Bolt may mắn có một hình thể hoàn hảo và sống trong một môi trường lý tưởng để phát triển. |
Tôi đã trải qua những năm tháng đầu tiên trên ghế nhà trường như thế, đầy vui vẻ và say mê. Nhờ "chương trình tập huấn đặc biệt" cùng với những bụi cây ở Coxeath, tôi ngày càng nhanh nhẹn và khỏe mạnh hơn. Thể hình vượt trội so với bạn bè cũng giúp tôi luôn chiếm lợi thế trong các môn thể thao, từ điền kinh đến cricket. Mới 8 tuổi, nhưng tôi đã cao hơn những đứa 10, 11 tuổi.
Sau khi đánh bại Ricardo ở hội thao Waldensia, tôi bắt đầu tập luyện điền kinh một cách nghiêm túc. Tôi tham gia thêm những cuộc thi và lần này giải thưởng không còn là hộp cơm trưa nữa mà là cúp và huy chương hẳn hoi. Tôi giành mọi danh hiệu mà mình tham gia.
Đến cuối năm 1997, tất cả mọi người đều công nhận tôi là đứa trẻ nhanh nhất Sherwood Content. Tường nhà tôi chật ních những bằng khen và chứng nhận, nhưng tôi đón nhận tất cả với thái độ rất bình thường. Tôi chỉ chạy vì cảm thấy vui, vì thích được về nhất, thích đánh bại những đứa trẻ khác, chứ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dấn thân vào điền kinh một cách nghiêm túc. Làm sao tôi có thể nghĩ được tất cả những điều đó chứ? Tôi vẫn còn là một đứa trẻ cơ mà.
Sau khi vô địch nhiều lần ở Waldensia, tôi được mời tham dự cuộc đua 100 và 150 mét ở giải vô địch học đường quốc gia. Và tại đây, tôi được mời chào một học bổng vào học trường Trung học William Knibb, nơi chỉ cách nhà tôi một đoạn ngắn đi ô tô, cũng là nơi mà du khách đến thăm Jamaica bước xuống từ những chiếc thuyền lớn.
William Knibb là một nơi tuyệt vời,một ngôi trường dễ thương với lịch sử thể thao huy hoàng. Một trong những cựu học sinh của trường, Michael Green, đã dự Olympic Atlanta 1996 và về thứ 7 ở nội dung 100 mét. Họ cũng có truyền thống về cricket, nhưng tất nhiên học bổng đưa tôi vào trường là dựa trên khả năng điền kinh.
Đến đây, bạn đã có thể hiểu vì sao Jamaica nhỏ bé là thế nhưng lại sản sinh ra nhiều VĐV điền kinh tầm cỡ quốc tế. Vì chúng tôi thật sự chăm lo cho việc ấy. Ở các trường trung học Jamaica, điền kinh là môn thể thao vua. Niềm đam mê của công chúng Jamaica dành cho môn này cũng giống như người Anh dành cho bóng đá và người Mỹ dành cho bóng rổ vậy. Jamaica có cả một hệ thống làm việc từ trẻ đến chuyên nghiệp để tìm ra những đứa trẻ nhanh nhất. Nếu một đứa trẻ vô địch ở địa phương như tôi chẳng hạn, người ta sẽ tìm mọi cách đưa chúng đến với những cuộc thi cao hơn. Và nếu có thể gây tiếng vang tại những giải đấu cấp quốc gia, cuộc sống của đứa trẻ sẽ lập tức thay đổi. Những đại học lớn ở Mỹ sẵn sàng trả học bổng để mời chúng sang học. Nhưng bản tiền hợp đồng với những món tiền lớn sẽ đi theo sau.
Champs giống như một ngày hội ở Jamaica. |
Tôi đang từng bước tiến lên trên con đường ấy, trường Trung học William Knibb cam đoan là tôi có tiềm năng để về nhất trong những giải vô địch lớn. Một trong những giải như thế là mang tên giải vô địch Liên trường trung học hay còn gọi là "Champs". Với người ngoài, sự kiện này có thể chỉ bình thường nhưng ở Jamaica, đây là giải được cả nước quan tâm, thậm chí còn là giải học đường lớn nhất vùng Caribbean.
Champs đã và đang là nhịp đập của điền kinh Jamaica. Nó được sáng lập vào năm 1910 để tạo sân chơi cho những đứa trẻ nhanh nhất nước. Cứ đến tháng 3 hàng năm, trên 2.000 đứa trẻ cả nước tụ hội về tranh tài. Giải đấu được chiếu trên TV, được xuất hiện trên trang nhất của những tờ nhật báo lớn nhất nước. Với các quốc gia khác, tìm tài trợ cho những giải học đường luôn là vấn đề. Còn ở Jamaica, các nhãn hàng tranh nhau được xuất hiện.
Hội thao bốn ngày tổ chức tại sân vận động quốc gia ở Kingston hẳn hoi, 30.000 vé cho mỗi ngày được bán hết veo nhanh chóng. Người Jamaica hào hứng với sự kiện này vô cùng vì họ muốn nhìn thấy những VĐV thể thao hàng đầu quốc gia trong tương lai. Khi vé hết, người ta còn cố leo qua hàng rào để vào sân, người ta nhảy nhót trên khán đài, ban nhạc của các trường trung học chơi không ngừng nghỉ. Ai muốn đi tè thì phải tranh thủ đi từ lúc... chưa mót, vì có khi phải mất cả tiếng mới chen được vào toilet.
Ở một góc độ khác, Champs chính là "bãi săn" của những HLV được Nhà nước trả tiền. Năm 1980, cựu Thủ tướng Jamaica Michael Manley cho thành lập Đại học GC Foster, chỉ với duy nhất một chuyên ngành là đào tạo thể thao. Đấy là một trong những lý do vì sao một quốc gia chỉ có 2,7 triệu dân như Jamaica lại có nhiều VĐV đoạt HCV điền kinh hơn đa số các nước lớn khác. GC Foster đào tạo HLV, rồi HLV đào tạo ra những VĐV nhí tranh tài tại Champs trước khi biến chúng thành những VĐV chuyên nghiệp thực thụ.
Thông tin William Knibb sẽ trao học bổng làm cho bố tôi hài lòng. Gia đình tôi không túng thiếu, nhưng cũng không đủ điều kiện để cho tôi học cao lên. Vấn đề duy nhất là William Knibb không muốn tôi chơi cricket nữa mà muốn tôi toàn tâm cho điền kinh. Một người thầy nói với tôi: "Nếu con toàn tâm cho điền kinh, con sẽ chịu trách nhiệm với chính bản thân mình. Còn cricket, con không có quyền tự quyết. Con có thể là VĐV cricket giỏi nhất, nhưng vẫn có trường hợp là HLV không thích con. Đời là vậy đó. Nhưng trong điền kinh, nếu con chạy nhanh, không một ai cản con được".
Những lời nói ấy đã tác động lên tôi vì tôi thích tự làm chủ cuộc đời mình. Và trong vòng 12 tháng, tôi đã thử mọi nội dung điền kinh có thể: 100 mét, 200 mét, 400 mét, 800 mét, 1.500 mét. Tôi thử chạy tiếp sức và thậm chí là băng đồng, nhưng tôi không thích, vì tôi không muốn chạy một cự ly quá dài. Cuối cùng, tôi gút lại sẽ dự Champs ở 2 nội dung 200 mét và 400 mét. Tôi muốn chạy 100 mét nữa nhưng vì cơ thể quá cao, các thầy không tin tôi có khả năng thắng được những đứa trẻ thấp và xuất phát tốt hơn.
Trong 50 mét đầu tiên, tôi luôn thua những đứa khác, nhưng từ đó trở đi, khi tốc độ đạt đến tối đa, tôi sẽ vượt qua tất cả. Cự ly 200 mét và 400 mét cho tôi một quãng dài để thu hẹp khoảng cách đã mất do xuất phát chậm. Và tôi thật sự không có đối thủ ở hai nội dung này.
Một lần nọ, khi thi nội dung 400 mét ở giải liên trường, tôi cạnh tranh với một đối thủ rất cừ. Trong khoảng 100 mét đầu, tôi và cậu ta chạy song song với nhau. Cậu ấy chạy với tất cả những gì mình có và rất tự tin. Nhưng rồi trong 50 mét cuối tôi bứt lên, khi qua mặt cậu ta ở góc cua, tôi quay qua và nói:
- Lần sau cố hơn chút nhé, cưng.
Khi về đích, cậu ta nhìn tôi với ánh mắt cực kỳ căm phẫn. Nhưng tôi không làm khác được. Sự kiêu hãnh là một phần khiến tôi đặc biệt. Tôi có tài năng thiên bẩm về điền kinh. Có lần tôi thi cả nhảy cao và nhảy xa cho vui, nhưng vẫn về nhất. Những đứa trẻ khác phải học làm quen với việc đứng sau tôi ở bất kỳ nội dung nào mà tôi tham gia. Khi tiếng súng hiệu vang lên, tôi chỉ biết một điều là mình phải về nhất.
Tôi chạy nhanh đến mức các thầy giáo trong trường không tin nổi vào mắt mình. Khi tôi về đích trong một đợt chạy thử, người thầy nói:
- Con chạy lại đi Bolt, hình như đồng hồ thầy hỏng rồi.
Tôi chạy lại lần nữa, và thành tích còn nhanh hơn cả lần trước. Thầy ấy ôm đầu:
- Chết tiệt thật. Chuyện này là thật sao?
Hoài Thươngdịch