*Trận Siêu Cup Anh (Community Shield) diễn ra lúc 15h ngày 2/8 theo giờ London (tức 21h, theo giờ Hà Nội). Trực tuyến trên VnExpress
"Sir Alex còn có những con ngựa để giải khuây, còn tôi có con ngựa nào đâu". Arsene Wenger hài hước chia sẻ về việc ông chưa muốn nghỉ hưu trong lần trả lời phỏng vấn mới nhất trên tờ Guardian (Anh). Trước giờ ông vẫn rất ngại những câu hỏi về việc này, vì bóng đá với ông là một nỗi đam mê, một niềm ám ảnh. Ông chưa sẵn sàng đối mặt với việc một ngày nào đó không còn làm công tác huấn luyện nữa.
Với Jose Mourinho của Chelsea, bóng đá thuần túy là một công việc. Ông không xem đó là một gánh nặng. Ông từng nói đại ý rằng một bác sĩ với con dao mổ trên tay, khi tính mạng bệnh nhân đang đánh vật với tử thần, mới là công việc áp lực. Còn bóng đá, suy cho cùng chỉ là một trò chơi. Vì thế ông cưỡi lên đầu những ngọn sóng truyền thông, ông đùa giỡn với áp lực, ông thoải mái như một nghệ sĩ biểu diễn trong phòng họp báo.
Wenger luôn giữ trọn niềm tin vào con đường mình chọn, dù khó khăn và đầy thách thức. |
Còn Wenger, bóng đá chính là cuộc đời. David Dein, cựu phó Chủ tịch Arsenal, người bổ nhiệm Wenger hồi 1996, từng nói đùa: "Nếu cần mua lại xe cũ, tốt nhất là mua xe của Wenger. Bởi ông ta có đi đâu đâu". Chiếc xe của Wenger đi từ nhà đến sân tập, rồi từ sân tập về nhà, cùng lắm là tạt ngang chỗ nào đó mua cốc cà phê mang đi.
Wenger yêu nghệ thuật, nhưng ông hiếm khi xuất hiện ở một buổi triển lãm tranh. Ông thích uống rượu, nhưng không tìm ra người đối ẩm. Sau những trận đấu, ông vẫn từ khước việc uống rượu với HLV đối phương theo đúng truyền thống bóng đá Anh. "Đấy là một người rất riêng tư," Dein nói. "Ngoài gia đình, ông ấy dành trọn đời mình cho bóng đá".
Khái niệm "gia đình" của Dein có lẽ cũng phải xét lại. Cánh cửa nhà Sir Alex Ferguson thuở ông còn làm HLV trưởng Man Utd chính là cửa ngõ nối hai thế giới. Thế giới bên ngoài là bóng đá và công việc, thế giới bên trong là gia đình. Bà Cathy - vợ Ferguson - cấm tiệt ông chồng nổi tiếng nói chuyện về bóng đá trong lúc ăn tối, cấm ông mang bất kỳ Cup hay vật lưu niệm nào về nhà, tivi chỉ để xem phim truyền hình và thế giới động vật. Sir Alex chấp nhận điều đó. Khi mở cửa nhà, ông đặt những gánh nặng công việc xuống đất, vui vẻ bước vào thế giới riêng tư để sạc lại năng lượng.
Wenger thì không. Khi bật tivi, ông vẫn chuyển đến kênh có bóng đá như một phản xạ. Ông vẫn nói về các học trò một cách say mê với vợ con, ông lên giường với một quyển sách bóng đá trên tay và có thể bóng đá cũng sẽ theo ông đi vào giấc ngủ. Trong thế giới bóng đá có bao nhiêu vị đức cao vọng trọng, nhưng chỉ có mỗi Wenger mang biệt danh "Giáo sư".
Vì trông ông giống giáo sư thật, một người không biết gì khác ngoài bóng đá. HLV người Pháp này biết tiếng Đức, Anh, Tây Ban Nha, Italy và một chút tiếng Nhật. Ông có hai bằng đại học, có sự đam mê đáng kể về chính trị, nhưng không có hứng thú đi theo con đường đó. Thậm chí cách quản trị nhân sự của ông còn bị xem là ngây thơ về mặt chính trị. Ông mang những cầu thủ trẻ về, giúp họ thành sao rồi chứng kiến cảnh "từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ".
Wenger giống như một ông giáo luôn hết lòng vì các học trò nhỏ. |
Nhưng lạ thay, bao nhiêu biến cố vùi dập của cuộc đời không làm người đàn ông ấy thay đổi cách nhìn về thế giới. Arsenal vẫn đá đẹp dù phải nhận những thất bại vùi dập, ông vẫn bảo vệ và nâng bước những ngôi sao dù biết một cuộc chia tay là điều khó tránh khỏi. Trong bóng đá, Wenger là người chọn con đường khó nhất và là người kiên định nhất trên con đường đó. Ông từng triết lý: "Nếu chúng ta có thể toàn tâm toàn ý làm một việc bình thường thì chính cái việc bình thường ấy có thể trở thành một nghệ thuật".
Wenger bị chỉ trích vì hay sưu tập những cầu thủ trẻ từ các lò đào tạo khắp nơi trên thế giới. Nhưng thực ra, ông tư duy thế này: "Nếu một đứa trẻ có thiên bẩm về âm nhạc, bạn phải cho nó vào trường đào tạo tốt nhất, chứ đừng để nó học ở một trường làng nhàng". Thật vậy, lò đào tạo của Arsenal thuộc hàng đỉnh cao thế giới vì ở đó có Wenger. Ông yêu những cầu thủ trẻ cũng như những ngôi sao, ông yêu những trận đấu tập như một trận tranh Cup. Ông là người tình khổ sai của bóng đá. Một con người như thế mà phải nghỉ hưu, thật đau đớn đến chừng nào.
Nhà văn Patrick Suskind, tác giả cuốn tiểu thuyết "Mùi hương" (Das Parfum, từng được dịch ra trên 20 thứ tiếng), đã viết cuốn sách đầy chiêm nghiệm mang tên "Chỉ tại con bồ câu" (Die Taube). Chuyện kể về một ông già, sống trong một thế giới cô đơn của riêng mình, 20 năm trời không gặp bất kỳ một biến cố nào cho đến khi mở cửa ra và bất ngờ gặp... con chim bồ câu. Cuốn sách nói về cuộc đấu tranh tư tưởng của ông với con bồ câu ấy.
Với Wenger, con chim bồ câu chính là ẩn dụ về cuộc sống hậu bóng đá. Sir Alex vẫn viết sách, lên truyền hình, xem đua ngựa và uống rượu với bạn bè. Còn Wenger thì hoang mang vì chẳng biết mình sẽ làm gì. Cứ một mùa giải mới khởi đầu lại là cái ngày mà Wenger tiền gần hơn đến cái ngưỡng phải rời xa băng ghế huấn luyện. Vì thế, hãy dõi theo người tình chung thủy với bóng đá ấy ngay khi còn có thể.
Ngày mai sẽ là Community Shield.
Hoài Thương