Chương 7 tự truyện của Usain Bolt: Kẻ thù lớn nhất

Ngày đăng 21/08/2015 04:30

Tôi không nuốt nổi giáo án tập luyện, đặc biệt là cho môn 400 mét. Luyện cho môn 200 mét vốn đã vất vả, nhưng chí ít tôi còn kham nổi. Nhưng môn 400 mét quả là địa ngục. Thường xuyên phải chạy 500 mét, 600 mét và 700 mét xen kẽ, đã nhiều phen tôi nôn mửa ngay trên sân vì quá mệt. Một trong những HLV khó tính nhất của tôi là thầy Barnett. Ông ấy yêu cầu tôi gập bụng... 700 cái mỗi ngày. Vâng, bảy trăm. Tất cả những đứa theo chương trình huấn luyện cũng đều phải gập 700 cái, đứa nào không hoàn thành, thầy phạt cả nhóm.

Quá mệt mỏi và chán với việc tập luyện, tôi lẻn ra ngoài mỗi khi có thể. Đến bữa phải tập với thầy Barnett tôi càng có lý do để lủi. Sự thật là cho đến thời điểm đó, tôi vẫn nghĩ điền kinh là một thú vui hơn là lẽ sống ở đời. Tôi mới 12 tuổi, cũng ham chơi và bồng bột như mọi đứa trẻ trên đời. Những lần trốn tập, tôi cùng bạn bè đến Falmouth để chơi điện tử. Chủ của tiệm điện tử ấy là một người tên Floyd. Tiệm cũng bài trí đơn giản, bốn chiếc máy Nintendo ghim sẵn băng 64 trò và bốn chiếc TV, một đôla Jamaica một phút, chơi nhiêu tính nhiêu. Để có tiền chơi điện tử, tôi phải nhịn ăn trưa. Tôi chơi trò Super Mario không ngừng nghỉ, có những buổi tối tôi lên giường mà chai hết cả hai tay.

Đối thủ lớn nhất của Bolt trước nay luôn là bản thân anh.

Khi bố mẹ hỏi chương trình tập luyện tới đâu, tôi chẳng bao giờ dám nói là mình trốn tập, toàn rụt vai theo kiểu "Mệt gần chết bố mẹ ạ". Nhưng những ngày chơi bời rồi cũng phải kết thúc khi một đứa em họ phát hiện và về mách lại với bố. Bố tôi hết sức tức giận và cấm tôi tuyệt đối không được bén mảng đến tiệm điện tử nữa. Đấy cũng là lúc mà người đừng đầu ban huấn luyện ở trường trung học, Pablo McNeil, một cựu VĐV Olympic nhấn mạnh tầm quan trọng của tập luyện với tôi.

"Con đang chạy với thành tích rất đáng nể Bolt à. Nhưng con chỉ muốn thế thôi sao? Con không nghĩ chuyện vô địch cao hơn nữa à. Hãy tưởng tượng con còn tiến xa đến đâu nếu tập luyện nghiêm túc".

McNeil từng vào đến bán kết Olympic 1964 ở Tokyo, ông trông rất ngầu với tóc muối tiêu và hàm râu quai nón, nhưng lời nói của ông cũng không làm tôi thay đổi. Tôi vẫn trốn tập như thường. Một đêm nọ ông thuê taxi đến Falmouth và bắt gặp tôi đang ở chỗ của Floyd, cùng với vài cô gái ở William Knibb.

Bố tôi ngày càng khó chịu vì thành tích học tập sa sút của tôi. Tôi hết thích môn toán, chẳng hiểu phải học định lý Pythagoras làm gì. Tôi chẳng muốn học ngoại ngữ, dù giáo viên ngoại ngữ của tôi ra sức khuyên bảo: "Usain, sau này con sẽ đi thi các giải quốc tế, hãy học tiếng Tây Ban Nha để còn giao tiếp với người ta". Đã bao lần bố tôi phải quát tôi trong bữa ăn: "Trời ơi, Bolt ơi, sao mày lười vậy hả?"

o0o

Thói quen là một thứ rất khó thay đổi và nó chỉ biến chuyển khi xảy ra một biến cố gì đó. Với cá nhân tôi, đó là lần tôi để thua một đối thủ khác trong cuộc thi vùng. Nó tên Keith Spence, đến từ trường Cornwall. Nó chạy cự ly trung bình và cơ bắp đầy người. HLV gò nó một phép và nó cũng rất siêng năng, suốt ngày trong phòng tập thể lực. Chính sự siêng năng ấy giúp cơ thể của nó khỏe hơn, những múi cơ giúp nó có lợi thế hơn trên đường đua dù cho tôi có cố cách nào đi nữa.

Thất bại trước Keith Spence khiến tôi đau đớn không thua gì vừa thực hiện xong 700 cái gập bụng. Sau khi thất bại một lần nữa trước Keith trong cuộc đua vùng hồi 2000, tôi quyết định: vậy là quá đủ. Sự kiêu ngạo không cho phép tôi hứng chịu thêm một thất bại nào nữa. Cũng giống như cuộc đua với Ricardo Geddes cùng hộp cơm trưa của thầy Nugent ngày trước, tôi đã thấy mục tiêu. Tôi phải đánh bại gã Keith ấy, dù cho có hủy hoại cơ thể mình.

"Keith Spence, chú chờ đó, anh sẽ cho chú hít khói", tôi tự nói như thế.

Và tôi bắt đầu lao vào tập luyện. Trong suốt mùa hè, tôi không hề nghỉ ngơi, tôi nuốt mọi giáo án thể lực. Đấy cũng là thời gian tôi biết như thế nào là Olympic khi vô tình được xem những thước phim về Atlanta 1996. Đấy là một trong những điều tuyệt vời nhất mà tôi từng xem. Ngày ấy, Jamaica không có kỹ thuật truyền hình lẫn tài chính để chiếu những sự kiện thể thao lớn. Chẳng có vệ tinh, càng không có truyền hình cáp ở Sherwood Content. Vì thế được coi một đoạn băng về Olympic là cả một điều lớn lao.

2-8585-1440218317.jpg

Dáng chạy của Bolt (phải) khá giống với người đồng hương Don Quarrie.

Trong đoạn băng ấy, tôi mới hiểu điền kinh, đặc biệt là nội dung 100, 200, 400 và 800 mét có ý nghĩa thế nào với thể thao đỉnh cao. Nó lớn gấp vạn lần những cuộc thi học đường. 30.000 khán giả ở Champs không là gì cả. Olympics mới thực sự vĩ đại làm sao. Đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Michael Johnson, chạy trên đường chạy 200 và 400 mét, tức hai nội dung sở trường của tôi. Anh ấy giành HC vàng ở cả hai nội dung và phá kỷ lục 200 mét với thành tích 19 giây 32. Khi qua cua, lưng anh ấy thẳng băng, đầu hướng về đích, sao có thể chạy đẹp dữ vậy cơ chứ.

"Chúa ơi, con muốn được như Michael Johnson, con muốn giành HC vàng Olympic," đấy là lần đầu tiên suy nghĩ ấy xuất hiện trong đầu tôi.

Và đó là tin dữ cho Keith Spence. Tôi tập và tập hăng say hơn nữa. Nhưng tôi phát hiện ra mình không thể học theo Johnson vì cơ địa tôi khác anh ấy. HLV cho tôi xem một đoạn băng khác của Don Quarrie, VĐV Jamaica từng giành HC vàng 200 mét tại Montreal Games 1976. Nhìn Don chạy, tôi chợt thấy Michael Johnson không khác gì rô bốt. Tôi quyết định mình phải học theo những bước chạy uyển chuyển của Don.

Rồi ngày tái đấu với Keith Spence cũng đến. Bang, tiếng súng hiệu vang lên. Spence rời khỏi vạch xuất phát vẫn nhanh như mọi khi, nhưng khi đến cua, tôi vượt mặt gã. Tôi bo sát cua với một sức mạnh không thể cản nổi và chạy với tốc độ tối đa những mét cuối cùng. Khi về đích đầu tiên, tôi như kẻ vừa tìm ra châu Mỹ. Tôi biết là mình có thể thất bại trong những cuộc thi nhỏ, nhưng trong một giải đấu lớn, tôi sẽ không để điều đó xảy ra. Tôi đã chứng mình điều đó khi đánh bại Ricardo Geddes ngày trước và Keith Spence. Chiến thắng đã dần trở thành một thói quen nghiêm túc.

Hoài Thươngdịch