Lịch sử thường là những vòng tròn đồng tâm. Khi Hà Lan thất bại ở lượt trận vòng loại hôm qua 6/9 và mất đi quyền tự quyết trong cuộc đua vào vòng chung kết hè sang năm, giới mộ điệu chợt nhớ rằng các kỳ Euro tổ chức tại Pháp trước đây, Hà Lan đều không góp mặt (năm 1984 vì trượt ở vòng loại và không dự giải năm 1960). Giờ đây, lịch sử đang trở lại và mang theo những ký ức đen tối.
Phút thứ 26 trận đấu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan, Arda Turan lao vào giữa vòng vây của ba - bốn cầu thủ Hà Lan, đột phá và dứt điểm tung lưới Jasper Cillessen. 2-0 cho Thổ Nhĩ Kỳ, khi trận đấu mới đi qua một phần ba thời gian. Pha bóng mạnh mẽ đó của Turan, cùng với sự yếu đuối và bạc nhược bên phía các hậu vệ Hà Lan, chính là hình ảnh của hai đội tuyển hiện nay. Khi phải thi đấu trong một trận đấu có vai trò sống còn cho một suất dự vòng play-off chỉ có một đội thể hiện được sức mạnh, khát vọng và bản lĩnh. Đội đó không phải Hà Lan.
Điều gì đã xảy ra với đội bóng này, khi chỉ một năm trước trên đất Brazil, họ đường đường là đệ tam anh hào thế giới? Sự ra đi của Louis Van Gaal để lại những bất cập cả về con người lẫn cả lối chơi, nhưng thật ra vấn đề đã mưng mủ suốt nửa thập kỷ qua và vòng loại Euro 2016 là lúc những vết thương ấy bung ra.
Hà Lan tụt hậu một khoảng xa so với các nền bóng đá khác. Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ (áo đỏ) giờ cũng có thể bắt nạt họ dễ dàng, như trận đấu ở Konya hôm qua. Ảnh: AFP. |
Nam Phi năm năm về trước, HLV của Hà Lan khi ấy là Bert Van Marwijk đã trình diện một bộ mặt trái ngược với truyền thống. Hà Lan của World Cup 2010 là một đội bóng thực dụng, khô khan và thậm chí bạo lực. Nếu trước đây, bỏ lỡ một trận đấu của Hà Lan là bạn đã bỏ lỡ một bữa tiệc thịnh soạn, thì trên đất Nam Phi ngày ấy bữa tiệc chỉ toàn sỏi đá.
Có thể nói, cú sốc bại trận ở tứ kết trước tuyển Nga tại Euro 2008, dù đã trình diện một lối chơi rực lửa, là nguyên nhân chính cho sự thay đổi của Hà Lan. Nhưng việc lần thứ ba thất trận ở chung kết World Cup 2010 càng khiến đội bóng kém may mắn bậc nhất thế giới này đi trong mông lung của những câu hỏi về chiến thuật cũ - mới. Người hâm mộ sẵn sàng tha thứ cho những "cơn gió chướng" nếu Hà Lan vô địch, nhưng thất bại càng khiến mọi thứ khó chấp nhận hơn. Và rồi đến Euro 2012, sự phân vân giữa truyền thống tấn công hay phòng ngự chủ động đã khiến Hà Lan bị loại ngay từ vòng bảng, trong một bảng đấu có cả sự góp mặt của Bồ Đào Nha và Đức.
Khi Louis van Gaal đưa Hà Lan chinh chiến tại World Cup 2014, ông không sử dụng sơ đồ truyền thống 4-3-3, mà chuyển sang 3-5-2 với mục tiêu không thua trước - tấn công sau. Hà Lan có thể xem là đã thành công tại World Cup này, nhưng đó cũng là lúc một vấn đề khác xuất hiện: con người. Nhìn Arjen Robben, Robin van Persie và Wesley Sneijder thi đấu tại Brazil năm ấy, có người đã hỏi "Đội bóng này sẽ trôi về đâu nếu ba cầu thủ ưu tú này giã từ sự nghiệp?". Quả thực, Hà Lan đang sống trong giai đoạn trầm kha về thế hệ kế cận.
Blind tiếp quản tuyển Hà Lan vào thời điểm bóng đá nước này đã rơi vào vòng xoáy khủng hoảng cả về con người lẫn lối chơi. Ảnh: Reuters. |
Trong quá khứ, chưa bao giờ điều này xảy ra. Lò đào tạo trẻ của Hà Lan quá tốt. Sau Johan Cruyff, Johan Neeskens, họ có Marco van Basten, Ruud Gullit, Frank Rijkaard rồi Edgar Davids, Dennis Bergkamp, Ruud van Nistelrooy, Patrick Kluivert, anh em nhà De Boer… tiếp đến là Van Persie, Robben, Sneijder… nhưng khi ba cầu thủ ưu tú nhất của thế hệ sinh năm 1983-1985 này ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, người Hà Lan biết nhìn đâu trong những Memphis Depay, Stefan de Vrij, Daley Blind, Bas Dost, Jordy Clasie hay Bruno-Martins Indi. Tất cả đều chỉ là những cái tên ở hàng khá của châu Âu.
Vấn đề ở chỗ, trước đây Ajax Amsterdam là kẻ tiên phong cho việc đào tạo cầu thủ trẻ. Họ là đội bóng đầu tiên xác lập "tiêu chuẩn vàng" cho đầu vào của các cầu thủ trẻ, được gọi là "Tiêu chuẩn TIPS". TIPS viết tắt của 4 chữ cái “Technique” (Kỹ thuật), Insight (Tầm nhìn), Personality (Phẩm chất) và Speed (Tốc độ). Khi ấy, Huw Jennings, một chuyên viên về đào tạo cầu thủ trẻ ở Anh đã miêu tả thế này: "Tất cả những ý tưởng mới nhất về việc làm thế nào để phát triển các cầu thủ trẻ đã bắt đầu với Ajax".
Nhưng khi bóng đá bắt đầu trở thành một cỗ máy kinh tế khổng lồ thì Ajax trở thành nạn nhân. Các đội bóng lớn khắp châu Âu học theo ý tưởng, mô hình của Ajax, và chiến thắng lại chính "cha đẻ" bằng tiền bạc và các cơ sở vật chất hiện đại. Cuối cùng, do điều kiện tài chính thua sút, Ajax phải gặt và bán "lúa non" khiến nhiều cầu thủ trẻ tiềm năng không phát triển được tối đa. Sự thiếu thốn của thế hệ kế thừa hôm nay là hệ quả của một chuỗi sai lầm trong quản lý bóng đá vĩ mô của Hiệp hội Bóng đá Hoàng gia Hà Lan suốt hơn một thập kỷ qua. Và giờ nó phản pháo lại chính họ.
Phía sau Van Persie, Sneijder là một khoảng trống đáng sợ, khi Hà Lan không tìm ra được những nhân tố mới thật sự nổi bật để gửi gắm niềm tin. Ảnh: Reuters. |
Nền bóng đá của Hà Lan từng là một câu chuyện truyền kỳ. Trước khi Johan Cruyff xuất hiện cùng với Bóng đá tổng lực của sư tổ Jack Reynolds, Hà Lan không có nhiều tiếng nói trên bản đồ bóng đá thế giới. "Thánh Johan" cùng với thứ bóng đá tấn công rực lửa khi ấy đã xoay chuyển càn khôn, mang theo sức mạnh Hà Lan với lối chơi gây khiếp đảm cho đối thủ và khiến những ai được chứng kiến phải mê đắm, qua đó khẳng định được vai trò và sức sống mãnh liệt của "Cơn lốc màu da cam".
Gần nửa thế kỷ đã đi qua, nhắc đến tuyển Hà Lan là nhắc đến một "ông kẹ" của làng túc cầu giáo. Một đội tuyển được hâm mộ cuồng nhiệt, một đội tuyển của vinh quang nhưng cũng mang rất nhiều nỗi đau, thất thường và kém may mắn. Chính vì vậy, Euro 2016 nếu không có Hà Lan thì cũng giống như một bữa tiệc mất đi một phần gia vị - một thứ gia vị cay nồng, rực nóng, luôn phảng phất vị đắng dở dang.
Dũng Phan