Chương 9 tự truyện Usain Bolt: Cáo đội lốt cừu

Ngày đăng 13/09/2015 06:53

Ở Thế vận hội năm đó, Bolt giành ba HC vàng và phá ba kỷ lục thế giới lẫn Olympic cho các nội dung 100 mét, 200 mét, 4x100 mét tiếp sức. Thế nhưng trước khi vào giải, Bolt hãy là một VĐV trẻ và chưa có nhiều danh tiếng trên bình diện quốc tế, cho dù anh đã bộc lộ tiềm năng hàng đầu ở các giải trẻ.

Bolt thực sự nổi lên từ Olympic Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Những ngày đầu tiên của tôi tại Bắc Kinh yên bình như một khoảng lặng trước cơn bão lớn. Tôi đi quanh làng Olympic một cách thoải mái, cười đùa với những VĐV khác trong căng-tin. Không một ai làm phiền tôi cả. Thỉnh thoảng có một hay hai người nhận ra khi tôi đang tản bộ, thế thôi, không có gì nghiêm trọng cả. Tôi trông như một gã hoàn toàn vô danh, chẳng có vẻ gì là chuẩn bị trở thành Người đàn ông nhanh nhất hành tinh.

Tôi cũng khá thích đi dạo ở châu Á, vì người dân ở đây luôn cho tôi cảm giác mình được yêu mến. Lần đầu tiên tôi đến châu Á là khi dự giải vô địch thế giới tại Osaka (hồi 2007). Bọn trẻ Nhật Bản kêu "Bolt, Bolt" khi tôi rời khỏi xe buýt của đội, chúng xin chữ ký và xin chụp hình chung mọi lúc có thể. Ngay cả truyền thông cũng rất dễ thương và thân thiện. Cứ mỗi lần đến phỏng vấn, người phóng viên của bất kỳ đài truyền hình hoặc tờ báo nào cũng đều tặng tôi một món quà bé bé xinh xinh, có thể là một chiếc camera đồ chơi hoặc một chiếc áo thun.

Tất nhiên không phải mọi thứ ở châu Á đều tuyệt vời. Tôi được cảnh báo là cơ sở vật chất ở đây có nhiều thứ không hợp với kích thước của tôi. Và khi đến Nhật dự giải thế giới hồi 2007, ngay cả đi tắm tôi cũng gặp khó khăn. Chiếc vòi sen chỉ đến hông và chui được cả người vào cái phòng tắm nhỏ hẹp ấy cũng mệt mỏi chẳng khác nào thi đấu. Phòng ngủ của họ thì có kích cỡ như một chiếc quan tài và tôi không cách gì ních mình vào trong được. Tôi đã không thể kỳ cọ lưng mình một cách đàng hoàng suốt nửa tháng trời.

Đồ ăn châu Á cũng hơi khó nuốt. Khi đến Bắc Kinh, Ban huấn luyện nghiêm cấm tôi tuyệt đối không ăn bất kỳ thứ gì bên ngoài Làng Olympic. Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc cũng cấm tiệt các nhà hàng địa phương không bán một số thức ăn cho du khách nước ngoài. Một trong những món ấy là thịt chó. Tôi cũng chẳng háo hức món đó.

2-7073-1442213556.jpg

Tại Bắc Kinh 2008, ngôi sao người Jamaica giành ba HC vàng và phá ba kỷ lục của cả thế giới lẫn Olympic.

Mỗi ngày tôi đến nhà hàng ở Làng Olympic ba lần. Tôi cố ăn thịt gà và một ít mì, nhưng cũng không nuốt được nhiều. Là một người Jamaica, tôi chỉ thích món thịt muối, cơm, khoai lang và bánh bao. Món ăn của Trung Quốc luôn cho quá nhiều gia vị và những ngày đầu tiên thật sự vất vả.

"Thôi, quên chuyện ăn uống đi," tôi tự trấn an mình vào một buổi sáng nọ. "Mình sẽ tọng món gà tẩm bột chiên".

Tôi ăn một hộp 20 miếng cho bữa trưa và một hộp khác cho bữa tối. Ngày hôm sau, tôi ăn hai hộp cho bữa sáng, một hộp cho bữa trưa và hai hộp cho bữa tối. Tôi còn lấy thêm một ít khoai tây chiên và bánh táo. Khi cảm thấy đói bụng vào lúc 3h sáng, tôi đánh thức người ở cùng phòng với mình, Maurice Smith - dự thi môn 10 môn phối hợp - và chúng tôi cùng nhau "xực" một hộp nữa.

Có một giả định là thức ăn nhanh là thứ không được phép ở Olympic, bởi vì mọi VĐV đều phải ăn những món tốt cho sức khỏe, nhưng thực ra không phải vậy. Những chuỗi thức ăn nhanh vẫn mọc lên như nấm ở quanh làng Olympic và tôi có thể ăn bất kỳ lúc nào mình muốn. Nhiều VĐV thấy tôi ăn món gà chiên hết ngày này qua ngày khác thường xuyên chế nhạo tôi. Một hôm, VĐV 100 mét rào Brigitte Foster-Hylton chịu hết nổi.

"Usain, đừng ăn gà chiên nữa. Tìm một ít rau mà ăn vào. Không thì đổ bệnh đấy".

Tôi làm cái mặt nhát ma và nói: "Bệnh đâu mà bệnh..."

Brigitte tóm lấy tôi, cô ta dẫn tôi đến các nhà hàng trong Làng và yêu cầu tôi ăn đủ thứ rau củ quả. Sau khi lấy đủ loại rau, cô ta rưới một thứ nước sốt ngon lành lên đó. Vậy là từ ấy, bên cạnh gà chiên, tôi còn ăn thêm món rau. Để làm vài phép tính cho bạn nghe để biết sức ăn của một VĐV nước rút nhé. Tôi ăn tầm 100 miếng gà chiên mỗi ngày. Nghĩa là ở Bắc Kinh 10 ngày, tôi đã nuốt sơ sơ 1.000 miếng gà chiên. Nếu có cuộc thi ăn gà lấy huy chương vàng, Bolt tôi đây khỏi có đối thủ luôn.

Thức ăn là nỗi lo duy nhất của tôi tại kỳ Olympic ấy, vì trên đường đua tôi hoàn toàn tự tin và khỏe mạnh. HLV đã đặt ra một số luật lệ rõ ràng cho tôi trên đường chạy 100 mét, cũng giống như ông từng làm hồi giải thế giới 2007. Đó là không được bung sức ở những đợt chạy trước chung kết. Tôi nghe theo. Trong mỗi đợt chạy 100 mét, tôi đều về trong hai vị trí đầu tiên mà không cần phải cố hết sức.

Vừa chạy, tôi vừa quan sát các đối thủ của mình. Tyson (Gay) chạy rất tốt, trông không có vẻ gì là một người đang dính chấn thương gân kheo. Mỗi lần Tyson chạy, tôi lại nhớ đến Ricardo Geddes và Keith Spence, những đối thủ trước đây của tôi cùng phương châm mà tôi đặt ra cho riêng mình: Chỉ cần tôi đánh bại anh một lần, cả đời anh phải chạy sau lưng tôi. Đấy là tình huống diễn ra tại Bắc Kinh, tôi đã đánh bạy Tyson ở New York, anh ta đừng hòng vượt qua tôi lần này.

Nhưng một bất ngờ ngoài dự kiến diễn ra ở đợt chạy bán kết. Tyson Gay chỉ về thứ năm và bị loại. Tôi biết anh ấy khó mà thi triển 100% phong độ tại giải, nhưng việc bị loại trước đợt chạy chung kết là điều không ngờ đến. Các VĐV cảm thấy đấy là một tin tốt lành, với tôi thì không. Tôi muốn Tyson đua tranh với mình, và đua với 100% khả năng kìa. Tôi muốn đánh bại những VĐV vĩ đại nhất hành tinh. Nếu tôi giành HC vàng, tôi muốn đấy phải là chiếc HC vàng danh giá và vinh quang nhất. Trong buổi họp báo, Tyson bảo mình rất buồn vì Olympic 2008 đã khép lại với anh ấy. Tyson đâu biết là chính tôi cũng cảm thấy buồn.

Hoài Thươngdịch