Anderson: Chuyện cổ tích không có hậu ở Man Utd

Ngày đăng 03/02/2015 08:34

Anderson không nằm trong kế hoạch xây dựng lại đội bóng của HLV Louis van Gaal. Bởi vậy, dù hợp đồng còn thời hạn đến hết mùa giải này, Man Utd quyết định sớm giải phóng cho cầu thủ người Brazil, để anh hồi hương khoác áo Internacional. Đây là một thương vụ thất bại của CLB hàng đầu nước Anh, khi họ phải bỏ ra tới 38,7 triệu đôla để chiêu mộ anh từ Porto, biến anh trở thành tân binh đắt giá nhất của Man Utd trong mùa hè 2007, hơn cả Nani. Có đến gần tám năm là người của “Quỷ đỏ”, nhưng Anderson chỉ được thi đấu tổng cộng 180 trận trên mọi giải đấu, trong đó có tới 53 lần vào sân từ ghế dự bị và chỉ ghi được 9 bàn. Thường xuyên gặp vấn đề về cân nặng và chấn thương là nguyên nhân chính khiến tiền vệ này không thể hiện được hết khả năng như kỳ vọng ban đầu. Lần mới đây nhất anh thi đấu trong sắc áo đỏ chỉ là khi cùng đội dự bị của CLB này đánh bại đội dự bị của Liverpool với tỷ số 2-1 cách nay hơn một tuần.
Từ chỗ được kỳ vọng thay thế Paul Scholes, Anderson trải qua một vết trượt dài đến nỗi phải bán xới khỏi Man Utd để về Brazil tìm cơ hội chơi bóng. Ảnh: ESPN.
Thời khắc Anderson bước khỏi băng ghế dự bị để vào thi đấu trận Siêu Cup Anh 2013 trên sân Wembley, không ít người trong số hơn 80 nghìn CĐV có mặt trên khán đài đã quan sát thấy rõ chiếc áo đấu đẹp đẽ của Man Utd bó sát người tiền vệ Brazil. Họ nhận ra rằng Community Shield (tên gọi khác của Siêu Cup Anh) không phải là đối tượng duy nhất hôm đó được hãng đồ ăn nhanh McDonald tài trợ, mà còn có cả một Anderson thừa cân. Thói quen dinh dưỡng thiếu khoa học của Anderson từ lâu đã trở thành chủ đề bàn luận trong làng bóng đá Anh. Thậm chí, trong một chương trình truyền hình của kênh nội bộ MUTV, Patrice Evra từng cười đùa tiết lộ với Rio Ferdinand rằng: "Tôi phải mang cho Anderson chiếc bánh mỳ kẹp hamburger vào lúc một giờ sáng". Việc Anderson sớm thanh lý hợp đồng với Man Utd để gia nhập đội bóng quê hương Internacional cũng chính là cơ hội để nhắc lại một sự lãng phí đáng buồn đối với một cầu thủ từng được đánh giá có tài năng tuyệt vời thời trẻ, với bài học bổ ích được rút ra cho làng bóng đá. Tại Man Utd, Anderson đã có bốn chức vô địch giải Ngoại hạng Anh, một Cup Champions League, hai Cup Liên đoàn và một FIFA Club World Cup, nhưng hình ảnh của anh giờ đây rất nhạt nhòa trong ký ức của người hâm mộ. Các bài báo chỉ trích Anderson thường chỉ luôn tập trung vào bề nổi là tính háu ăn của anh, cùng với việc thường xuyên rời xa sân cỏ và xuống dốc phong độ vì điều đó, nhưng câu chuyện về tiền vệ người Brazil thực sự phức tạp hơn, đau buồn hơn. Anderson từng được đánh giá là mẫu tiền vệ con thoi có khả năng hỗ trợ tấn công và phòng ngự đều tốt. Những người theo dõi kỹ Anderson thời ở Man Utd sẽ không thể nào phủ nhận tinh thần hứng khởi mà anh từng có mỗi khi được thi đấu, những khi đội nhà chiến thắng, và cả những lần anh chung vui với các đồng đội. Điệu cười rạng rỡ của Anderson, và cả phong cách thi đấu riêng hồi mới đến Old Trafford đều là những khoảnh khắc bóng đá đáng được ghi hình lại. Nhưng tất cả những gì đáng chú ý, tốt đẹp về anh chỉ thực sự diễn ra trong khoảng hai năm 2007 và 2008. Chút tia sáng hy vọng mà Anderson mới chỉ phát ra ở Old Trafford dần phai mờ rồi tắt hẳn một phần vì những chấn thương. Anh đã phải chiến đầu để có thể trở lại với sân cỏ sau ba chấn thương đe dọa tới sự nghiệp, một lần bị gãy chân khi còn ở Porto năm 2006, và thêm hai lần tại Man Utd bị đứt dây chằng đầu gối hồi năm 2010 và 2011. Anderson còn phải chịu đựng một số chấn thương vặt khác ở gân kheo, ảnh hưởng tới thể lực và hạn chế vai trò của anh tới lối chơi chung của đội bóng. Và điều này đã góp phần ảnh hưởng nhất định tới các vấn đề về lối sống cá nhân. Vậy Anderson là một thần đồng bị Man Utd bỏ phí, hay là một người không biết cách “quẳng gánh lo đi và vui sống” để vượt qua thời gian khó khăn vì vấn nạn chấn thương? Sự thật trong trường hợp này có lẽ nằm giữa hai thái cực đó.
Ande-3353-1423038842.jpg
Chấn thương, lối sống thiếu lành mạnh và cân nặng là những trở lực mà Anderson không thể vượt qua, rồi dần dà tụt hậu, mất chỗ đứng ở Man Utd. Ảnh: Mirror.
Tiền vệ người Brazil lẽ ra không nên vội vàng ra nước ngoài thi đấu khi còn trẻ. Thời điểm ký hợp đồng chuyển từ CLB quê nhà Grêmio tới Porto của Bồ Đào Nha, Anderson mới ở tuổi 17 và chín tháng. Giờ đây, khi mới chỉ trải qua khoảng 180 trận chơi cho Man Utd và còn trẻ, anh lại vội vã trở về quê hương thi đấu. Anh hoàn toàn có thể coi khoảng thời gian không thành công ở Old Trafford là chuỗi ngày khám phá bản thân và có thể kiên trì nỗ lực hơn ở trời Âu. Anderson đã không thể khẳng định được tài năng vì bản thân thiếu ý chí phấn đấu sau quãng thời gian phải chống chọi với hàng loạt chấn thương liên quan tới gân kheo và dây chằng đầu gối. Nhưng đây cũng là một ví dụ điển hình cho thấy Man Utd đã quá buông lỏng thói quen sinh hoạt của cầu thủ và sử dụng cầu thủ ở vị trí không thích hợp để phát huy tốt nhất tiềm năng. Đội ngũ các tuyển trạch viên của Man Utd đã theo dõi từng bước sự tiến bộ của Anderson khi anh còn là cầu thủ thiếu niên ở Porto, tới mức bị giới chuyên môn đánh giá là ngày càng u mê. Người phụ trách nhóm săn lùng các tài năng ở châu Âu này chính là ông Martin, em trai của cựu HLV Alex Ferguson. Hồi năm 2007, Martin đã có cuộc điện thoại quan trọng cho người anh trai nổi tiếng để đánh giá về Anderson: “Alex, cậu ấy thậm chí còn sẽ giỏi hơn Wayne Rooney”. Ngày đó, nhận xét của Martin bị nhiều người chế giễu là thái quá, nhưng cuối cùng vẫn dẫn tới một vụ chuyển nhượng giá cao. Anderson làm nên tên tuổi ban đầu tại Gremio, chuyển đến Porto và ngay lập tức rất được yêu thích. Cùng thời gian đó, cựu HLV huyền thoại Ferguson đang tìm kiếm một người kế thừa lâu dài vị trí của Paul Scholes ở tuyến giữa Man Utd, và cũng luôn kỳ vọng sẽ có được một ông chủ mạnh mẽ ở khu trung tuyến thời hậu Roy Keane. Và HLV người Scotland đã nghe theo đánh giá của em trai, quyết định chi khoản đầu tư ban đầu là 38,7 triệu đôla để thực hiện vụ chiêu mộ cầu thủ được coi là sự pha trộn hài hòa giữa kỹ thuật và sự kiên cường này. Những ý kiến thời gian đầu về vụ chuyển nhượng này thiên về hướng ca ngợi Man Utd đã tiêu tiền đúng cách. Ngày 3/11/2007, Anderson khiến các CĐV của Man Utd có mặt trong sân Emirates phấn khích khi anh có màn trình diễn thuyết phục hơn hẳn và áp đảo về cả thể lực so với bộ đôi Cesc Fabregas và Mathieu Flamini nơi tuyến giữa của Arsenal. Khoảng một tháng sau trên sân Anfield, người hâm mộ Man Utd lại vui mừng khi chứng kiến cuộc đụng độ ấn tượng giữa Anderson với biểu tượng của Liverpool - ngôi sao tiền vệ Steven Gerrard. Trong trận thư hùng đó, Anderson gần như có mặt khắp nơi trên sân. Anh phá bóng ngay trước vạch cầu môn Man Utd sau cú sút nguy hiểm của Harry Kewell, buộc Gerrard phải phạm lỗi, rồi sau đó có pha dốc bóng điên cuồng vài chục mét cho tới khi Gerrard trượt người thực hiện một cú tắc bóng. Tiền vệ người Anh thậm chí càng lúc càng nổi cáu trước lối chơi quyết liệt của cầu thủ mới nổi này, và sau một vài lần đụng chạm thì cả hai đều phải nhận thẻ vàng. Các CĐV Man Utd hôm đó thích sự mạnh mẽ của Anderson, nhất là cách anh so kè với Gerrard ngay trên chảo lửa của Liverpool. Họ vỗ tay hưởng ứng cả cái kiểu anh đi như tản bộ khỏi sân khi được thay ra ở phút cuối trận đấu, với phần thắng 1-0 đang nằm trong tay Man Utd. "Anderson thật tuyệt vời, cậu ấy đã không bị át vía trước một Steven Gerrard đầy kinh nghiệm trận mạc”, Ferguson phát biểu sau trận gặp Liverpool. Cuối mùa giải đó, HLV Ferguson thậm chí còn tin tưởng dùng Anderson ở loạt đấu căng thẳng trên chấm 11 mét thắng Chelsea ở chung kết Champions League hè 2008. Khi đó, Anderson chỉ vừa bước sang tuổi 20, nhưng anh đã không khiến HLV, các đồng đội và người hâm mộ phải thất vọng khi thực hiện nhiệm vụ sút luân lưu. Tháng 3/2009, Anderson thực hiện thành công cú sút quyết định trong loạt đá luân lưu thắng Tottenham ở chung kết Cup Liên đoàn Anh. Mấy tuần sau đó, Anderson lại gây ấn tượng khi gặp Arsenal tại vòng bán kết Champions League 2009, đặc biệt là ở trận lượt về trên sân khách. Khi đó, anh liên tục dâng cao đe dọa hàng phòng ngự đối phương và là người thực hiện các cú phạt góc. Trong một lần chạm trán khác với Tottenham, vào ngày 22/8/2011, tại Old Trafford, Anderson đã chơi rất ăn ý với tiền đạo Danny Welbeck, trong đó có pha bật tường một hai với cầu thủ người Anh để ghi bàn trong thắng lợi 3-0. Anderson đã có được một số khoảnh khắc tuyệt vời như thế ở Man Utd, nhưng chưa khi nào anh ghi đậm dấu ấn trong toàn bộ mùa giải.
CL-5528-1423038843.jpg
Anderson từng là một điểm sáng khi cùng Man Utd vô địch Champions League 2008. Ảnh: AFP.
“Cậu ấy là mẫu cầu thủ của trận đấu lớn, có tâm lý tốt ở các cuộc đấu quan trọng, sở hữu rất nhiều kỹ năng, nhưng không bao giờ đủ sức khỏe để có thể làm tốt những điều đó một cách thường xuyên, vòng này qua vòng khác ở giải đấu khắc nghiệt như Ngoại hạng Anh, và đó thực sự là một điều đáng buồn”, Gary Neville, cựu đồng đội của Anderson tại Man Utd, nhận xét. Cựu hậu vệ của Man Utd cho rằng Anderson không gặp may khi dính nhiều chấn thương, nhưng anh cũng thắc mắc về khát vọng thể hiện bản thân của tiền vệ người Brazil. "Có những cầu thủ khi ngẫm nghĩ lại sau ngày kết thúc sự nghiệp sẽ tự hỏi bản thân rằng 'Lẽ ra tôi có thể định hướng tốt hơn một chút không nhỉ?' Anderson có tài năng bẩm sinh, nhưng lại thiếu kỹ năng ở một số khía cạnh khác của cuộc sống. Cậu ấy chắc hẳn sẽ nhìn lại quãng thời gian của mình tại Man Utd với ít nhiều nỗi thất vọng", Gary Neville nói thêm. Đúng là bản thân Anderson lẽ ra cần tự nỗ lực và có khát vọng cống hiến hơn. Nhưng về trách nhiệm của đội bóng, liệu CLB yêu quý của Neville đã hành động khôn ngoan và nghiêm khắc hơn với cầu thủ từng được coi là thần đồng này chưa? Chỉ có ngài Ferguson có thể biết rõ điều đó. Một số hành động không chuyên nghiệp của Anderson đã được cho qua vì sự nổi tiếng của anh, và cả vì đội bóng cảm thấy cần cảm thông hơn với một cầu thủ may mắn vượt qua nhiều chấn thương nặng. Người Man Utd đơn giản hy vọng Anderson có thể trở thành Cầu thủ xuất sắc ở năm tiếp sau đó. Ông Ferguson cũng hiếm khi bố trí Anderson chơi ở vị trí mà anh đạt hiệu quả cao nhất, như một cầu thủ số 10 dẫn dắt lối chơi, thay vào đó thường xuyên cố gắng biến anh thành một tiền vệ phòng ngự đơn thuần. Sau khi nhà cầm quân người Scotland nghỉ hưu năm 2013, tương lai của Anderson tại Man Utd ngày càng mờ mịt hơn. David Moyes lo ngại về điều kiện thể lực của cầu thủ này khi đảm đương vị trí của tiền vệ trung tâm số 8, nhưng vẫn luôn ngạc nhiên về khả năng kết thúc tốt của anh trong các buổi tập. HLV Louis van Gaal từng bàn về khả năng của Anderson nếu chơi như một cầu thủ số 10, nhưng hiện giờ ông đã có đủ trong tay những cầu thủ tốt hơn cho vị trí này, trong đó nổi bật là Rooney và Juan Mata. Cùng với Van Persie, Mata chính là một trong hai cầu thủ Man Utd đầu tiên nhanh chóng gửi lời chào tạm biệt tới tiền vệ 26 tuổi Anderson thông qua trang mạng xã hội trong ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng mùa đông 2015. “Chúc bạn của tôi, Anderson, gặp nhiều may mắn khi trở lại với bóng đá ở quê nhà Brazil”, Mata viết trên blog cá nhân. Họ hiếm khi gặp mặt nhau trực tiếp hơn một mùa giải vừa qua, bởi Anderson khi thì ở tận Fiorentina theo diện cho mượn lúc thì trở thành người thừa tại Man Utd. Họ chỉ cùng xuất hiện trên sân khoảng 17 phút trong trận gặp Burnley hôm 30/8/2014.

Nguồn : Nguyễn Phát- Vnexpress

Xem thêm : xa don