Dấu ấn chiến thuật khi Hamilton vượt Vettel ở GP Tây Ban Nha

Ngày đăng 13/05/2015 07:54

"Trong khi Nico Rosberg về nhất trên đường đua Catalunya vừa qua một cách khá dễ dàng, hai cuộc chiến cạnh tranh vị trí về nhì và vị trí thứ 4 diễn ra rất hấp dẫn, căng thẳng và đậm tính chiến thuật. Hai cuộc chiến đó sẽ khiến chúng ta nảy sinh nhiều câu hỏi cục diện cuộc đua liệu sẽ khác đi nếu các tay đua lựa chọn phương án chiến thuật khác?

Dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau làm sáng tỏ một cách chính xác những gì diễn ra phía sau cuộc đọ sức giữa Lewis Hamilton và Sebastian Vettel, Valtteri Bottas và Kimi Raikkonen.

Vettel (phải) không có khả năng để giữ chân Hamilton. Ảnh: Formula 1.

Tình hình trước cuộc đua chiều Chủ nhật. Từ các dữ liệu thu được trong hai buổi chạy thử vào ngày thứ Sáu, các đội đua đều thấy rõ sự chênh lệch về hiệu suất giữa lốp Trung bình với lốp Cứng là lớn hơn nhiều so với chặng đua này năm ngoái. Một số đội đua còn rất vất vả khi sử dụng lốp Cứng. Hai lý do trên khiến một số đội đua đã dự tính phương án chiến thuật ba lần thay lốp.

Về lý thuyết, chiến thuật ba pit sẽ nhanh hơn một chút so với chiến thuật hai pit, nhưng lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro hơn khi phải cố gắng vượt các chiếc xe sử dụng chiến thuật hai pit ở giai đoạn cuối chặng đua. Đặc điểm của đường đua Catalunya là rất hiếm vị trí thuận lợi cho việc vượt mặt. Nếu không có sự chênh lệch lớn về lốp cũng như tốc độ, rất khó để có thể vượt qua đối thủ ngay trên đường đua. Diễn biến cuộc đua chiều Chủ nhật đã chứng minh điều này.

Chỉ giành quyền xuất phát thứ ba phía sau bộ đội Mercedes và thua kém xa đối thủ trong buổi phân hạng, người hâm mộ đều chờ đợi liệu Vettel có thể bám sát hai tay đua dẫn đầu trong cuộc đua chính thức. Sau cuộc đua, có hai trong số sáu tay đua về đầu sử dụng chiến thuật ba lần thay lốp.

Ferrari phải làm gì để ngăn chặn khi Hamilton thay đổi chiến thuật? Cũng như năm ngoái, tại GP Tây Ban Nha, chiếc W06 của Mercedes hoàn toàn bỏ xa các đối thủ về mặt tốc độ. Tại vòng phân hạng, chiếc W06 nhanh hơn chiếc SF15-T của Ferrari tới 0,8 giây. Sự chênh lệch này vẫn được giữ nguyên tại cuộc đua chính thức, không như ở các cuộc đua trước, khi mà Ferrari thường xuyên rút ngắn được khoảng cách so với vòng phân hạng.

Lợi thế này khiến nhóm chỉ đạo viên của Mercedes dễ dàng xử lý về mặt chiến thuật cho Rosberg, nhưng đối với Hamilton họ lại phải đau đầu hơn khi ngôi sao người Anh bị Vettel chiếm mất vị trí thứ nhì ngay khi xuất phát. Sau đó, nỗ lực nhảy cóc của ngôi sao người Anh tại lần vào pit đầu tiên bị thất bại do mất thêm hơn ba giây khi thay lốp.

Tình thế liên tiếp thay đổi khiến Mercedes phải cho Hamilton chuyển sang chiến thuật ba pit để anh có khoảng trống để bứt tốc và vượt qua Vettel ở cuối cuộc đua. Cuối cùng, Hamilton không cần phải vượt qua Vettel trên đường đua bởi vì tốc độ của chiếc W06 khi sử dụng lốp cứng là quá vượt trội so với chiếc SF15-T, nên anh đã tạo được khoảng cách đủ lớn trước khi vào pit lần cuối.

Ban đầu, khi tưởng chừng cả Vettel và Hamilton đều dùng chiến thuật hai pit, tay đua người Anh nhiều lần phàn nàn với các chỉ đạo viên rằng anh không thể vượt qua đối thủ vì không thể áp sát Vettel.

Mercedes rất quỷ quyệt khi lựa chọn thời điểm thay lốp đầu tiên cho Hamilton tại vòng 13. Thời điểm này là rất mơ hồ, căn cứ vào đó chưa thể đánh giá đối thủ sử dụng chiến thuật hai pit hay ba pit. Sau thời điểm này, Mercedes vẫn có thể được lựa chọn một hay trong hai phương án. Trước khi thay lốp, Hamilton đã được các chỉ đạo viên nhắc nhở "Chuyển sang phương án B", vì thế Ferrari rất cảnh giác với các động thái của Mercedes.

2-5201-1431590059.jpg

Vettel (xe đỏ) sớm leo lên thứ 2 từ lúc xuất phát. Ảnh: Formula 1.

Lần thay lốp bị lỗi ở vòng 13 khiến Hamilton vẫn không thể vượt qua Vettel, người vào pit ngay sau đó một vòng để cố gắng tránh bị nhảy cóc. Sau lần thay lốp, trong khi Ferrari cố gắng hiểu rõ ý đồ của Mercedes, thì cả hai tay đua đều gặp khó khăn với lốp và không tận dụng được lợi thế của bộ lốp mới. Vettel thì chỉ nhanh hơn 0,5 giây so với vòng đua ngay trước khi thay lốp.

Trước khi Hamilton thay lốp, Raikkonen đang ở phía sau và chậm hơn 21 giây,  có nghĩa là lão tướng của Ferrari sẽ ở ngay trước tay đua người Anh sau khi Hamilton thay lốp xong. Vì thế, tay đua của Mercedes phải nhanh chóng vượt qua Raikkonen nếu đối thủ đã lựa chọn chuyển sang sử dụng chiến thuật ba lần thay lốp.

Tuy nhiên sau đó, Raikkonen chuyển sang sử dụng lốp cứng, loại lốp mà Ferrari gặp khó khăn tại Catalunya. Vì vậy, khi Hamilton tìm lại được tốc độ vốn có và chuyển sang dùng lốp cứng, anh đã dễ dàng vượt qua đối thủ, người có bộ lốp cũ hơn 15 vòng.

Liệu Ferrari có thể để Vettel vào pit trước khi Hamilton thay lốp lần 2, qua đó kìm chân đối thủ ở phía sau? Điều này rất khó xảy ra vì, nếu vậy Vettel sẽ buộc phải theo đuổi chiến thuật ba pit và Mercedes sẽ phản ứng bằng cách để Hamilton vào pit lần hai muộn hơn, như họ đã làm với Rosberg (chạy suốt 30 vòng trước khi thay lốp lần hai). Sau đó, với tốc độ vượt trội của chiếc W06 trên  bộ lốp cứng, Hamilton vẫn sẽ dễ dàng đánh bại Vettel ngay trên đường đua ở giai đoạn cuối, khi có lợi thế quá lớn về lốp.

Rõ ràng chiếc W06 quá mạnh, về cơ bản là sẽ giúp Mercedes giải quyết được hầu hết các tình huống xấu.

Một câu hỏi khác là nếu nhảy cóc qua Vettel ngay từ lần vào pit ở vòng 13, liệu Hamilton có thể đánh bại được Rosberg không? Câu trả lời là không. Với việc vẫn sử dụng lốp trung bình tại lần vào pit đó, tương tự như Rosberg, nếu thành công trong nỗ lực nhảy cóc, Hamilton sẽ chiếm được vị trí thứ hai. Nhưng anh sẽ vẫn chạy sau người đồng đội tám giây. Với hai xe tốc độ ngang nhau và  chiến thuật giống nhau, sẽ là vô vọng, nếu Hamilton muốn đánh bại Rosberg.

3-5556-1431590059.jpg

Chiếc W06 (phía sau) quá mạnh đã khiến Vettel thất bại trong việc giữ vị trí thứ hai. Ảnh: Formula 1.

Năm ngoái, khi cả Hamilton và Rosberg cạnh tranh quyết liệt, tại Tây Ban Nha, Mercedes cho phép chiếc xe phía sau sử dụng chiến thuật khác để có cơ hội vượt qua tay đua dẫn đầu ở cuối cuộc đua bằng cách chuyển sang lốp cứng tại lần vào pit đầu tiên. Năm nay, khi Hamilton vẫn phải sử dụng lốp trung bình sau lần vào pit đầu để nhảy cóc qua Vettel, anh không có cơ hội để làm điều tương tự việc Mercedes thực hiện ở chặng đua năm ngoái.

Việc Hamilton thất bại lúc khởi đầu chính là do anh phải chạy ở lề đường bẩn khi xuất phát, mà nguyên nhân sâu xa là bởi thua kém Rosberg tại vòng phân hạng.

Williams lại thành công trong việc kìm chân Ferrari. GP Tây Ban Nha là chặng đua thứ hai liên tiếp, Valteri Bottas thành công trong việc kìm chân và về đích trước một tay đua của Ferrari. Tại Catalunya, tay đua người Phần Lan đã xuất sắc giữ chân người đồng hương Raikkonen trong suốt giai đoạn cuối cuộc đua, giống như anh đã làm với Vettel tại Sakhir (Bahrain).

Trước khi thay lốp lần đầu, chỉ đạo viên của Williams đã yêu cầu tay đua người Phần Lan "Chuyển sang phương án C", theo đó họ sẽ chuyển từ phương án dự kiến là ba pit sang chiến thuật hai pit phù hợp hơn. Trong phương án chiến thuật mới, Bottas sẽ sử dụng lốp theo trình tự Trung bình-Trung bình-Cứng.

Nỗ lực phòng thủ thành công của Bottas được dựa trên sự thay đổi chiến thuật của Williams. Williams có lý do để ban đầu lựa chọn chiến thuật ba pit: chiếc FW37 gặp rất nhiều khó khăn với bộ lốp cứng ở các buổi đua thử và họ rất lo ngại về độ hao mòn lốp tại Catalunya. Tuy nhiên, tại sao họ lại chuyển sang chiến thuật 2 pit khi bước vào cuộc đua? Trên thực tế, việc Raikkonen xuất sắc vượt quá cả hai chiếc xe của Toro Rosso ngay tại vòng 1 và áp sát Bottas đã khiến Williams phải thay đổi. Ngoài ra, sau khi xuất phá,t họ đã tìm ra một số yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới cuộc đua.

Đầu tiên là độ hào mòn lốp ở cuộc đua chính thức không đáng lo ngại như họ dự tính sau các buổi đua thử. Thứ hai, việc bộ đôi của Toro Rosso sớm tụt lại ngay từ vòng 1 khiến họ không phải toan tính nhiều về việc phòng ngự ở những vòng đua đầu tiên và có thể bứt phá khá thoải mái.

4-2291-1431590059.jpg

Chiến thuật hợp lý giúp Bottas (xe trắng) một lần nữa phòng ngự thành công trước Ferrari. Ảnh: Formula 1.

Phương án B mà Williams dự tính cho Bottas có lẽ tương tự như chiến thuật của Raikkonen, hai pit với trình tự lốp Trung bình-Cứng-Trung bình thay vì thông thường là Trung bình-Trung bình-Cứng. Trên thực tế, Bottas đã sử dụng bộ lốp trung bình sau lần thay lốp lần đầu, lâu hơn cả thời gian mà Raikkonen dùng lốp cứng.

Khi nhận thấy tay đua của Ferrari có ý đồ tấn công Bottas sau lần thay lốp cuối cùng, với lợi thế từ bộ lốp trung bình mới, Williams chuyển Felipe Massa sang dùng chiến thuật ba pit nhằm kìm chân Raikkonen thêm một thời gian. Lão tướng của Ferrari vì thế bị mất đi thời gian lý tưởng để vượt Bottas. Những vòng đua bám sát ở giai đoạn cuối khi mà lợi thế về lốp không còn nhiều là không đủ để Raikkonen có thể vượt qua đồng hương. Mặt khác, tốc độ trên đoạn đường thẳng của Ferrari là kém hơn so với Williams, nên Raikkonen cũng không đủ sức để đánh bại đối thủ.

Hành động của Williams là rất hợp lý, chủ động trong cuộc chiến với Ferrari. Chiến thuật trên càng được giúp sức khi Raikkonen không được sử dụng chiến thuật ba pit, phương án đủ sức đưa anh lên vị trí thứ tư. Mặt khác, trong các buổi đua thử, tay đua của Ferrari không phù hợp với các gói nâng cấp mà đội đua Italy mang tới Catalunya như đồng đội Vettel. Vì thế Raikkonen yêu cầu quay về dùng thiết kế cũ, điều này đã khiến chiếc xe SF15-T của anh chậm đi đáng kể.

Lý do trên đã giải thích vì sao Raikkonen phải xuất phát sau cả Bottas lẫn hai tay đua của Toro Rosso. Dù đã sớm leo lên vị trí thứ năm ngay ở vòng 1,  Williams đã thành công trong việc che chắn và kìm chân Raikkonen, nhờ chiến thuật hợp lý và khả năng phòng thủ tuyệt vời của Bottas".

Minh Phương