Khi Alexander Dumas viết tác phẩm nổi tiếng "Hai mươi năm sau" - phần hai của "Ba người lính ngự lâm", ông đã đưa những người hùng trở lại. Ngòi bút rắn rỏi của Dumas miêu tả mưu trí của D’Artagnan, đường kiếm của Porthos, Aramix và tấm lòng cao thượng không sờn rách của Athos. "Hai mươi năm sau" như để người đọc nhận ra sự dẻo dai và sức sống dồi dào nơi dấu chân những chiến binh tuổi trung niên, khi họ vẫn chính là người hùng cũ kĩ năm nào trong giai đoạn rối ren của một thời đại.
Hôm nay, Buffon vẫn là người hùng trong giai đoạn điêu tàn của bóng đá Italy. 20 năm trước, ngày 19/11/1995, chàng trai 17 tuổi ấy lần đầu tiên ra mắt tại Serie A, trong màu áo Parma và đối đầu AC Milan hùng mạnh của Fabio Capello. Như một định mệnh xê xích chỉ hai ngày, hôm nay 21/11/2015 Buffon lại gặp AC Milan vào cái thời khắc kỷ niệm hai thập kỷ anh chinh chiến ở Serie A. Người thủ môn trẻ năm nào giờ trở thành một huyền thoại sống.
Buffon thuở mới chân ướt chân ráo đi những bước đầu tiên ở Serie A. |
776 trận đấu trong màu áo CLB, 154 trận đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia, 377 lần giữ sạch lưới, giành 19 danh hiệu tập thể lớn nhỏ, và 7 lần được IFFHS vinh danh. Đó là những con số khổng lồ để xây đắp nên chân giá trị của Buffon. Anh không đơn giản là một cầu thủ với sự nghiệp hiển hách, mà còn là một trong những thủ môn xuất chúng mọi thời đại, là chứng nhân của một giai đoạn nhiều biến động của bóng đá Italy.
20 năm qua, có tới hơn 40 trận đấu mà Buffon đối đầu với AC Milan. Những ký ức có thể kể ra, là cú lốp bóng đẹp mắt của "Ngọn gió phương Đông" Shevchenko, là cú panenka mà Andrea Pirlo ưu ái dành cho người đồng đội về sau, là pha đánh đầu của Muntari đưa bóng vào sâu sau vạch vôi 20cm, nhưng bị từ chối ở mùa giải 2011-2012, tượng trưng của một Serie A lắm hỗn loạn và đang ở dưới đáy. Nói không quá, mọi cung bậc kỷ niệm, mọi thăng trầm của Serie A như đều thể hiện qua chính đôi găng tay hai mươi năm của Buffon.
Juventus gặp AC Milan, hệt như cái cách kẻ sa cơ gặp người bần hàn. Họ gặp nhau trong tư thế của hai CLB xếp thứ sáu và thứ bảy trên bảng điểm, cùng nhau ngước đầu lên nhìn những kẻ thách thức năm xưa giờ bỗng trở thành hoàng đế và đặt họ dưới chân. Không ai nghĩ rằng, hai kẻ bạo chi ở mùa hè vừa rồi lại có sự khởi đầu tồi tệ đến vậy, để giờ đây thay vì tranh nhau ngôi đầu và mặc kệ những Inter, Roma, Fiorentina, Napoli thi nhau bám đuổi. Họ lại đi gặp nhau trong cơn bĩ cực với hy vọng giữ cho chắc chiếc ghế đang rung lắc dữ dội của Allegri bên phía Juventus và Sinisa Mihajlovic phía AC Milan.
Juventus - Milan vốn là một cuộc đấu vĩ đại nhưng lại ôn hòa hơn so với các cuộc chiến đấu khác ở đất nước hình chiếc ủng. Vì đây là cuộc chơi của hai kẻ quen nâng cup: scudetto cho Juventus và Champions League cho Milan, nhưng cũng là cuộc đấu của hai kẻ từng dính chàm. Nếu vụ bê bối dàn xếp tỉ số Totonero khiến Milan xuống hạng vào thập niên 80, thì 20 năm sau, vụ bê bối Calciopoli làm Juventus phải xuống chơi ở Serie B. Cái cách "có phúc cùng hưởng - có họa cùng chia" giúp cuộc đại chiến này không mang nặng tính hận thù như nhiều trận cầu lớn khác.
Buffon từng bắt hơn 50 trận đấu với AC Milan, kể từ khi ra măt trong trận đấu với đối thủ này năm 1995. |
Dẫu vậy, hận thù không phải là không có. Đối với những người Milan, họ không dễ quên trận quyết chiến ở mùa giải 2004-2005, khi ấy Juventus và Milan tạo ra một cuộc đua tranh hấp dẫn đến gai người, cùng nhau bằng điểm cho đến trước trận chiến quyết định. Ở trận đấu cho scudetto, Juventus chiến thắng, Trezeguet ghi bàn quyết định. Nhưng trước đó, siêu trọng tài Collina đã có những lần thổi còi không có lợi cho Milan. Điều này khiến các tifosi của Milan giận giữ.
Nhưng nếu lùi lại hai năm trước, chính Milan cũng đã gieo sầu cho các cổ động viên Juventus, khi Rossoneri đã vô địch Champions League bằng cách đả bại Bianconeri ở loạt đấu súng cân não. Trong vinh quang của trận chung kết toàn Italy mùa giải 2002-2003, chín trong 10 cầu thủ đá loạt penalty đêm Old Trafford ngày ấy đã đi hết. Người duy nhất còn ở lại là Buffon.
Cái cách mà Buffon còn ở lại bây giờ cũng như cái cách mà hàng phòng ngự của Italy và Juventus đã bị xuyên thủng hết toàn bộ, nhưng vẫn còn có Buffon trấn giữ bằng các pha cản phá bóng siêu đẳng. Anh luôn là nốt chặn cuối cùng, và là điểm tựa vững vàng đáng tin cậy nhất. 20 năm qua, Buffon luôn làm tốt nhất công việc của anh, bằng phong thái lịch lãm, sự trung thành của gã đàn ông quân tử, giành danh hiệu "Thủ môn hay nhất thế giới" rồi mỉm cười bước xuống Serie B cùng Juventus trong đêm đen Calciopoli.
Nói về Buffon là nói về một tượng đài phủ bóng lên Serie A 20 năm qua. |
Trong tác phẩm “Hai mươi năm sau”, những người lính ngự lâm quân trở lại khi triều đình Pháp rối ren vì sự tranh đấu. Ở buổi hoàng hôn ấy, Dumas đã gieo vào đó một tia sáng hy vọng, là những ước mơ mà ngự lâm quân Athos gửi vào Bragelonne. Juventus Arena đêm mai, có con người mang nét trầm tĩnh và đường bệ hiên ngang như Athos, đó là Gianluigi Buffon. Và phải chăng Gianluigi Donnarumma 16 tuổi ở bên kia chiến tuyến là “tử tước Bragelonne”, để Dumas viết nên “10 năm sau nữa”? Với một sự nghiệp hiển hách trên cảm hứng anh hùng ca của người đi trước? Một câu hỏi để ngỏ nhưng nếu được vậy thì đẹp biết bao.
Dũng Phan