Cựu binh một tay giành hơn 40 huy chương bóng bàn

Ngày đăng 23/12/2015 08:14

Người thương binh hạng 1/4 này đã tham dự ba kỳ Asian Para Games (châu Á), bảy kỳ Asean Para Games (Đông Nam Á), đoạt hơn 40 huy chương tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Đến với thể thao nhằm đẩy lùi những cơn đau, bóng bàn dần trở thành niềm đam mê mãnh liệt không thể tách rời với ông suốt 20 năm qua.

Nỗi đau về thể xác chưa bao giờ ngăn cản được đam mê của người lính bộ đội cụ Hồ. Ảnh: Tú Anh.

Ông Vũ Văn Soan sinh ra và lớn lên tại xã Ái Quốc, tỉnh Hải Dương - một trong những cái nôi đào tạo ra nhiều vận động viên bóng bàn xuất sắc. Năm 1971, ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, mặt trận B5. Ngày 27/7/1972, ông chỉ huy mũi nhọn đánh vào lữ đoàn thủy quân lục chiến của địch. Sau hai ngày chiến đấu ác liệt, ông bị thương nặng, mất đi cánh tay phải, tay trái dập nát, gãy một phần ba chân trái, vỡ xương khoang cùng... Năm 1973, ông được đưa về bệnh viện 109 điều trị với 47 vết thương trên người, có lúc cân nặng chỉ còn 29kg. Qua gần bốn năm điều trị, nhờ sự tận tình của các bác sĩ cùng quyết tâm tập luyện hồi phục của bản thân, sức khỏe của ông dần khá hơn. Ông sau đó phải tập đi lại bằng nạng gỗ rồi làm quen với việc sử dụng tay trái cho mọi sinh hoạt cá nhân. Năm 1981, ông trở về quê và lập gia đình với một cô giáo làng, trước kia cũng từng là dân quân du kích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cơ duyên đến với bóng bàn của ông Soan hết sức tình cờ. Cuối năm 1996, một Chi cục Dự trữ quốc gia đóng trên địa bàn xã chuyển địa điểm nên gửi nhờ một bàn bóng gần nhà ông. Lúc rảnh rỗi, ông sang xem mọi người trong xóm chơi và bị cuốn hút bởi những đường bóng lúc nào không hay. Rất thích môn thể thao này nhưng do từ bé chưa bao giờ được cầm đến cây vợt nên việc làm quen với bóng bàn rất khó đối với ông. Ông đi chơi nhờ, lại phải nhờ mọi người tập "hộ". Ai cũng ngại chơi cùng vì ông không biết đánh nên mỗi ngày ông chỉ được tập khoảng 5-10 phút. Không lâu sau, bàn bóng cũng bị đơn vị lấy lại. Nhưng lúc đó niềm đam mê thực sự đã ngấm vào ông.

Người cựu chiến binh quyết định mua một bàn bóng riêng về nhà để tiện tập luyện, rồi vay mượn tiền của bạn bè để xây gian nhà thi đấu. Từ đó, ai đến chơi bóng thì trước hết phải dành thời gian tập đánh cho ông.

cuu-binh-mot-tay-gianh-hon-40-huy-chuong-bong-ban-1

Bộ sưu tập huy chương của ông Soan. Ảnh: Tú Anh.

Dần dần, nhờ sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ, ông trở thành tay vợt nổi tiếng khắp vùng rồi được chọn vào đội tuyển bóng bàn người khuyết tật tỉnh Hải Dương thi đấu các giải trên khắp cả nước. Năm 2002, tại Đại hội thể dục thể thao Người khuyết tật toàn quốc tổ chức ở Huế , ông giành huy chương vàng và được bầu chọn là một trong 10 vận động viên tiêu biểu. Năm 2003, tại Asean Para Games mà Việt Nam là nước chủ nhà, ông Soan được trao trọng trách đọc lời tuyên thệ trong lễ khai mạc. Cũng trong năm đó, ông cùng đội tuyển bóng bàn người khuyết tật Việt Nam tham gia thi đấu Asian Para Games tổ chức tại Busan (Hàn Quốc). Qua gần hai thập kỷ tập luyện và thi đấu ông đã có một gia tài đồ sộ với chín HC vàng, một HC bạc, ba HC đồng cấp Quốc gia, một HC vàng cá nhân, bốn HC bạc cá nhân, đồng đội tại Asian Paragames; hai HC đồng tại Asean Paragames...

Sau lần tai biến năm 2013, sức khỏe của ông không còn ổn định như trước. Những hôm trái gió trở trời các vết thương tái phát, hành hạ, nhiều lúc chân phải còn chảy máu nên ông không thể thi đấu như trước nữa. Nhưng người cựu chiến binh ấy vẫn không chịu đầu hàng số phận. Ở cái tuổi gần 70, hàng ngày ông vẫn đều đặn mở lớp huấn luyện bóng bàn miễn phí cho các cháu và người dân trong vùng. Chính nhờ có lớp học của người cựu chiến binh này đã có rất nhiều vận động viên năng khiếu, vận động viên khuyết tật được phát hiện, bổ sung cho đội tỉnh Hải Dương và các đội tuyển Quốc gia. Ông tâm sự: "Tôi vẫn sẽ gắn bóng với bóng bàn đến khi sức khỏe còn cho phép, đây vừa là niềm vui, vừa là niềm động lực để tôi vượt lên những nỗi đau về thể xác. Nếu không có thể thao thì chắc chắn bây giờ tôi khó có thể đi lại, sinh hoạt bình thường được".

cuu-binh-mot-tay-gianh-hon-40-huy-chuong-bong-ban-2

Không thể thi đấu đỉnh cao, ông Soan lại dùng bóng bàn để truyền dạy cho thế hệ sau. Ảnh: Tú Anh.

Người lính năm nào từng phải hy sinh một phần máu thịt ở lại chiến trường góp phần giành lại độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc thì trong thời bình lại tiếp tục đóng góp sức lực mang về rất nhiều vinh quang cho thể thao nước nhà trên đấu trường khu vực và quốc tế. Nhưng trên hết, tấm gương vượt khó của ông đã truyền cho thế hệ các học trò và người yêu thể thao cảm hứng, ý chí và niềm tin yêu cuộc sống.

Tú Anh - Việt Anh