Djokovic: Từ đứa trẻ hen suyễn đến tượng đài quần vợt

Ngày đăng 30/08/2015 04:50

"Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức," Albert Einstein đã nói như thế.

Với Djokovic, xuất phát điểm của anh thua xa tất cả những ngôi sao quần vợt đương thời, từ Nadal, Federer cho đến Andy Murray. Anh lớn lên ở Belgrade, vùng đất bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Anh yêu quần vợt, nhưng nơi cậu bé Novak lớn lên không có nổi một sân thi đấu nào. Có sao đâu? Cậu cào tuyết để làm một cái sân quần vợt dã chiến ngay bên ngoài tiệm bánh pizza của bố mẹ và rủ bất kỳ ai có thể thi đấu với mình. Sau này Djokovic kể lại, cái sân tạm bợ ấy là nơi nuôi dưỡng ước mơ của anh. Anh tưởng tượng đấy là sân bóng trung tâm ở Wimbledon và bản thân là một người đang tranh Grand Slam.

Djokovic đang quá mạnh lúc này. Ảnh: Reuters.

Muốn trở thành một ngôi sao lớn, trước hết bạn phải có ước mơ lớn. Những Ronaldo, Ronaldinho, Roberto Carlos cũng từng là những đứa trẻ, chạy trên những đôi chân trần mà tưởng tượng mình đang đeo đôi giày xịn nhất, nhìn chồng dép mà tưởng tượng đấy là khung thành, nhìn những bức tường mà ngỡ đấy là Thánh đường Maracana. Ai cũng có những ước mơ, nhưng có mấy ai dám đánh đổi mọi thứ để đuổi theo giấc mơ ấy.

Djokovic là người dám đi đến tận cùng. Không chỉ cơ sở vật chất hạn chế, Djokovic còn bị bệnh hen suyễn hành hạ suốt thời niên thiếu và bác sĩ bảo anh hãy bỏ mộng trở thành VĐV chuyên nghiệp. Năm 19 tuổi, khi đánh trận chung kết Croatia Open với Stanislas Wawrinka, Djokovic đã ngã gục xuống sân, hai tay ôm ngực và mũi không còn thở được. Tất cả những gì Djokovic nhìn thấy trước khi ngất đi là hình ảnh mẹ mình đang òa khóc trên khán đài và bố cậu hộc tốc chạy vào sân cùng bác sĩ.

Với một tay vợt bình thường, họ có lẽ đã từ bỏ giấc mơ sau biến cố kinh hoàng ấy. Nhưng với Novak thì không. Suốt hơn chục năm kể từ khi nhìn thấy Pete Sampras tung hoành trên mặt cỏ Wimbledon, cậu bé Djokovic đã quyết tâm phải nâng cao danh hiệu cao quý ấy. Cậu ôm vợt đi ngủ, cậu xem quả bóng là bạn. Cậu xem tennis là lẽ sống trong đời. "Ngày ấy ở Serbia đâu có ai chơi quần vợt, con đường đến với thế giới quần vợt của tôi tối tăm mù mịt. Nhưng tôi đã nói với bản thân: Mình phải tự tìm đường, mình phải trở thành số một thế giới".

Khi Djokovic gục ngã trong trận chung kết Croatia Open 2006 kể trên, đấy đã là lần thứ ba anh bị chứng hen xuyễn ập đến và đánh gục trong một trận đấu. Nhưng căn bệnh ấy chỉ gây phiền phức cho cơ thể, chứ không thể đánh bại ý chí của cậu. Djokovic làm mọi thứ để có thể khỏe hơn: chạy bộ, đạp xe, bơi lội, nâng tạ, đổi HLV thể lực, mổ xoang, thuê chuyên gia dinh dưỡng. Đấy là một cuộc hành xác đúng nghĩa. Nhưng Djokovic không cảm thấy mỏi mệt, anh chỉ thấy vui vì biết mình đã từng bước thoát ra nỗi ám ảnh ban đầu.

2-9531-1440996524.jpg

Djokovic nhiều khả năng lại chiến thắng ở Mỹ Mở rộng năm nay. Ảnh: AFP.

Khi Djokovic vươn lên đỉnh cao, trước mặt anh là hai gã khổng lồ trong lịch sử quần vợt thế giới. Một là Federer, được nhiều người xưng tụng là tay vợt vĩ đại nhất lịch sử. Một là Nadal, ông vua trên mặt sân đất nện, là khắc tinh của Federer. Nhưng Djokovic từng bước vượt qua cả hai gã khổng lồ ấy để leo lên vị trí số một thế giới bởi anh không xem họ là đối thủ. Với anh, có một chục Federer, hai mươi Nadal thì cũng vậy thôi. Như nhân vật Tsubasa trong bộ truyện lừng danh của Nhật Bản, Djokovic không để cho sự thua thiệt đối thủ trở thành sự đố kỵ. Anh đến với quần vợt với thái độ an nhiên, bằng ước mơ cháy bỏng.

Federer lạnh lùng như băng, không để cho ngoại cảnh tác động. Nadal nóng như lửa, lấy khí thế ngút trời trấn áp đối phương. Còn Djokovic mềm mại như nước. Người ta yêu Djokovic chính bởi sự hồn nhiên, thích đùa giỡn với mọi người, thích nhại những người nổi tiếng, thích làm những điều bất ngờ. "Bí quyết thành công của tôi ư? Lấy vợ và sinh con đấy", Djokovic nói sau khi đánh bại Federer để giành Wimbledon 2015. Đã là người đàn ông trưởng thành, nhưng Djokovic vẫn giữ trái tim son trẻ của chàng trai lớn lên từ mảnh đất không quần vợt thuở nào.

Và khi ta đến với một việc với tất cả đam mê, tuyệt nhiên sẽ không có áp lực nào cả. Djokovic là người hiếm hoi trong lịch sử rất ít khi thua những đối thủ yếu hơn mình. Trong "tứ trụ" của quần vợt, anh luôn là người có ít lỗi đánh bóng hỏng nhất. Với chín Grand Slam, Djokovic tất nhiên khó mà san lấp được kỷ lục 17 Grand Slam của Federer. Ngay cả thành tích 14 Grand Slam của Pete Sampras và Nadal cũng là một cột mốc xa vời của Djokovic. Nhưng như đã nói, anh sẽ không bao giờ để việc ấy làm mình mất ngủ. Mỹ Mở rộng tới đây, Djokovic vẫn là ứng viên số một bởi cái tâm thế thoải mái ấy.

Hoài Thương