AC Parma: Như con tàu đi đến sự diệt vong

Ngày đăng 26/02/2015 09:56

Parma là một thành phố nổi tiếng với những món ăn ngon ở Italy. Vào thập niên 90 thế kỷ trước, tiền đạo tuyển thủ Italy Gianfranco Zola và những ngôi sao đến từ Nam Mỹ như Faustino Asprilla hay Hernan Crespo đã đưa đội bóng của thành phố này lên tầm vóc một thế lực. Parma từng được liệt vào nhóm “bảy bà chị”, danh xưng dành cho nhóm những đội bóng hay nhất của Serie A.

Khoảng ba tháng nữa, Parma sẽ kỷ niệm lần đầu tiên họ đoạt được chiếc Cup UEFA danh giá sau khi đánh bại đồng hương - "người khổng lồ" Juventus vào năm 1995. Tuy nhiên, sẽ không có buổi lễ mừng nào cho những con người đi trên con tàu đến sự diệt vong.

Parma từng là hiện thân cho một quá khứ huy hoàng chưa xa của Serie A. 

Cuối tuần trước, trận đấu giữa Parma và Udinese đã bị hủy bỏ vì đội chủ nhà không thể đủ tiền để chi trả cho lực lượng an ninh. Tuần này, Parma có chuyến hành quân đến sân Genoa, nhưng vấn đề tài chính vẫn khiến khả năng trận đấu này diễn ra này bị bỏ ngỏ.

Mùa giải trước, Parma xếp ở vị trí thứ sáu chung cuộc ở Serie A và giành suất đá vòng loại Cup châu Âu (Europa League) lần đầu tiên từ năm 2007. Tuy vậy, đội bóng của Roberto Donadoni không được tham dự giải đấu này do nợ lương cầu thủ quá nhiều.

Trong hai tháng vừa qua, Parma đã đổi chủ hai lần. Chủ tịch đương nhiệm của CLB Giampietro Manenti tự tin tuyên bố các vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng. Nhưng rồi trận đấu với Udinese bị hủy bỏ và đội bóng vẫn tiếp tục nợ lương cầu thủ và các nhân viên trong nhiều tháng.

“Tình huống này thật bấp bênh và thiếu uy tín. Hoặc là họ trả lương cho cầu thủ hoặc CLB phải được chuyển giao cho người khác”, thị trưởng thành phố Parma Federico Pizzarotti tuyên bố.

Parma đã phải bán xe bus của đội, bên cạnh đó là những trang thiết bị tập luyện thể lực của các cầu thủ. Ngay cả băng ghế dành cho HLV Donadoni và cộng sự trong khu vực kỹ thuật cũng được rao bán với giá hơn 2200 đôla.

Theo nhiều nguồn tin, Parma đang ở trên bờ vực phá sản với số nợ hơn 223 triệu đôla. Ban lãnh đạo của đội bóng được cho là sẽ phải tham dự một phiên điều trần trước tòa vào ngày 19/3 để giải trình về khả năng phá sản. Nguồn gốc sâu xa của số nợ khổng lồ này đến từ ông chủ cũ Tommaso Ghirardi. Khi Ghirardi mua Parma vào năm 2007, CLB chỉ nợ khoảng 18 triệu đôla. Nhưng đến nay con số này đã lên đến hơn 223 triệu đôla với mức nợ hàng năm vào khoảng 108 triệu đôla.

anh-1-4089-1425030645.jpg

"Hãy bán, nếu có thể" đang là khẩu hiệu ở Parma lúc này, khi CLB bán tất cả những gì có thể, kể cả ghế ngồi của HLV Donadoni, để huy động tiền trang trải các chi phí.

Mùa hè năm 2013 và 2014, Parma tham gia vào 450 vụ chuyển nhượng bao gồm cho mượn và mượn lẫn mua bán cầu thủ. Tommaso Ghirardi chính là người đã khiến tài chính của Parma bị tổn thất nghiêm trọng trước khi bán đội bóng vào tháng 12 năm ngoái.

Đội trưởng của Parma, Alessandro Lucarelli cho biết các cầu thủ đang góp tiền để trả chi phí di chuyển đến Genoa cuối tuần này, nếu CLB không thể kiếm được một chiếc xe. “Nó giống như một bộ phim, những gì xảy ra với chúng tôi chỉ có thể có trong tưởng tượng. Một mùa giải với bốn vị chủ tịch”, trung vệ 37 tuổi cho biết.

“Khi chúng tôi không thể thi đấu hôm chủ nhật, tôi rất buồn. Nếu không có xe bus để đi Genoa, chúng tôi sẽ tập hợp năm hay sáu chiếc xe riêng để đi cùng nhau. Chúng tôi đã chuẩn bị để tự chi trả chi phí chuyến đi”, Lucarelli nói.

Cựu tiền đạo Hernan Crespo, người đang làm HLV đội trẻ của Parma mới đây tiết lộ các cầu thủ phải tắm nước lạnh sau mỗi buổi tập vì CLB không đủ tiền trả chi phí để họ tắm nước nóng.

Về phía các CĐV, họ nổi giận, biểu tình và hò hét. Hơn 1000 CĐV đã có mặt bên ngoài sân Stadio Ennio Tardini hôm chủ nhật, khi trận đấu với Udinese bị hủy bỏ để lên án tình trạng lộn xộn đang xảy ra. Họ giăng biểu ngữ, dán lên cổng sân vận động một dòng chữ: “Tống cổ những tên cướp”.

Trong khi đó, chủ tịch CLB Sampdoria Massimo Ferrero tin rằng các CLB tại Serie nên giúp đỡ Parma. “Bóng đá Italy không thể tiếp tục thờ ơ với sự bình tĩnh, tinh thần chuyên nghiệp và chín chắn mà các cầu thủ Parma đang thể hiện trong tình huống vô vàn khó khăn này. Tôi khâm phục các cầu thủ Parma và những người đang làm việc ở đó. Tôi xem họ như những người hùng”, Ferrero nói.

anh2-7670-1425030645.jpg

CĐV Parma biểu tình ngoài sân Tardini yêu cầu CLB sớm tìm ra lối thoát khủng hoảng. Ảnh: AFP.

Nhà báo người Italy Luca Ferrato tin rằng Parma chỉ có hai khả năng để sóng sót qua cơn bĩ cực này. Một là Liên đoàn bóng đá Italy (FIGC) và Serie A cho họ vay khoản tiền khoảng 5.6 triệu đôla để đảm bảo khả năng thi đấu đến hết mùa giải năm nay. Khả năng thứ hai là chính quyền thành phố đồng ý bảo trợ tài chính cho họ đến hết mùa hè.

“Pizzarotti đang tìm kiếm các nhà đầu tư khác để tiếp quản đội bóng. Ông ấy đã mất hết kiên nhẫn với Giampietro Manenti và đang đề nghị các nhà đầu tư địa phương mua lại đội bóng”, Ferrato nói.

Di Khánh