Năm 2009, trong lễ nhận chức vô địch V-League trên sân nhà Chi Lăng, ban huấn luyện và cầu thủ Đà Nẵng căng tấm băng-rôn cỡ lớn in hình ảnh ông Nguyễn Bá Thanh. Đó là sự tri ân họ muốn dành cho vị lãnh đạo có công thay đổi hình ảnh Đà Nẵng nói chung và bóng đá của thành phố này nói riêng.
Thời còn làm Chủ tịch UBND và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cứ mỗi khi đội bóng thi đấu trên sân nhà Chi Lăng, ông Thanh hầu như đều có mặt. Thậm chí ông đến rất sớm, xuống sân động viên ban huấn luyện và các cầu thủ. Có lần ông còn xin một bản danh sách thi đấu để tiện theo dõi từng cầu thủ.
Hình ảnh ông Nguyễn Bá Thanh luôn gắn liền với thành công của bóng đá Đà Nẵng. Ảnh: Đức Đồng. |
“Kết thúc trận đấu, dù đội nhà thắng hay bại ông đều xuống sân động viên và góp ý. Ông tuyệt nhiên không áp đặt mà chỉ ra cái đúng, cái sai, cái đã làm được và chưa làm được để đội bóng phát triển được như ngày hôm nay. Ông giống như là một huấn luyện viên ẩn mình vậy”, một trợ lý của đội Đà Nẵng từng kể.
Trong khi đó Bùi Xuân Hòa - Chủ tịch đội SHB Đà Nẵng - bồi hồi nhớ: "Hồi đầu ngân quỹ dành cho đội còn hạn hẹp. Có lần tôi đánh bạo lên phòng anh ấy mượn tiền về chi tiêu cho đội. Anh đồng ý ngay, dù phải bỏ tiền túi. Mãi hai năm sau, đội mới trả lại được khoản tiền ấy cho anh Thanh”.
Không chỉ quan tâm đến bóng đá chuyên nghiệp, khi có thời gian rảnh, ông Thanh sẵn sàng xỏ giày ra sân thi đấu ở sân phong trào, tổ chức các trận bóng đá từ thiện… Điển hình như sau cơn bão khủng khiếp Xangsane 2006, trận đấu do ông tổ chức và thi đấu quyên góp được đến sáu tỷ đồng để giúp đỡ đồng bào miền Trung.
Dù đội nhà thắng hay thua, ông Thanh vẫn xuống sân động viên và nhắc nhở toàn đội. Ảnh: Đức Đồng. |
Không phải là ông bầu nhưng có nhiều lý do khiến người dân Đà Nẵng gọi ông Nguyễn Bá Thanh là “kiến trúc sư” của bóng đá nơi nay. Năm 2003, Lê Huỳnh Đức đang bị cô lập ở đội Công an TP HCM do bị dính đến vụ “quyền lực đen”. Nắm bắt được tình hình, ông Thanh đặt vấn đề mời chào tiền đạo sinh năm 1972 về Đà Nẵng với mức lương hậu hĩnh 18 triệu đồng một tháng. Với những chính sách tốt của "quê hương thứ hai" Huỳnh Đức thi đấu bùng nổ và sau đó ở lại luôn mảnh đất này, dẫn dắt Đà Nẵng lên ngôi vô địch năm 2009 và 2012.
Năm 2008, bầu Hiển của SHB vào Đà Nẵng đặt vấn đề tài trợ cho bóng đá địa phương này. Nói là tài trợ nhưng phía ngân hàng này muốn mưa đứt đội bóng và gắn tên của mình. Khi đó, phía SHB đưa ra giá 150 tỷ, nhưng lãnh đạo đội Đà Nẵng muốn con số cao hơn. Khi các cuộc thương thảo tưởng như bế tắc, ông Nguyễn Bá Thanh trực tiếp ra tay. Ông đưa ra gợi ý rằng Đà Nẵng chấp nhận bán đội bóng với giá 150 tỷ nhưng phía SHB phải ủng hộ Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng 20 tỷ đồng nữa. Lời đề nghị này khiến bầu Hiển gật đầu bởi ông vừa có đội bóng vừa được làm từ thiện.
Ông Nguyễn Bá Thanh (hàng đầu, thứ ba từ phải sang) trong lễ mừng Đà Nẵng vô địch V-League. Ảnh: Đức Đồng. |
Phong cách lãnh đạo “nói đi đôi với làm” của ông Thanh cũng ăn liền với bóng đá. Ông từng căn dặn các cầu thủ: "Đã vào sân thì cầu thủ phải thực hiện triệt để ý đồ chiến thuật của HLV đề ra. Nếu ai không đáp ứng đúng yêu cầu ấy thì phải thay ra khỏi sân ngay".
Gắn liền với thành công của bóng đá sông Hàn, nhưng từ lúc ông lâm bệnh, bóng đá nơi đây cũng lận đận theo. Từ đầu mùa giải năm nay Đà Nẵng mới giành một chiến thắng, hòa hai và thua bốn, đứng thứ 12 trong số 14 đội tại V-League 2015.
Không chỉ bóng đá được hưởng lợi, cả ngành thể thao Đà Nẵng cũng chuyển mình từ quyết định của ông Bá Thanh là "trải thảm đỏ" mời những VĐV đỉnh cao về đầu quân, tiêu biểu như Hoàng Anh Tuấn (HC bạc cử tạ Olympic Bắc Kinh 2008). Những vận động viên thành tích cao như Hoàng Quý Phước, Châu Bá Anh Tư (bơi lội), Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thanh Ngưng (điền kinh), Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ)... đều được thành phố Đà Nẵng cấp đất, cấp nhà và hưởng chế độ đãi ngộ cao. |
Đức Đồng