El Clasico: Hơn cả chuyện sống chết

Ngày đăng 20/11/2015 08:04

* Trận đấu diễn ra vào 18h15 theo giờ địa phương ngày 21/11, tức 0h15 giờ ngày 22/11 theo giờ Hà Nội. Trực tuyến trên VnExpress.

Giữa sự sống và cái chết là gì? Đối với những CĐV ruột của Barcelona, câu trả lời là: bóng đá. Đơn giản vì sân Nou Camp, sân vận động lớn nhất châu Âu, nằm giữa một bên là bệnh viện phụ sản và một bên là nghĩa trang. 

Hai ngày trước các trận El Clasico, nghĩa trang Les Corts luôn trong tình trạng quá tải. Đấy là mùa "tảo mộ" ở Barcelona khi các cule cầm hoa đến tưởng niệm những người đã khuất, đồng thời cầu nguyện cho đội nhà có được kết quả tốt trước đại kình địch. Nghĩa trang này có gần 29.000 ngôi mộ trải dài trên một khuôn viên rộng 34.417 mét vuông. Đấy là nơi an nghỉ của những nhân vật thuộc dạng kiệt xuất nhất lịch sử CLB xứ Catalan.

Đối với các CĐV Barca, El Clasico còn mang nhiều ý nghĩa khác ngoài bóng đá.

Paulino Alcantara, từng là chân sút ghi nhiều bàn nhất lịch sử Barca (kỷ lục này chỉ mới bị Lionel Messi vượt qua) và trở thành một bác sĩ sau khi giải nghệ, là một trong số đó. Cesar Rodriguez là người đứng thứ ba trong danh sách ghi bàn nhiều nhất mọi thời của Barca (sau Paulino và Messi), cũng yên nghỉ ở đó. Hay như Josep Samitier, biệt danh là "nhà ma thuật", từng là cựu cầu thủ và Giám đốc kỹ thuật của Barcelona và... Real Madrid. Rồi Javier Urruticoechea nữa chứ, người thủ môn mà những pha cứu thua của anh đã góp phần giúp đội bóng của HLV Terry Venables giành chức vô địch đầu tiên sau 11 năm hạn hán danh hiệu. Không có nhiều thủ môn tạo ra nhiều cảm xúc như Urruticoechea. Trong một trận đấu, bình luận viên của đài phát thanh Catalan thậm chí từng gào lên ngay trên làn sóng điện: "Urruti, tôi yêu anh quá đi mất".

Từ ngôi mộ của Laszlo Kubala, người có công xây dựng Nou Camp và có tượng được dựng bên ngoài, người ta có thể nhìn thấy góc khán đài phía bắc của sân bóng vĩ đại này. Gần đấy là mộ của Julio Cesar Benitez, ông chết vì ngộ độc thực phẩm năm 1968, chỉ ba ngày trước một trận El Clasico. Và hôm nay, tức 47 năm sau, có nhiều hoa được đặt trên ngôi mộ của ông, kèm theo lời cầu khấn: "Hãy giúp chúng ta vượt qua Real Madrid".

Ở Catalan, bóng đá chưa bao giờ đơn thuần là bóng đá. Đối với El Clasico, mọi thứ tất nhiên còn bị đẩy đi xa hơn. Và bây giờ, khi phong trào vận động để Catalan trở thành một quốc gia độc lập lên tới đỉnh điểm, tầm vóc của El Clasico lại được nâng cao hơn một bậc. Vào phút thứ 17, giây thứ 14 của El Clasico năm nay, những cule có mặt tại sân Bernabeu sẽ hát vang "quốc ca" của họ. 1714 là năm mà Catalan thất thủ và rơi vào tay Vua Philip V. Catalan đã chọn sai phe trong cuộc nội chiến. Nhưng tinh thần Catalan không chết. Nó vẫn âm ỉ, bền bỉ chảy suốt mấy thế kỷ và giờ đã bùng nổ dữ dội.

Và không điều gì biểu trưng cho tinh thần bất khuất của Catalan hơn là Barcelona. Sir Bobby Robson từng nói: "Nếu Catalan là một quốc gia thì Barcelona chính là quân đội". Radomir Antic, một trong những HLV hiếm hoi từng cầm quân cho cả hai đội, thì nói: "Làm Chủ tịch Barca mệt hơn làm Bộ trưởng".

el-clasico-hon-ca-chuyen-song-chet-1

Barca đang được đánh giá cao hơn trước trận đấu tối nay.

Ngày 6/8/1936, chỉ vài ngày sau cuộc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra, Josep Sunyol i Garriga, cựu Chủ tịch Barcelona, bị quân của Franco bắt chết và ném xác từ trên cao xuống đến mức không còn có thể nhận ra hình dạng. Một trận El Clasico sau đó 7 năm, tức vào ngày 13/6/1943, một viên tướng của độc tài Franco vào tận phòng thay đồ của Barca để đe dọa: "Liệu mà đá cho đàng hoàng". Angel Mur, một nhân viên y tế tại Barca, cho biết trước trận, một viên cảnh sát đã đến và nói vào tai ông: "Trận này bọn mày sẽ thua". Khi một cầu thủ Barca dính phải cú đạp, Mur định vào sân chăm sóc thì tay sĩ quan ấy tiến đến ngăn lại.

Chủ tịch Enrique Pineyro trên khán đài cũng bị quản thúc. Ông căm phẫn trước pha bóng ấy thì bị một giọng nói bên tai: "Câm mồm lại, nếu không muốn qua đêm trong xà lim". Quá tủi hổ và tức giận, Pineyro đã từ chức ngay sau khi trận đấu kết thúc. Tỷ số trận ấy là 8-0 cho Real và từ ấy, mối thù truyền kiếp của Barca và Real chính thức hình thành và không ngừng tăng lên theo thời gian.


"Barcelona là đại diện của Catalan, Real là đại diện của chính quyền. Đến giờ vẫn thế", Gerard Pique nói. Quả vậy, tuy El Clasico bao giờ cũng là một cuộc thư hùng đỉnh cao về chất lượng chuyên môn, nhưng người ta không bao giờ có thể tách chính trị ra khỏi đó. Cựu tiền đạo Hristo Stoichkov của Barca nói: "Barca chạm trán Madrid tức là quân phiến loạn chống lại chính quyền, là tiểu bang chống lại quốc gia, là dân chủ chống lại phát xít, là cánh tả chống lại cánh hữu, và trên hết là của cái thiện chống lại cái ác".

el-clasico-hon-ca-chuyen-song-chet-2

Đại chiến Barca - Real vẫn là một trong những trận đấu được chờ đợi nhất mỗi mùa giải La Liga.

Real Madrid là một CLB, nhưng Barcelona còn hơn cả một CLB. Chiến đấu cho Barca là chiến đấu cho một lý tưởng, cho một hoài bão, một mơ ước, một nung nấu chưa bao giờ tàn lụi. Với Madrid, El Clasico là một trận cầu đỉnh cao. Với Barca, đấy là một chiến trường. Một ngày là cule, mãi mãi là cule. Bất hạnh luôn song hành với đội bóng, như căn bệnh quái ác của Eric Abidal hay Tito Vilanova, nhưng bất hạnh chỉ càng khiến cho tinh thần Barca, tinh thần Catalan thêm bất tử.

Đêm nay, một trận chiến mới lại diễn ra. Và các bạn đừng bao giờ nghĩ rằng El Clasico không phải chuyện sống chết. Bởi với cule, nó còn hơn thế!

Hoài Thương