GP Australia: Nơi chiến thuật lấn át sức mạnh động cơ

Ngày đăng 18/03/2015 04:13

Chặng đua mở màn mùa 2015 chứng kiến chiến thắng tuyệt đối của đội đua Mercedes khi họ áp đảo từ vòng phân hạng cho tới cuộc đua chính thức. Trong đó, Nico Rosberg, dù thử áp dụng nhiều biện pháp về mặt chiến thuật, vẫn không thể làm suy chuyển vị trí dẫn đầu của đồng đội Lewis Hamilton.

Nhưng chính nhờ chiến thuật khôn ngoan, Ferrari mới có thể giúp Vettel chiếm vị trí thứ ba từ tay Massa, dù chiếc SF-15T có phần thua kém chiếc FW37 trên đường đua. Một số trận chiến đáng chú ý cũng được phân thắng bại nhờ các quyết định chiến thuật chính xác trong hoàn cảnh khắc nghiệt trên đường đua.

Vettel giành được vị trí thứ 3 nhờ sai lầm chiến thuật của đội đua Williams. Ảnh: Formula 1.

Chuyên gia F1 của BBC, James Allen đưa ra những phân tích kỹ càng về các khoảnh khắc quan trọng của cuộc đua, để mang lại một cái nhìn toàn diện về các quyết định chiến thuật của Grand Prix Australia cuối tuần qua.

Kế hoạch trước cuộc đua của các đội

Năm nay, nhà cung cấp lốp Pirelli đã thiết kế loại lốp sau với thành phần khác biệt so với các mùa giải trước. Nhờ đó, lốp xe năm nay tại Melbourne rất bền, hơn cả dự kiến của các đội. Ban đầu, các đội đều dự tính chiến thuật hai hoặc ba pit cho GP Australia như mọi năm. Tuy nhiên trên thực tế, với loại lốp trung bình và mềm được sử dụng cho chặng đua lần này, mức độ hao mòn của lốp là hầu như không đáng kể.

Những dữ liệu thu được trước cuộc đua chiều Chủ nhật cho thấy việc sử dụng chiến thuật một pit sẽ chậm hơn chiến thuật hai pit tầm 18 giây. Tuy nhiên, việc tốn thêm một lần về thay lốp lại khiến tay đua bị mất khoảng 23 giây. Vì thế về tổng thể chiến thuật một pit sẽ giúp tay đua nhanh hơn người sử dụng chiến thuật hai pit tầm năm giây.

Nhiệt độ bề mặt đường đua chiều Chủ nhật cao hơn so với dự kiến giúp loại lốp mềm tránh bị vón cục giống như năm ngoái. Toàn bộ cuộc đua chính thức chỉ có 14 lần vào pit, nguyên nhân của việc này là ngoài việc phần lớn các tay đua đều dùng chiến thuật một pit, còn do chỉ có 15 xe tham gia cuộc đua và cũng chỉ 11 xe về đến đích.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới chiến thuật của cuộc đua, đó là việc xe an toàn sớm được triển khai ngay từ vòng một sau vụ tai nạn của Pastor Maldonado (Lotus). Ba vòng đầu tiên khi nhiên liệu còn đầy, các tay đua phải thi đấu với vận tốc bị hạn chế. Điều này càng khiến chiến thuật một pit trở thành phương án tối ưu.

Ferrari đánh bại Williams nhờ quyết định chiến thuật

Tại GP Australia năm ngoái, Ferrari thất bại trong việc phòng thủ chiến thuật trước Jenson Button ở lần vào pit thứ hai, điều này đã làm Fernando Alonso bị mất vị trí thứ tư vào tay đối thủ đến từ McLaren. Như vậy, khi đó Ferrari và Alonso bị mất vị trí thứ ba vì sau chặng đua Daniel Ricciardo (Red Bull) bị hủy kết quả do phạm luật.

Năm nay, mọi việc lại diễn ra theo chiều ngược lại tại Australia. Quyết định chiến thuật khôn ngoan giúp Vettel đoạt lấy vị trí thứ ba từ tay đối thủ Massa. Tay đua Đức xuất phát với vị trí thứ tư, ngay sau đối thủ người Brazil. Dù ở vòng phân hạng, hai chiếc xe FW37 và SF-15T có thành tích thi đấu suýt soát nhau, tại cuộc đua chính thức, Massa đã phòng thủ rất tốt trước sự tấn công của Vettel. Và phải nhờ đến chiến thuật, cựu tay đua Red Bull mới có thể vượt lên.

Trong các lượt chạy thử với cự ly dài hôm thứ Sáu, hai chiếc xe của Ferrari và Williams hầu như không có nhiều khác biệt khi so sánh với nhau. Khi đó, Vettel thử nghiệm với loại lốp trung bình, còn đồng đội Kimi Raikkonen lại sử dụng lốp mềm. Sau đó, Williams đã chú ý tới tình tiết chiếc xe của Vettel có vấn đề với hệ thống làm mát vào chiều Chủ nhật. Tuy nhiên, Vettel chỉ bị tụt lại sau Massa tầm 1,5 giây sau khi xuất phát và cố gắng giữ lốp bằng cách không chạy vào khu vực không khí bẩn (dirty air) phía sau xe của Massa.

Trước khi về pit thay lốp, chiếc SF-15T của Vettel đạt được tốc độ rất tốt, nhưng tay đua người Đức vẫn cố gắng kiềm chế tấn công để tập trung giữ lốp nhằm phục vụ cho mục đích tấn công đối thủ ở nửa cuối chặng đua. Tuy nhiên, khi đó Williams lại đang dành sự chú ý của mình về phía Daniel Ricciardo, người đang ở phía sau họ tới 23 giây. Williams chờ đợi tay đua người Australia thay lốp trước rồi mới để Massa về pit nhằm tránh bị chiếc RB11 cản đường.

Sau đấy, Williams bắt đầu nhận thấy rằng với tốc độ ấn tượng của chiếc SF-15T, Vettel có khả năng sẽ nhảy cóc qua Massa. Họ lo rằng, nếu Vettel vào thay lốp trước Massa thì tay đua người Đức sẽ sử dụng lợi thế bộ lốp mới hơn để tăng tốc và vượt qua chiếc FW37 đang trên đường về pit thay lốp. Williams lựa chọn giải pháp cho Massa vào pit tại vòng 21, trước Vettel để tránh bị nhảy cóc.

2-7252-1426738364.jpg

Vettel vượt lên Massa sau khi thay lốp. Ảnh: Formula 1.

Sau khi thay lốp xong, Massa dĩ nhiên sẽ chạy phía sau chiếc RB11 của Ricciardo, người đạt thành tích tầm 1 phút 34 giây tại thời điểm đó. Trong khi đó, trước khi thay lốp, Massa vẫn ổn định với thành tích 1 phút 33 giây. Cùng lúc ấy, do giữ lốp rất tốt, Vettel đã đủ sức bứt phá khi lập được liên tiếp ba vòng đua chỉ mất có 1 phút 32 giây. Điều này đồng nghĩa với việc sau khi thay lốp ở vòng 24, Vettel vẫn đứng trước Massa, người đã bị Ricciardo cản đường trước đó.

Rõ ràng là sau đó Williams đã thất vọng với quyết định chiến thuật của bản thân vì họ đã tự trao vị trí thứ ba cho Ferrari. Không ai sẽ sử dụng phương án nhảy cóc trong trường hợp mà Williams đã tính đến ở trên, do quá trình làm nóng lốp trung bình vốn tốn mất nhiều thời gian. Thay vào đó, các đội sẽ cố gắng ép đối thủ sớm chuyển từ lốp mềm sang lốp trung bình hơn dự tính để hưởng lợi.

Nếu rút ra được bài học kinh nghiệm từ các sai lầm chiến thuật ở mùa giải trước và chặng đua vừa qua, Williams sẽ đủ sức để thường xuyên có mặt trên bục podium vì hiện tại thực lực chiếc FW37 mạnh hơn chiếc xe của Ferrari.

Một số tay đua mạo hiểm dùng chiến thuật hai pit

Dựa trên các phân tích từ biểu đồ làm việc của lốp, rõ ràng chiến thuật 1 pit sẽ là chiến thuật tối ưu cho các tay đua trừ khi họ xuất phát ở nhóm dưới và muốn tạo đột biến. Khi đó, chiến thuật hai pit sẽ là một lựa chọn.

Hai trường hợp sử dụng chiến thuật hai pit đáng chú ý nhất là Nico Hulkenberg (Force India) và Kimi Raikkonen (Ferrari). Một lý do để Raikkonen sử dụng chiến thuật hai pit là người đồng hương Valtteri Bottas (Williams) không thể thi đấu, nên Ferrari không còn lo ngại các đội xuất phát sau và cố gắng áp dụng hai chiến thuật khác nhau cho hai tay đua hòng tấn công Felipe Massa theo hai hướng khác nhau.

Các phân tích sau chặng đua cho thấy, với chiến thuật hai pit Raikkonen, không thể đủ sức đuổi kịp và vượt qua Massa. Nhưng tay đua người Phần Lan dư sức về đích thứ năm trước Felipe Nasr (Sauber), nếu anh không phải bỏ cuộc giữa chừng.

3-9299-1426738365.jpg

Kimi Raikkonen chủ động áp dụng chiến thuật 2 pit hòng tạo đột biến. Ảnh: Formula 1.

Trong khi đó, Hulkenberg về đích thứ bảy dù chỉ xuất phát thứ 13. Kết quả này một phần là do chặng đua năm nay rất khắc nghiệt và có nhiều tay đua bị trục trặc, bỏ cuộc. Nhưng cũng cần phải khẳng định là Hulkenberg chọn thời điểm thay lốp đầu tiên sớm để chuyển sang dùng lốp trung bình giúp anh tránh được việc liên tiếp phải đọ sức tay đôi với các đối thủ trực tiếp.

Những diễn biến tại Grand Prix Australia đã chứng minh các dự đoán tại các kỳ thử nghiệm trước mùa giải. Đó là các đội tập trung vào việc thử nghiệm độ ổn định của xe như Mercedes, Ferrari, Williams và Sauber đã có được kết quả rất ấn tượng. Ngoài ra điều kỳ lạ là người xem chỉ thấy có 15 xe xuất phát và sau 1 vòng chỉ còn có 13 chiếc xe. Trước đây, thực tế này tưởng chừng chỉ nằm trong hình dung của khán giả về khởi đầu của mùa giải 2014 khi các quy định mới được áp dụng chứ không phải mùa giải 2015.

Thực trạng này cho thấy một số đội đua và nhà sản xuất đã thúc ép việc sử dụng công nghệ động cơ và một số công nghệ khác quá tốn kém khiến các đội đua nghèo khó có thể theo đuổi. Với những đội đua như Sauber, họ đang cố gắng sử dụng chiến thuật làm ra một chiếc xe ổn định, tin cậy để có được tới 14 điểm cho một sự khởi đầu xuất sắc và còn hữu hiệu hơn những đội đua giàu có như Red Bull và McLaren hiện nay.

Chiến thuật sử dụng lốp của các tay đua tại Yas Marina
(Trong ngoặc đơn là tuổi thọ của bộ lốp tính theo vòng)

Tay đua

Bộ lốp
xuất phát

Bộ lốp

thứ 2

Bộ lốp

thứ 3

Bộ lốp
thứ 4

Lewis Hamilton

Mềm (25)

Trung bình (33)

   
Nico Rosberg

Mềm (26)

Trung bình (32)

   
Sebastian Vettel

Mềm (24)

Trung bình (34)

   
Felipe Massa

Mềm (21)

Trung bình (37)

   
Felipe Nasr

Mềm (25)

Trung bình (33)

   
Daniel Ricciardo

Mềm (23)

Trung bình (34)

   
Nico Hulkenberg

Mềm (21)

Trung bình (23)

Mềm (13)

 
Marcus Ericsson

Trung bình (1)

Mềm (25)

Mềm (17)

Mềm (14)

Carlos Sainz Jnr

Mềm (24)

Trung bình (33)

   
Sergio Perez

Trung bình (38)

Mềm (19)

   
Jenson Button

Mềm (27)

Trung bình (29)

   
Kimi Raikkonen

Mềm (16)

Mềm (24)

Trung bình (0)

 
Max Verstappen

Trung bình (32)

     

Minh Phương