Luật chuyển nhượng của FIFA cấm mọi hành vi chuyển nhượng cầu thủ cho một CLB hay học viện bóng đá ở nước ngoài trước thời điểm cầu thủ đó tròn 18 tuổi. FIFA cũng cấm việc đưa các cầu thủ trẻ nước ngoài trong độ tuổi 14 đến 16 thi đấu ở giải vô địch quốc gia.
Nhưng theo một điều tra của hãng tin BBC, CLB Lào Champasak United hồi tháng 2 vừa qua nhập khẩu 23 cầu thủ trong độ tuổi 14 đến 16 từ Tây Phi về học viện bóng đá của họ. Sáu trong số này được đội bóng thuộc tỉnh Pakse này (miền Nam Lào) ký hợp đồng chuyên nghiệp, và đưa vào thi đấu ở giải vô địch quốc gia.
Một trong những cầu thủ người Phi của Champasak mô tả tình trạng của họ ở đây là "nô lệ". Ảnh: BBC. |
Kesselly Kamara, 14 tuổi, người Liberia, từng ghi bàn trong một trận đấu chính thức ở giải vô địch Lào, là một trong số này. Cậu bé đến từ quê hương của cựu danh thủ George Weah kể rằng cậu bị ép ký hợp đồng sáu năm trước khi chơi cho đội một của Champasak. Tuy nhiên, những gì Kamara được hứa hẹn trong hợp đồng đó khác xa với thực tế mà cậu đang phải chịu đựng.
Hợp đồng quy định rằng Kamara được trả lương và đài thọ chỗ ở. Nhưng cậu bé chưa được trả xu nào và phải ngủ trên sàn sân vận động, giống những đồng hương Tây Phi cùng cảnh ngộ. "Thật sự rất tệ, vì bạn không thể ngủ với 30 người chỉ trong một căn phòng", Kamara, giờ chơi cho một CLB ở quê nhà Liberia, nói với BBC.
Theo Kamara, anh cùng số còn lại của nhóm 23 cầu thủ Tây Phi sang Lào, để gia nhập cái gọi là Học viện bóng đá Á Phi Champasak IDSEA, theo lời mời của cựu tuyển thủ Liberia Alex Karno, người đang là thủ quân ở đội một Champasak. Lời mời này rất hấp dẫn với các cầu thủ trẻ, bởi ở Liberia nói chung và Tây Phi nói riêng, có rất ít học viện bóng đá.
"Đó là một học viện ảo, và trên thực tế không hề tồn tại về mặt pháp lý", nhà báo điều tra kiêm nhà môi giới thể thao người Liberia , Wleh Bedel nói với BBC. "Đó là một học viện không có HLV, không có bác sĩ. Karno chính là HLV, là quản lý. Tất cả đều hư cấu".
Bedell chính là người được Karno cậy nhờ, đưa nhóm 23 cầu thủ trên sang Lào, nhưng ông trở về ngay tức khắc, huỷ bỏ mọi ý định làm ăn sau khi nhận ra chân tướng của Karno và học viện.
Tự nhận là nhà quản lý, nhưng Karno thực chất là một tay buôn người, với hành vi đưa cầu thủ từ Tây Phi sang Lào làm nô lệ bóng đá. Ảnh: BBC. |
Sau đó, nhờ sự can thiệp của Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro) và FIFA, Champasak đã đồng ý giải phóng cho 17 cầu thủ trong nhóm mà Bedell đưa sang Lào, trong số này có Kamara, hồi đầu tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, sáu người còn lại từ chối sự giúp đỡ, họ chọn ở lại với Champasak.
FIPPro cho rằng những trường hợp ở lại này trót ký hợp đồng mà Karno và chủ tịch Champasak, Phonesavanh Khieulavong đề nghị. Karno làm việc này với tư cách "nhà quản lý của những cầu thủ châu Phi ở Champasak". Và theo hợp đồng, Champasak dường như không phải trả bất kỳ chi phí nào cho các cầu thủ trẻ, trong khi đòi hỏi những điều kiện không tưởng để giải phóng họ.
Tuy nhiên, khi được BBC hỏi về sự khuất tất này, Karno và Khieulavong chối bay chối biến. "Các cầu thủ được bao ăn ngày ba bữa và trả lương hàng tháng", Karno quả quyết. Khieulavong thì nói rằng hợp đồng mà Champasak ký với các cầu thủ trẻ "không phải là hợp đồng chuyên nghiệp, và CLB chỉ có bổn phận trả thưởng".
Hai nhân vật này cũng quả quyết rằng Champasak chỉ có một cầu thủ - tuổi 16, đến từ Guinea, chứ không phải sáu người. Nhưng điều tra của BBC cho thấy CLB Lào đang sở hữu năm cầu thủ trẻ khác, đều từ Liberia. Nhóm sáu cầu thủ này cùng với tám thành viên khác người châu Phi đang chơi cho đội một Champasak (sáu Liberia, một Ghana, một Sierra Leone) đang sống trong điều kiện "tồi tàn, tệ hại".
Không những thế, các cầu thủ còn bị hạn chế tối đa việc đi lại suốt ba tháng nay, kể từ khi hết hạn thị thực nhập cảnh, tức là họ đang mang tư cách những người nhập cư bất hợp pháp trên đất Lào. Tất cả vẫn chờ đợi được nhận giấy phép lao động trong vô vọng. Và do bị CLB giữ hộ chiếu từ khi mới đến, những cầu thủ người Phi hiếm khi rời sân bóng, nơi họ sống, tập luyện hai buổi mỗi ngày.
Khi được hỏi về chuyện này, Karno thừa nhận chín trong số 14 cầu thủ châu Phi không có giấy phép lao động, nhưng đồng thời quả quyết, tất cả đều có những giấy tờ hợp lệ để cư trú ở Lào. "Tất cả đều hợp pháp", gã nhấn mạnh với BBC.
Theo Kamara và những người được trả tự do trở về Liberia, trong thời gian ở Lào, họ được cho ăn uống rất ít, hiếm khi trả tiền công và không nhận được bất kỳ sự chăm sóc y tế nào từ CLB, ngay cả khi nhiễm sốt rét, thương hàn vì điều kiện sống tồi tệ. Một cầu thủ thậm chí dùng từ "nô lệ" để mô tả về tình trạng họ từng trải qua ở Champasak.
Thật khó sống trong những căn phòng không có cửa sổ", một cầu thủ trẻ từng được giải thoát khỏi Champasak kể lại về cuộc sống địa ngục ở CLB Lào. Ảnh: BBC. |
Tuy nhiên, trong nhóm còn sót lại ở Champasak, không phải ai cũng muốn rời Lào, hồi hương, đều vì lý do gia đình. "Tôi không muốn nó trở lại Liberia chừng nào con tôi chưa thành công với giấc mơ bóng đá của nó", bà Bella Tapeh, mẹ của một cầu thủ 17 đang bị giam lỏng ở Pakse nói.
Việc một CLB vi phạm quy định FIFA, tuyển mộ cầu thủ ngoại dưới 18 tuổi đang xảy ra rất phổ biến. Ngay cả CLB lừng danh như Barca cũng đang thụ án phạt cấm chuyển nhượng vì vi phạm quy định này. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là Champasak vẫn chưa chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào, bất chấp FIFPro đã kêu gọi FIFA vào cuộc sau khi nhận thấy sự chậm trễ từ phía Liên đoàn bóng đá Lào.
Bình Nam