Vụ bê bối này gợi nhớ lại những ngày đen tối trong lịch sử thể thao Đông Đức cũ, khi doping được chấp nhận bởi chính phủ như một biện pháp nhằm gặt hái thành tích ở đấu trường quốc tế.
Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) tìm ra rằng chính phủ Nga hoàn toàn biết việc các VĐV của họ sử dụng doping nhưng không hề ngăn cấm. Thậm chí, WADA cho rằng Tổng thống Vladimir Putin đã sử dụng thể thao làm công cụ để nâng cao vị thế của Nga trên trường quốc tế.
WADA muốn IAAF gạt điền kinh Nga khỏi các cuộc tranh tài quốc tế, bao gồm cả Olympic 2016, vì bê bối doping. |
Nga là chủ nhà của Thế vận hội Mùa đông Sochi 2014 và sẽ tổ chức World Cup 2018.
"Mọi thứ tệ hơn chúng ta nghĩ", Dick Pound, thành viên lâu năm của Ủy ban Olympic quốc tế phát biểu sau khi xem báo cáo của WADA.
Trong bản báo cáo dài 323 trang, WADA cáo buộc Nga "chấp nhận lan truyền và sử dụng doping trong thể thao ở mọi cấp độ".
Grigory Rodchenkov, giám đốc Trung tâm xét nghiệm Moscow từng ra lệnh hủy bỏ 1417 mẫu kiểm tra doping của các VĐV để chống lại cuộc điều tra của WADA.
Đáp lại các cáo buộc từ WADA, vốn được công bố từ năm ngoái thông qua một kênh truyền hình Đức, Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) cho biết họ đang cân nhắc cấm điền kinh Nga tham gia mọi giải đấu cấp quốc tế, bao gồm cả Olympic Rio de Janeiro năm sau.
IAAF cho Liên đoàn điền kinh Nga đến hết tuần này để giải trình về vấn đề doping.
Trong khi đó, Bộ trưởng thể thao Nga Vitaly Mutko nhấn mạnh các báo cáo của WADA đang làm xáo trộn nỗ lực chống doping của Nga. Ông Mutko cũng cho rằng "tình hình của Nga không hề tệ hơn các quốc gia khác".
Di Khánh