Bolt bên bố mẹ ở Olympic 2012. Ảnh: AFP. |
Tôi lúc nào cũng quấn quít bên mẹ mình, đến giờ vẫn vậy. Thứ duy nhất khiến tôi khóc khi đã trưởng thành là nỗi buồn của mẹ. Tôi và bố cũng thân thiết, nhưng mối liên kết với mẹ chặt chẽ hơn, có thể vì tôi là đứa con duy nhất của bà và bà đặc biệt cưng chìu tôi.
Nhà tôi ở Coxheath, một ngôi làng nhỏ. Đấy là một ngôi làng tuyệt đẹp, bao quanh giữa những cây cổ thụ xanh tươi. Không có nhiều người sống trong làng, cả trăm mét mới có một hoặc hai ngôi nhà. Chúng tôi cùng sống trong một căn nhà nhỏ một tầng do bố thuê. Đời sống trôi qua rất chậm. Xe hơi hiếm khi lai vãng đến đây và đường phố bao giờ cũng vắng vẻ.
Không khí ở đây rất trong lành, thời tiết cũng tuyệt vời, nhưng du khách rất hiếm khi ghé qua. Trong cuốn cẩm nang du lịch, họ viết về Coxheath như sau: "Du khách có thể đến đó trên ô tô, nhưng báo trước là đường đi hơi ghê. Một bên là nước sông chảy xiết, một bên là rừng rậm um tùm, thỉnh thoảng bọn gà rừng có thể chạy ra bất kỳ lúc nào. Đi khoảng 30 phút đường rừng như vậy là tới Coxeath, ngôi làng trong thung lũng". Ngôi làng ấy chính là thiên đường của tôi đấy.
Chuyện tôi sẽ trở thành một huyền thoại Olympic đều có căn cơ cả. Ngay từ khi còn bé, tôi đã là một đứa cực kỳ hiếu động. Vừa lọt lòng mẹ tôi đã nặng đến 4,3 kg. Bố kể ngày tôi ra đời, cô y tá đã nói với ông:
"Coi kìa, con trai của anh nó đi dạo mấy vòng thế giới rồi mới chịu chui ra đấy. Coi nó khỏe chưa".
Vóc dáng to khỏe của tôi là quà tặng đầu tiên của Thượng đế. Món quà thứ hai là nguồn năng lượng không bao giờ cạn. Ngay khi chào đời, tôi đã là một đứa nhanh nhẹn. Tôi biết đi rất sớm và không bao giờ chịu đứng yên một chỗ. Không một chiếc ghế nào là an toàn, không chiếc tủ nào ngoài tầm với, tất cả đồ gỗ trong nhà đều đã bị nhóc tì Bolt chinh phục. Có lúc bố phải mang tôi đến bác sĩ sau khi tôi đập đầu vào cửa lần thứ... 100.
"Con tôi nó cứ chạy suốt ngày bác sĩ ạ. Nó hiếu động quá, có phải là bệnh không?"
Bác sĩ bảo tôi bị tăng động, nhưng cách duy nhất để chữa là... chờ cho tôi lớn lên. Tội nghiệp những người xung quanh tôi phải theo giữ tôi suốt cả ngày. Trông trẻ em là một công việc vất vả, còn trông Usain Bolt là một địa ngục trần ai.
Không một ai biết tôi lấy đâu ra nguồn năng lượng ấy để có thể chạy cả ngày mà không biết mệt. Cả bố lẫn mẹ tôi đều không phải là những VĐV. Họ có chơi thể thao, nhưng chỉ chơi dạng phong trào. Lần duy nhất tôi thấy mẹ tôi chạy nước rút là khi bà đuổi theo một con gà rừng. Nó bất thình lình chui vào bếp và cắp con cá mà mẹ chuẩn bị chiên cho bữa tối.
Và mẹ tôi đã đuổi theo nó, guồng chân nhanh không thua gì Michael Johnson đang chạy tranh HC vàng Olympic nội dung 200 mét. Mẹ đuổi theo con gà khốn khổ cho đến khi nó chịu "bỏ cá chạy lấy người" thì thôi. Khi lủi vào rừng, có lẽ nó còn nghe tiếng mẹ tôi huỳnh huỵch sau lưng, vừa mất miếng ăn, vừa bị một phen chết khiếp. Tôi luôn nói đùa với mọi người: tôi cao giống bố nhưng chạy nhanh thì giống mẹ.
Một góc làng quê Jamaica. |
Nhịp sống ở Trelawny rất phù hợp với bố mẹ tôi. Cả hai đều là dân quê và không cần phải hối hả như dân ở Kingston. Nhưng họ làm việc rất chăm chỉ. Bố là người quản lý ở một công ty sản xuất cà phê, ông chịu trách nhiệm phân phối cà phê ấy ra cả nước. Ông dậy rất sớm và về rất muộn. Và vì tôi lên giường lúc sáu hoặc bảy giờ tối nên có nhiều ngày chẳng thấy mặt bố lần nào.
Mẹ làm việc cũng chăm chỉ không kém. Bà là một thợ may áo đầm, trong nhà lỉnh kỉnh đủ thứ vải vóc, kim chỉ. Bất kỳ ai trong làng cũng sẽ đến gõ cửa khi cần sửa đồ và khi không chạy theo tôi để canh chừng, bà luôn vùi đầu vào đống quần áo. Lớn lên một chút, tôi có thể phụ mẹ xỏ kim. Bây giờ khi chiếc cúc nào đó bị bung ra, tôi sẽ lấy chỉ khâu lại.
Thuở nhỏ tôi chưa từng bị đói. Sống ở vùng quê mà, được cái đồ ăn thì ngút ngàn: khoai lang, chuối, ca cao, dừa, mía, xoài, cam, ổi... Cứ tiện tay là hái, mẹ chẳng bao giờ phải đi chợ mua rau củ bởi hết mùa cây này sẽ đến mùa cây khác. Tôi chẳng việc gì phải dùng đến tiền. Đói bọng thì hái chuối xuống ăn. Thật tình cờ, chính việc suốt ngày ăn trái cây đã giúp tôi có một thực đơn cực kỳ khỏe mạnh, bồi dưỡng cho cái thể chất trời cho.
Và rồi những cuộc "tập huấn" bắt đầu.
Những bụi cây ở Coxeath là sân chơi tự nhiên tuyệt vời. Bước ra khỏi nhà là có trò để làm: chạy nhảy, luồn lách, leo trèo. Khu rừng ở đó chính là phòng tập gym tự nhiên lý tưởng cho bất kỳ ai muốn trở thành VĐV nước rút. Tôi lại là một đứa trẻ hiếu động, luôn thích chạy trên đôi chân trần. Nhìn từ bên ngoài thì nơi đây có vẻ hoang dã và hơi đáng sợ. Nhưng thật sự nó rất an toàn. Không có tội phạm, không có thứ gì nguy hiểm phía trong những rặng mía. Ờ thì cũng có một loại rắn, dân Jamaica gọi là con Boa Vàng, nhưng nó không có độc.
Lớn lên một chút thì tôi tập chơi cricket. Rồi bố buộc tôi phải phụ xách nước. Trong làng làm gì có nước máy, tôi phải xách nước từ suối về nhà, đổ đầy vào bốn cái lu. Mỗi cái lu cần 12 cái thùng mới đổ đầy, tức là để hoàn thành nhiệm vụ, tôi phải đi từ nhà ra suối rồi từ suối về nhà 48 chập. Đấy là một việc vất vả, rồi tôi nghĩ: sao mình không rút số lần đi xuống còn phân nửa bằng cách xách một lúc 2 thùng? Không ngờ những chuyến đi kiểu ấy vô tình là những bài nhồi thể lực, khiến cho tôi có những múi cơ không khác gì người khác tập tạ. Bạn thấy đó, đôi khi sự "lười biếng" cũng phát huy tác dụng nếu bạn... lười đúng cách.
Bố không thích tôi ra khỏi nhà, vì thế mỗi khi ông đi làm, tôi liền tót ra bên ngoài. Những lúc ấy tôi dẫn theo chú chó Brownie. Khi bố tôi trở về, tiếng xe của ông vang từ xa và tai của Brownie sẽ vểnh lên, tôi lập tức phi ngay về nhà. Brownie chạy trước, tôi chạy sau, nhiệm vụ là về nhà trước bố tôi để không bị phát hiện.
Cái tai vểnh lên của Brownie chính là hiệu lệnh xuất phát.
Nghe thật buồn cười, nhưng HLV điền kinh đầu tiên của tôi đích thị là một con chó!
* Chương 5 cuốn tự truyện "Nhanh hơn Ánh sáng" của Usain Bolt sẽ được đăng tải trên VnExpress trưa 15/8.
Hoài Thươngdịch