K+ không ký cam kết chống mua độc quyền Ngoại hạng Anh

Ngày đăng 19/11/2015 02:11

Hành động của K+ làm dấy lên lo ngại cho rằng đơn vị này sẽ “đánh quả lẻ” bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh tại Việt Nam giai đoạn từ 2016 đến 2019.

Các đài truyền hình Việt Nam không thể đấu giá, mua trực tiếp với The Premier League. Việc phải mua lại qua trung gian khiến giá bị đội lên cao.

“Hôm 17/11, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam đã đứng ra tổ chức cuộc gặp giữa 12 đài truyền hình, trong đó có VTV, K+, SCTV… bàn về chuyện bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh tại Việt Nam giai đoạn 2016-2019. Sau đó chúng tôi có làm công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ thông tin truyền thông đề xuất về việc mua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh ba mùa sắp tới”, ông Lê Đình Cường, phó Chủ tịch Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, chia sẻ với VnExpress.

Theo công văn gửi đi của Hiệp hội, các đài sẽ không mua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh bằng mọi giá, chỉ mua nếu mức tăng so với giai đoạn 2013-2016 dưới 20%, mua toàn bộ các trận đấu của giải nhưng không độc quyền...

“Đại diện của K+ ký vào văn bản, xác nhận có tham dự buổi họp trên và ghi nhận ý kiến của Hiệp hội. Tuy nhiên, đơn vị này chưa cam kết sẽ không mua với giá cao hay chống mua độc quyền”, ông Lê Đình Cường nói thêm.

Đại diện cao nhất của K+ tham dự buổi họp kể trên là Tổng giám đốc Lê Chí Công. Tuy nhiên, người ký biên bản lại là cấp dưới của ông. Ông Công cho biết để ký vào thống nhất không mua độc quyền hoặc không mua bằng mọi giá, ông còn phải xin phép các cấp có thẩm quyền.

Bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh giai đoạn 2016-2019 tại Việt Nam đã thuộc về MP&Silva. Công ty có trụ sở tại Anh chưa chào bán đối với các đài truyền hình Việt Nam, nhưng mức giá được dự đoán là “rất khủng khiếp”.

Bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh tại Việt Nam giai đoạn 2013-2016 thuộc về IMG. Khi đó K+ đã chi 33,5 triệu đôla để độc quyền các trận đấu ngày chủ nhật và không độc quyền các trận đấu khác trong tuần (được chọn một trận để độc quyền ngày thứ bảy). Ngoài ra, VTVcab cũng phải bỏ ra 2 triệu đôla, SCTV là 2,1 triệu đôla để được phát sóng các trận không độc quyền. VTC chỉ mua bản quyền hai mùa 2014-2015 và 2015-2016 với giá 200.000 đôla. IMG cũng thu thêm hàng triệu đôla khi bán lại bản quyền cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên nền tảng internet như Viettel, VNPT, FPT…

Lâm Thỏa