Argentina và Lionel Messi: Mặt trái của sự tồn tại

Ngày đăng 17/11/2015 07:47

Cuối cùng, Argentina đã chiến thắng. Sau sự khởi đầu tồi tệ nhất trong lịch sử tham gia vòng loại World Cup, với ba trận toàn hòa và thua, thầy trò Gerardo Martino đã mỉm cười thỏa mãn. Dấu hiệu tích cực đến từ trận hòa trên cơ Brazil, và bây giờ được hiện thực hóa ở cuộc gặp Colombia. Thậm chí, nếu trọng tài chính xác hơn ở tình huống thổi còi việt vị phút 81, và Dybala may mắn hơn thay vì đưa bóng trúng cột dọc phút 90, Argentina còn có thể thắng đậm.

Việc điều chỉnh lối chơi và con người không chỉ giúp Argentina giành kết quả tích cực trước hai đội bóng mạnh nhất bậc nhất Nam Mỹ hiện tại, mà còn trình diễn cho giới mộ điệu một trong những Argentina đáng xem nhất kể từ khi chia tay Roman Riquelme. Kỳ lạ thay, đó là một Argentina không Messi.

Không có Messi, Argentina phải động não và tìm ra những phương sách mới, để rồi từ đó hiện lên với bộ mặt tích cực hơn hẳn qua các trận đấu với Brazil rồi Colombia. Ảnh: Reuters.

Khi tiếp quản chiếc ghế HLV đội tuyển Argentina do Alejandro Sabella để lại sau World Cup 2014, Martino vẫn giữ nguyên công thức của vị tiền nhiệm - xây dựng Argentina xung quanh Messi. Vấn đề ở chỗ, khác với cách mà Jose Pekerman xây dựng Argentina với trái tim Juan Riquelme ngày trước, cách Sabella trước đó và Martino bây giờ tạo ra một Argentina quanh Messi mang một tính chất tôn sùng nhiều hơn. Điều này đưa đến mặt trái là khiến cho những cá nhân xung quanh Messi trở nên lu mờ trước vầng hào quang mà anh tỏa ra.

Di Maria, Sergio Aguero, Gonzalo Higuain, Javier Macherano, Carlos Tevez… cùng ở đẳng cấp thế giới với Messi, nhưng khi Argentina đá ở World Cup 2014 hay Copa America 2015, người xem đều có cảm giác như thể Messi đang "gánh đội" và phần còn lại ở hàng công đều chơi dưới phong độ. Với việc dành tất cả cho Messi, cùng nhau đứng dưới cái bóng vĩ đại mà anh phủ xuống, Argentina đã lãng phí nhân tài một cách vô thức khi các cầu thủ còn lại không có cơ hội tạo đột biến dù họ có thừa khả năng làm việc đó.

Vị trí á quân tại World Cup 2014 không phủ lấp đi một sự thật rằng Argentina không có bài vở gì đặc sắc, trừ việc mong chờ Messi tỏa sáng. Họ đã đi đến trận chung kết trên nền tảng chắc chắn ở hàng thủ, nơi Macherano là nút chặn quan trọng ở vị trí đánh chặn. Macherano chính là cầu thủ hay nhất của Argentina tại World Cup năm ngoái trên đất Brazil, chứ không phải Messi. Sự vĩ đại của Messi khác với sự vĩ đại của Diego Maradona hay Zinedine Zidane.

So với huyền thoại đồng hương, Messi quá hiền. Maradona luôn hừng hực khí thế, và biết cách truyền sức chiến đấu cho đồng đội. Messi càng không phải là kiểu đạo diễn sân cỏ bậc thầy như Zidane ở đội tuyển Pháp. Messi là viên ngọc trên chiếc vương miện, chứ không phải là người chế tác chiếc vương miện. Đó là lý do vì sao Argentina, với trái tim Riquelme - người không sánh được với Messi về tiếng tăm và sự mến mộ - lại có lối chơi say đắm hơn nhiều lần so với hiện tại.

argentina-va-lionel-messi-mat-trai-cua-su-ton-tai-1

Có Messi (trái), những tài năng khác của Argentina đều bị lu mờ, bất chấp những đóng góp lớn vào hiệu quả lối chơi của cả đội.

Khi Messi chấn thương, HLV Martino lập tức gặp vấn đề. Đội bóng của ông bị đối thủ dưới cơ Ecuador hạ gục với tỷ số 0-2 trên sân nhà, sau đó bị Paragoay cầm hòa 0-0. Phải đến trận gặp Brazil - khắc tinh số một của Argentina, khi bị đặt vào ranh giới giữa sa thải và tồn tại, Martino mới quyết định rũ bỏ hình ảnh Messi và đi tìm người thay thế anh. Ông tạo ra một đinh ba Lavezzi – Higuain – Di Maria của lối chơi đồng đội, và một Argentina nhịp nhàng đâu ra đó đã ra đời.

Đến trận gặp Colombia, đối thủ được đánh giá cao hơn, HLV Martino đặt niềm tin vào Ever Banega, để rồi nhạc trưởng thầm lặng của Sevilla thể hiện được phẩm chất quán xuyến tuyến giữa và bơm sức sáng tạo cho cả đội.  Nếu ở trận đấu gặp Brazil, giới túc cầu giáo đã được tận hưởng một Argentina mãn nhãn với những pha lên bóng liên tục và 23 cú dứt điểm cả trận đấu, thì trước Colombia, họ lại hiện ra với bộ mặt lì lợm qua những pha phản công sắc bén, cùng các đường phối hợp tam giác ở tuyến trên. Hai trận đấu đó giúp Argentina gợi lại chính họ thuở nào: quyến rũ hơn Châu Âu, và "khôn ngoan" hơn Brazil.

Những người yêu Argentina luôn đau đớn theo một cách rất riêng khi xem đội bóng này. Trừ năm 2010 quá mất  cân bằng, năm 2014 thiếu một nhạc trưởng đúng nghĩa, những thất bại còn lại ở các giải đấu lớn mà Argentina phải gánh chịu đều mang tính chất số phận nhiều hơn chuyên môn. 30 năm qua, Argentina lại hiện thân cho một tập thể gồm nhiều thế hệ tài năng bị đánh cắp các danh hiệu lớn mà họ đáng được nhận.

Người Argentina luôn bị ám ảnh bởi Maradona, họ tôn sùng ông và mùa hè 1986 tới mức bất kỳ cầu thủ nào vừa toả sáng, có dấu hiệu của một chiều cao khiêm tốn nhưng nhanh nhẹn, kỹ thuật tốt, là lập tức được gán thêm đuôi “Maradona mới”. Suốt hai thập kỷ qua, hầu như thời nào cũng tồn tại “Maradona mới”. Trong số 14 cầu thủ được "vinh hạnh" đó có bốn người đang còn khoác áo Argentina hiện tại: Messi, Tevez, Aguero, và Lavezzi. Trước đó là những Ariel Ortega, Joan Roman Riquelme, hoặc "sao xẹt" cỡ Andrés D'Alessandro, Pablo Aimar...

argentina-va-lionel-messi-mat-trai-cua-su-ton-tai-2

Martino sẽ phải dũng cảm hơn để Argentina tránh đi vào lối mòn bi kịch vì lệ thuộc vào Messi.

Suốt 30 năm qua, chỉ có hai siêu sao duy nhất thoát khỏi cái bóng của Maradona, vì phong thái đẹp đẽ và bản sắc riêng biệt, đó là "gã mảnh mai" Fernando Redondo và "Vua sư tử" Gabriel Batistuta. Còn lại, các ngôi sao số một của xứ Tango đều phải là "Maradona mới". Điều này là con dao hai lưỡi đâm vào chính người Argentina, cũng như đâm vào chính Messi, khi anh về khoác áo đội tuyển.

Vào cái ngày Argentina rũ bóng Messi ra khỏi đầu, người hâm mộ hiểu rằng, lại thêm một bản trường ca Tango mang sắc màu bi kịch nữa lại hát vang trên sân khấu của sự si mê. Argentina không dám sống thiếu Messi và cũng không dám thay đổi Messi. Bi kịch của Argentina là mặt trái của một thời đại kỳ lạ, đó là thời đại mà Messi và Cristiano Ronaldo đứng ở một vị trí quá cao so với phần còn lại của thế giới bóng đá. Ở thời đại đó, một đội bóng vĩ đại như Argentina cũng hoàn toàn phó mặc vào phép màu của một đôi chân, dù khi cất nó đi, sức sống vẫn rất mãnh liệt.

Dũng Phan