Năm 1971, Pele đến nước Mỹ, “Vua bóng đá” ở đó 6 năm, trở thành người khai phá cho vùng đất mà bóng chày và bóng rổ là “quốc hồn”. Năm 2007, David Beckham đến Los Angeles Galaxy, và biến giải MLS trở nên phổ biến trên toàn cầu nhờ danh tiếng của mình. Và năm 2015, Andrea Pirlo tới New York City.
Andrea Pirlo không vĩ đại bằng Pele, không phủ bóng truyền thông bằng Beckham. Nhưng Pirlo lại mang đến cho MLS một điều khác: đó là chiến thuật. Pirlo đến nước Mỹ, mang theo một triết lý bóng đá mang tên anh. Tại vị trí bên trên hàng hậu vệ, một bộ não điều phối cả thế trận. Một tiền vệ phòng ngự không có nhiệm vụ phòng ngự. Một số 10 cổ điển được kéo xuống bên dưới để tránh sự tiêu diệt từ những “Makelele”. Andrea Pirlo như lời Ancelotti kể lại “Cầu thủ thông minh nhất tôi từng dẫn dắt. Và bạn tưởng rằng có thể ra lệnh cho Pirlo ở trên sân làm gì ư?”.
Pirlo được tất cả yêu kính, kể cả những CĐV đối địch. |
Cho đến tận bây giờ, những tifosi của AC Milan vẫn luôn mang mối thù với Allgeri vì đẩy Pirlo sang Juventus. Họ mất đi thần tượng, còn Milan không còn biết danh hiệu là gì nữa từ ngày Pirlo rời San Siro. Nhưng có một điều mà những trái tim Milanistas luôn lừa dối bản thân: rằng ngày ấy Pirlo bắt buộc phải ra đi. Bởi vì sao? Vì Massimiliano Allegri là một chiến lược gia tài năng. Bởi ông có tài và khác với Leonardo tiền nhiệm, nếu Leonardo chỉ kế thừa Ancelotti, thì Allegri có thể phát triển được chiến thuật và lối đá mới theo triết lý của ông tại Milan. Điều này sẽ dẫn đến sự va chạm lớn với Andrea Pirlo – “cửa ngõ chiến thuật” của Milan đầu thế kỷ XXI. Bởi vậy nếu muốn thay đổi chiến thuật của đội bóng, thì phải thay thế anh. Còn nếu sử dụng anh, thì cả đội bóng phải vây quanh anh. Allegri hiểu rõ điều ấy, và ông buộc phải để Pirlo đi. Sự chia tay đó không sai, nó tốt cho Pirlo, tốt cho Allgeri. Nhưng nếu Allegi biết trước rằng ban lãnh đạo Milan sẽ không cung cấp cho ông các “nguyên liệu mới” để ông tiếp tục phát triển triết lý, còn Antonio Conte bên phía Juve nhìn ra được sự lợi hại của “thiên tài ngái ngủ” thì ông đã không làm như vậy. Phần còn lại, như chúng ta đã biết.
Năm 2005, tạp chí World Soccer đánh giá Pirlo là một trong 21 gương mặt đã làm thay đổi bóng đá thế giới. Chính điều này là sự khác biệt lớn của Pirlo so với những cái tên đã cập bến MLS như Kaka, Steven Gerrard, Frank Lampard hay David Villa trước đó. Bởi đón Pirlo về sẽ đón cả một hệ thống chiến thuật, để người Mỹ biết được rằng tư duy bóng đá và cách mạng con người sẽ đưa đến điều gì. Năm xưa, trong thời điểm những số 10 cổ điển bị diệt vong tại Châu Âu. Pirlo với vị trí lùi sâu đã giúp AC Milan và Italy giành những chiến quả chói lọi cuối cùng của bóng đá thế giới, bao gồm các chức vô địch Champions League cũng như chiến thắng tại World Cup 2006. Tất cả đều có được vào giai đoạn chuyển giao của bóng đá thế giới, trước khi tiqui-taca thành hình tại Tây Ban Nha và thống trị ở những năm tháng tiếp theo.
Pirlo (trái) hứa hẹn đem đến những thay đổi về mặt bề sâu cho bóng đá Mỹ. |
Một sự trống trải sẽ để lại ở Châu Âu ngày bước vào mùa giải mới, khi những biểu tượng tài hoa và vĩ đại, đã tạo nên dấu ấn cho bóng đá thế giới suốt một thập kỷ qua lần lượt ra đi. Đó là Gerrard, là Xavi, là Pirlo. Nhưng nếu ít ra những Gerrard, Xavi còn có người kế thừa, thì Italy lại không có ai để thay thế Pirlo. Năm xưa Roberto Baggio ra đi, xứ mỳ ống còn có rất nhiều thần tượng để an ủi, là Paolo Maldini, Del Piero, Totti, Inzaghi. Rồi Del Piero, Inzaghi cũng bỏ họ mà đi, người ta còn Pirlo để yêu quý. Giờ Pirlo cũng ra đi, anh chẳng để lại ai cáng đáng, chỉ để lại một nỗi trống vắng và một nỗi nhớ khó gọi thành tên trong lòng những CĐV bóng đá đã bị anh chiếm đoạt tình yêu.
Ngược lại với Châu Âu, một sự khỏa lấp hoàn hảo sẽ có mặt ở nước Mỹ. Sau khoảng thời gian được khai phá, được phát triển bởi những nhà truyền giáo bóng đá trên khắp thế giới, những người đã gieo vào cho giải đấu MLS sự hấp dẫn từ sức hút của những cái tên nổi tiếng, trình độ xử lý bóng đẳng cấp cao, và kinh nghiệm của bóng đá đỉnh cao, thì giờ đây sẽ là chiến thuật.
Người Mỹ đã có huấn luyện viên Jurgen Klinsmann, và giờ lại có thêm Pirlo. “Chú Sam” sẽ phát triển bóng đá thế nào trong tương lai? Không ai biết. Nhưng ai cũng biết một điều, quốc gia cũng như con người. Vấn đề nằm ở tố chất. Mà luận về tố chất, hiếm có quốc gia nào giỏi bằng nước Mỹ. Cũng như luận về bóng đá, hiếm ai chơi bóng bằng tư duy như Pirlo.
Dũng Phan