Có những lời ngợi khen bên cạnh không ít chế nhạo về bộ não kinh doanh và tầm nhìn tài chính của các ông chủ người Mỹ.
Các danh hiệu: giai đoạn thành công nhất của Man Utd
Vốn là CLB thành công nhất trong kỷ nguyên Premier League (tính từ năm 1992), Man Utd đã giành được thêm nhiều chiến tích hơn trong vòng một thập kỷ kể từ khi nhà Glazer nắm quyền kiểm soát so với giai đoạn mười năm trước đó. Trong mười năm qua, Man Utd cũng là CLB giành được nhiều danh hiệu hơn bất kỳ đội bóng Anh nào khác. Chỉ có Chelsea của tỷ phú Abramovich là ở gần họ, với 13 danh hiệu các loại so với 15 của Man Utd. Man City đứng tiếp theo, với chỉ năm danh hiệu trong thập kỷ qua.
Man Utd thành công về mặt danh hiệu, trong kỷ nguyên Glazers. |
Nhưng trong khi ở đấu trường nội địa Man Utd tiếp tục gặt hái được thành công thường xuyên cho tới trước khi chững lại ở hai năm vừa qua, thì họ vẫn còn tụt hậu so với các đối thủ lớn của châu Âu. Barcelona của Tây Ban Nha đã đoạt tới 19 danh hiệu đủ loại trong cùng một thập kỷ qua, gồm tới ba chức vô địch Champions League vào các năm 2006, 2009 và 2011. Gã khổng lồ của bóng đá Đức, Bayern Munich, cũng giành tới 17 danh hiệu ở các đấu trường.
Cầu thủ: có khoản phí chuyển nhượng kỷ lục
Sau khi nhà Glazer sở hữu CLB, Man Utd thiếu tương đối nhiều các vụ chi tiêu lớn trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ. Cho tới trước khi David Moyes phá vỡ kỷ lục của CLB bằng bản hợp đồng tuyển mộ Juan Mata từ Chelsea với giá 37.1 triệu bảng hồi tháng 1/2014, khoản chi tiêu gộp trong từng mùa bóng của họ mới chỉ một lần vượt qua mốc 50 triệu bảng kể từ hồi năm 2005.
Ngay cả sau khi Louis van Gaal được chi tới 157,7 triệu bảng để mua sắm một số cầu thủ hồi mùa hè năm ngoái, trong đó có một kỷ lục bóng đá Anh là khoản phí 59,7 triệu bảng dành cho Angel Di Maria, thì tổng chi tiêu ròng trong thập kỷ qua của Man Utd cũng chỉ tới mức 274,6 triệu bảng, vẫn kém xa so với 370,7 triệu bảng của Chelsea.
Nhiều người tới giờ vẫn khẳng định rằng việc chi tiêu của cựu HLV Alex Ferguson đã bị hạn chế rất nhiều dưới thời nhà Glazers, cho dù huyền thoại người Scotland đã một vài lần phủ nhận việc này.
Nhà Glazers tỏ ra chịu chơi trên sàn chuyển nhượng, với rất nhiều thương vụ bom tấn mà gần nhất là hợp đồng kỷ lục trị giá 99 triệu đôla với Angel Di Maria (giữa). |
Nợ nần: vẫn còn tới 600 triệu đôla sau đỉnh điểm 1,226 tỷ đôla
Man Utd không chịu khoản nợ nào cho tới năm 2005. Tình hình hoàn toàn thay đổi khi nhà Glazers phải vay mượn hàng trăm triệu bảng để có đủ tiền tiếp quản CLB chủ sân Old Trafford. Phần lớn số tiền cha con nhà Glazers dùng để thâu tóm Man Utd đến từ các khoản vay khắp nơi, và chủ yếu được bảo đảm thế chấp bằng chính giá trị tài sản của CLB.
Ngày đó đông đảo người hâm mộ Man Utd chỉ trích rằng các ông chủ người Mỹ đã giành quyền kiểm soát bằng chính tiền của CLB này. Cách lập luận đó đã tạo ra những làn sóng biểu tình từ người hâm mộ Man Utd tại Anh, và tới giờ vẫn tiếp tục qua một số hình thức.
Thậm chí chính các giám đốc của CLB này hồi đó cũng từng công khai phát biểu rằng họ cảm thấy kinh hãi ở thời điểm gia đình nhà Glazers đưa ra đề nghị mua lại Man Utd với giá 1,245 tỷ đôla. Ban lãnh đạo của Man Utd thời đó nhận xét rằng lời hỏi mua đó "quá hung hăng" và "có khả năng gây tổn hại cho CLB".
Nhưng cuối cùng quyết tâm của nhà Glazers đã làm thay đổi quan điểm trong nội bộ ban lãnh đạo cũ của Man Utd. Thương vụ hoàn tất bất chấp các chuyên gia kinh tế của hãng Deloitte & Touche, những người được thuê để kiểm toán CLB trong vụ này, lập luận rằng việc nhà Glazers mua lại Man Utd không mang ý nghĩa nào về mặt tài chính. “Cuối cùng thì nhà Glazers đã đánh bại các con số tính toán của họ. Deloitte không những đã sai, mà còn sai hàng cây số”, một nguồn tin thân cận trong vụ thỏa thuận mua lại Man Utd ngày đó cho biết.
Sau khi Man Utd về tay người Mỹ, giá vé ban đầu tăng mạnh. Vé xem cả mùa giải ở khán đài phía đông sân Old Trafford tăng tới gần 30%, từ 723 đôla lên thành 1048 đôla, từ năm 2006 đến 2009. Vé vào cửa khán đài phía đông sân Old Trafford cả mùa giải hiện nay lên tới 1111 đôla.
Đến tận bây giờ, dưới nhiều hình thức, người hâm mộ ở Anh vẫn phản đối việc Man Utd phải gánh nợ do nhà Glazers đi vay để mua lại CLB. |
Các khoản nợ cũng buộc Man Utd phải tìm cách được tái cấp vốn để giảm lãi suất. Một đợt phát hành trái phiếu lên tới 788 triệu đôla đã được thực hiện vào tháng 1/2010, khiến người hâm mộ thêm lo lắng về cơ cấu tài chính của câu lạc bộ. Tình hình tài chính của Man Utd thời điểm đó đã ở mức cảnh báo, thậm chí ban lãnh đạo đã phải tính tới phương án bán đứt trung tâm tập luyện United's Carrington và sau đó thuê lại. Nợ của Man Utd đạt đỉnh điểm vào mùa hè 2010, gần 1,226 tỷ đôla. Khoảng cuối năm ngoái, con số nợ đã giảm xuống còn 600 triệu đôla.
Tình hình kinh doanh: những hợp đồng tài trợ và doanh thu kỷ lục
Nhà Glazers đã tạo ra cuộc cách mạng về hoạt động thương mại ở Man Utd. Ngày 1/7/2005, các con trai của Malcolm Glazer có chuyến bay quan trọng tới Anh, trong đó có lần đầu tiên ghé thăm sân Old Trafford. Chuyến đi này kết thúc với cảnh anh em họ phải rời khỏi sân trong một chiếc xe của cảnh sát để đảm bảo an toàn trước đám đông người hâm mộ đang biểu tình dữ dội ngoài cổng.
Trước đó trong ngày, họ đã có một chuyến đi không kém phần quan trọng tới Newbury, trụ sở của tập đoàn thông tin di động đa quốc gia Vodafone tại Vương quốc Anh. Nhiều người khi đó dự đoán rằng các con của Glazer tới đó để cung cấp một số bảo đảm cho Vodafone, công ty thời đó đang chi trả 14 triệu đôla một năm để tên của họ xuất hiện ngang ngực áo đấu của Man Utd. Nhưng không phải vậy. “Họ không làm bất cứ việc gì đại loại thế để thuyết phục đối tác gắn bó với đội bóng. Anh em nhà Glazers hoàn toàn bình tĩnh trước những yêu cầu của Vodafone. Họ thậm chí còn cảm thấy 14 triệu đôla mỗi năm là số tiền hoàn toàn định giá thấp một bản hợp đồng quảng cáo trên áo đấu của một CLB cỡ Man Utd”, một nguồn tin cho hay.
Vodafone chấm dứt hợp đồng với Man Utd vào năm 2006, tức là trước thời hạn tới hai năm. Nhưng đó là cơ hội tuyệt vời để CLB này kiếm được những bản hợp đồng quảng cáo thương hiệu trên áo đấu giá trị cao gấp bội. Công ty bảo hiểm AIG của Mỹ trả họ 22 triệu đôla một năm. Khi nhà tài trợ này không thể gia hạn hợp đồng, Aon lập tức ký hợp đồng 126 triệu đôla trong vòng bốn năm. Còn hiện tại, gã khổng lồ xe hơi Chevrolet đang trong mùa giải đầu tiên của thương vụ bảy năm trị giá lên tới gần 570 triệu đôla. Aon vẫn tiếp tục mối liên hệ với Man Utd thông qua bản hợp đồng 190 triệu bảng trong tám năm để có tên thương hiệu xuất hiện ở sân tập và các thiết bị tập luyện của CLB này.
Sau khi kế thừa ở Man Utd một bộ phận thương mại chỉ có hai người, gia đình Glazer đã phát triển nó thành một tập thể gồm tới hơn 150 thành viên hiện nay.
Adidas cũng sẽ bắt đầu thực hiện bản hợp đồng 1,82 tỷ đôla thời hạn 10 năm để được cung cấp trang phục thi đấu cho Man Utd kể từ ngày 1/8 tới. Trong khi đó, Adidas chỉ phải trả cho Chelsea 473 triệu đôla để có hợp đồng cung cấp áo đấu trong vòng 10 năm.
Theo báo cáo tài chính mùa 2013-14 của Man Utd, riêng doanh thu thương mại của họ (300 triệu đôla) đã hơn hẳn toàn bộ doanh thu (gồm nguồn thu từ các ngày có trận đấu, thu nhập từ truyền thông và thương mại) của các đội khác ở Ngoại hạng Anh cộng lại, trừ Chelsea, Arsenal, Man City và Liverpool.
Những nguồn thu khổng lồ đó cho phép họ dễ dàng quyết định sa thải Moyes và nhóm trợ lý của HLV này với khoản đền bù 8,2 triệu đôla, đồng thời không gặp vấn đề gì lớn khi mất khoản tiền 79 triệu đôla vì không được dự Champions League mùa này. Cùng lúc đó, họ có thể duyệt những khoản chi lớn cho Louis van Gaal mua sắm ở mùa hè năm ngoái, và hướng tới những bản hợp đồng tăng cường đội hình mùa hè này, trong đó đã có thương vụ chiêu mộ cầu thủ chạy cánh Memphis Depay từ PSV Eindhoven với giá ít nhất là 38 triệu đôla.
Sức hấp dẫn toàn cầu lớn
Theo kết quả của cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường Kantar tiến hành, Man Utd có tới 659 triệu người theo dõi trên toàn thế giới. Gần một nửa số đó (khoảng 325 triệu) sống ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Mỹ đã được xác định sẽ là thị trường thương mại lớn của Man Utd trong tương lai, do có sự quan tâm ngày càng tăng đối với giải Ngoại hạng Anh, một phần nhờ vào tầm phủ sóng rộng của mạng lưới truyền hình NBC
Man Utd cũng đã có và tiếp tục thương thảo các hợp đồng thương mại ở hơn 150 quốc gia. “Nhiều CLB khác cũng đang học tập cách làm của chúng tôi. Nhưng đó không thể là tất cả. Bởi họ không giống chúng tôi, không có thương hiệu Man Utd”, một thành viên của Man Utd phát biểu.
Trước đó, theo khảo sát của công ty Sport+Markt của Đức vào năm 2011, Man Utd có lượng cổ động viên trên thế giới vào khoảng 354 triệu, đứng trên Chelsea (135 triệu), Arsenal (113 triệu), Liverpool (71) và Man City (18).
Mô hình sở hữu: đơn giản nhưng được ưa thích
“Họ, nhà Glazers, không phải là những ông chủ nổi tiếng, nhưng họ chọn cách đứng ngoài con đường chuyên môn để tạo cơ hội cho HLV làm tốt nhất công việc của mình. Có rất nhiều hoài nghi xung quanh họ, nhưng họ đã có một chiến lược đơn giản, và nó đã mang lại hiệu quả trong công việc", một nguồn tin nội bộ Man Utd cho hay.
Chính cựu HLV Ferguson cũng từng nói rằng ông thích mô hình chủ sở hữu trực tiếp mà nhà Glazer tạo dựng ở Man Utd, sau khi ông từng phải chịu đựng những khó khăn khi làm việc thời Man Utd còn hoạt động với sự quản lý của công ty đại chúng.
Sự phản đối: 'giá trị của CLB bị xói mòn vì lợi ích cá nhân'.
"Tôi tin chắc rằng vụ mua lại Man Utd đó là tin xấu cho CLB, và tới giờ tôi vẫn cho là vậy", Andy Walsh, giám đốc của FC United, phát biểu. Câu lạc bộ FC United do nhóm các cổ động viên bất mãn thành lập vào năm 2005 để phản đối gia đình Glazers, những người mà họ cho là đã tạo ra gánh nặng nợ nần tại Man Utd thời gian qua.
Bất chấp những phản đối, sự kết hợp giữa giá trị thương hiệu, truyền thống của Man Utd với cung cách quản lý kiểu Mỹ của nhà Glazers vẫn đang cho kết quả tốt đẹp. |
Andy Walsh nói thêm: “Đúng, đã có những thành công tiếp theo trên sân cỏ. Nhưng Man Utd đã suy giảm nhiều giá trị vì sự can thiệp của nhà Glazers. Những giá trị truyền thống, bản sắc mà Man Utd đã tạo dựng từ tận những năm 1930, 1940, 1950 đã phai nhạt dần vì lợi nhuận kinh tế, vì lợi ích cá nhân của riêng gia đình Glazer”.
Các cuộc biểu tình phản đối phần lớn đã chìm vào im lặng, nhưng hình ảnh của nhà Glazers trước đông đảo người hâm mộ Man Utd vẫn thiên về mặt tiêu cực. Có nguồn tin khẳng định rằng tỷ phú Malcolm Glazer, đã qua đời hồi tháng 5/2014, chưa một lần đặt chân tới sân Old Trafford sau khi gia đình ông thâu tóm Man Utd.
Nguyễn Phát