri cũng cảm thấy bất ngờ. Sau khi ghi Dybala ghi một bàn và kiến tạo một bàn cho Mario Mandzukic trong trận thắng Atalanta cuối tháng 10, tờ Tuttosport đã giật hàng tít ở trang nhất: "Đừng bỏ anh ta ở ngoài nữa".

Kết thúc trận đấu với Palermo cuối tuần qua, Dybala đã có tổng cộng sáu bàn và ba pha kiến tạo, dù chỉ mới hiện diện trên sân 865 phút ở Serie A, tức là cứ chưa đến 87 phút Dybala lại tạo nên một bàn thắng. Con số đó thậm chí còn ấn tượng hơn nhiều so với Tevez và Alessandro Del Piero trong mùa đầu tiên của họ ở Juventus. Điều đó cho thấy Dybala đã thay đổi để thích ứng tốt như thế nào ở một môi trường mới và nhiều áp lực.

paulo-dybala-chang-trai-tre-cua-lao-ba-juventus-2

Dybala đang từng bước chứng tỏ vai trò đầu tàu ở Juventus. Ảnh: AP.

Phong độ của Dybala là nguyên nhân giúp Juventus đang âm thầm trở lại trong cuộc đua vô địch. Nhưng ngược lại, cũng chính "Lão Bà" đã giúp khai thác những khả năng tiềm ẩn bên trong Dybala. Và với ông thầy Allegri, tương lai của chàng trai Argentina hãy còn rộng mở phía trước.

Điều tiên quyết trong việc phát triển tài năng trẻ lâu nay vẫn thế: Muốn nhanh thì phải... từ từ.

Hoài Thương