Ở bảng B, U23 Thái Lan với tư cách đương kim vô địch được xem như cầm chắc một vé vào bán kết. Suất còn lại là sự tranh chấp giữa U23 Việt Nam và U23 Malaysia. Những đội còn lại của bảng đấu này là U23 Lào, U23 Timor Leste và U23 Brunei khó có khả năng gây bất ngờ.
Chính vì vậy cuộc đối đầu trực tiếp tối nay 2/6 mang nhiều ý nghĩa với cả U23 Việt Nam và U23 Malaysia - những đội đều đã giành chiến thắng ở lượt trận đầu tiên. Đội thắng sẽ ở gần hơn cánh cửa vào bán kết.
"Trong bóng đá không thể nói trước được điều gì, tuy nhiên tôi có niềm tin lớn rằng U23 Việt Nam sẽ giành chiến thắng. Hoặc ít nhất là một trận hòa", Lê Công Vinh chia sẻ với VnExpress.
Công Vinh có nhiều niềm tin vào thế hệ cầu thủ đàn em hiện nay. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Trận ra quân đại thắng U23 Brunei với tỷ số 6-0, nhưng thầy trò HLV Toshiya Miura nhìn chung không nhận được nhiều sự tán dương của người hâm mộ nước nhà. Thậm chí có không ít lời chê bai về mặt lối chơi.
"Chúng ta không nên đặt mục tiêu phải thắng trong mọi trận đấu mà phải biết mình đang đứng ở đâu để có đấu pháp hợp lý", Công Vinh phân tích. "Trong bóng đá hôm nay thi đấu không tốt, nhưng ngày mai bạn có thể sẽ tỏa sáng. Bởi vậy người hâm mộ cần đồng hành cùng các cầu thủ U23 đến cùng, không nên có khen chê quá mức khi giải đấu mới bắt đầu", Công Vinh nói thêm.
Đánh giá U 23 Việt Nam đang có nhiều cầu thủ tiềm năng, nhưng Công Vinh cho rằng khó có thể nêu tên cụ thể vì bóng đá là môn chơi tập thể, và huấn luyện viên mới là người giỏi nhất để sắp xếp ai thi đấu trong từng trận đấu. "Trong đội hình U23 Việt Nam hiện nay có nhiều cầu thủ đang thi đấu ở V-League, thậm chí thuộc đội tuyển quốc gia. Thêm vào đó, đội ngũ cầu thủ trẻ được bổ sung từ các lò đào tạo bóng đá nổi tiếng như Sông Lam Nghệ An hay Hoàng Anh Gia Lai... đã giúp cho bóng đá nước nhà có được lứa cầu thủ U23 dày dạn kinh nghiệm, khát khao chiến đấu và chiến thắng. Đó là tiền đề cho bóng đá Việt Nam trong những năm tới", anh nói.
Tuy nhiên, cũng theo ngôi sao của đội Bình Dương, các lò đào tạo bóng đá để cho ra được những cầu thủ đá V-League và đội tuyển quốc gia thì hiện tại mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Sông Lam Nghệ An là nơi đào tạo chất lượng nhất, năm nào cũng có những cầu thủ góp sức cho đội tuyển quốc gia. Mới đây nổi lên Học viện Hoàng Anh Gia Lai rồi Hà Nội T&T, Trung tâm Viettel... nhưng như thế là quá ít cho một nền bóng đá", anh phân tích.
"Chúng ta muốn phát triển bóng đá chuyên nghiệp thì cần phải có lộ trình, phải có sự đầu tư của các mạnh thường quân, sự quan tâm của Nhà nước... Trong đó, căn bản nhất là bóng đá học đường. Ở các nước hàng đầu về bóng đá của châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc, họ đầu tư rất mạnh cho phong trào bóng đá học sinh - sinh viên, có những giải đấu của sinh viên song song với giải đấu quốc gia, và nhờ đó họ sản sinh ra được những lứa cầu thủ chất lượng, thúc đẩy nền bóng đá phát triển. Việt Nam cũng cần tập trung vào hướng đào tạo này, và phải có những người thực sự tâm huyết với bóng đá cùng chung tay mới có thể làm được.
Nguyễn Đông