Bóng đá và tiếng súng ở Stade de France

Ngày đăng 13/11/2015 04:19

Phút 20, trận giao hữu giữa Pháp và Đức. Patrice Evra đang cầm bóng, một âm thanh chát chúa bỗng vang lên bên ngoài sân vận động. Anh khựng lại một lúc, 80.000 cổ động viên có mặt trên sân ngơ ngác không biết điều gì đang xảy ra.

Quả bóng vẫn tiếp tục lăn sau đó, nhưng nhiều đài truyền hình đã ngừng phát sóng trận đấu này để đưa tin về vụ tấn công ở Paris. Vào thời điểm đó, đã có ba người vĩnh viễn nằm xuống ngay bên ngoài "thánh đường bóng đá" của nước Pháp - Stade de France vì một vụ đánh bom khủng bố, nhằm vào chính họ và vào chính bóng đá.

Giữa thế kỷ 19, khi nước Anh khai sinh môn bóng đá hiện đại, họ không bao giờ ngờ rằng nó sẽ trở thành môn thể thao quan trọng nhất thời đại. Được hình thành bởi đầu óc của những con người ở tầng lớp trung lưu nước Anh, nhưng bóng đá được ưa chuộng khắp thế giới vì mang những vẻ đẹp nguyên sơ của tầng lớp bình dân. Nó trở thành niềm vui của trẻ em đường phố và những người lao động nghèo, nơi đó không cần một quả banh nỉ một đôla hay một cây vợt 50 đôla, mà chỉ cần những nắm giấy vo tròn là đủ tạo ra niềm vui. Bóng đá vì vậy trở thành lối thoát tinh thần của những người lao động sau một ngày làm việc vất vả. Như trận derby nổi tiếng nước Đức hiện nay giữa Borussia Dortmund và Schalke 04, vốn là cuộc chiến của những người thợ mỏ và người thợ luyện kim tại khu công nghiệp vùng Ruhr. Bóng đá vì vậy không chỉ mang tính phổ biến, mà còn ở tính kết nối cộng đồng.

Cầu thủ và CĐV Pháp vẫn tận hưởng niềm vui bóng đá, giữa những hoảng loạn vì khủng bố bên ngoài sân vận động. Ảnh: AFP.

Chiều dài hơn 112 năm kể từ khi FIFA ra đời, bóng đá đã vượt lên khuôn khổ của một môn thể thao. Những câu chuyện đẹp về hòa bình trong tiếng súng đã được kể lại. Năm 1914, khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, trên mặt trận Anh – Đức ở biên giới Pháp – Thụy Sĩ, ngày Giáng sinh những người lính của hai phe đã bước ra khỏi chiến hào. Họ tặng cho nhau những điếu xì gà, rồi đột nhiên một hạ sĩ người Anh chạy vào chiến hào và mang ra một quả bóng. Một trận bóng đã diễn ra giữa những con người hôm trước còn xả súng vào nhau, ngay trên “vành đai biên giới”. Hôm ấy Đức thắng Anh 3-2. Sir Arthur Conan Doyle – tác giả của tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes - khi nghe chuyện đã gọi đó là “một chương nhân văn hiếm hoi trong một thiên tiểu thuyết hung bạo”.  Phép màu không chỉ một lần. Năm 1968, Pele có chuyến du đấu châu Phi cùng câu lạc bộ Santos. Lúc đó, tại Nigeria đang diễn ra cuộc nội chiến với vùng lãnh thổ Biafra đòi ly khai. Khi nghe tin Pele sẽ đến, cả hai bên đã thống nhất sẽ ngừng chiến tranh trong vòng 48 tiếng để mọi người được xem “Vua bóng đá” biểu diễn ở Lagos.

Bóng đá không có tội, bóng đá là hàn gắn, là cứu cánh của những trẻ em nghèo, là niềm vui của những người lao động, bóng đá là không chính trị. Khi những kẻ khủng bố đã đem súng vào trong bóng đá, có nghĩa rằng họ đã bắn vào chính niềm vui đơn sơ nhất của một người dân bình thường. Sự biện hộ của những tay súng là tôn giáo, nhưng thánh thần không dạy chúng ta xả súng vào nhau.

bong-da-va-tieng-sung-o-stade-de-france-1

Lịch sử đã nhiều lần chứng kiến bóng đá vẫn hiên ngang giữa bom đạn. Ảnh: BPI.

Matthias Sindelar là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Áo, có biệt danh “Mozart của bóng đá”. Năm 1938, đội tuyển Áo của ông bất chấp cảnh báo của phía cầm quyền, vẫn hiên ngang chiến thắng đội tuyển Đức với tỷ số 2-0. Sindelar sau đó bị ám sát, nhưng ông trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, của con người không cúi đầu trước tiếng súng. Hôm nay, không lâu sau khi sân vận động Stade de France bị rúng động bởi vụ nổ, phút 46 Giroud mở tỷ số cho Pháp và sau đó Gignac ấn định chiến thắng 2-0 bằng một cú đánh đầu dũng mãnh. Trên sân cỏ, các cầu thủ Pháp vẫn chiến đấu và chiến thắng, gửi đến chút niềm vui nhỏ bé cho những người dân Pháp đang sống trong sợ hãi. Và trên các khán đài người hâm mộ vẫn cổ vũ họ như chưa có điều gì xảy ra. Đấy là sức mạnh của một thứ tôn giáo của bóng đá, gọi là: túc cầu giáo.

Lời bài hát “We Are The World” là những gì người hâm mộ bóng đá muốn gửi đến với nước Pháp những ngày này:

Khi bạn rã rời và kiệt quệ

Có vẻ như chẳng còn hy vọng nữa

Nhưng nếu như bạn biết tin tưởng

Thì chúng ta không thể nào thất bại đâu.

Dũng Phan