Trước đây, khi Barca thi triển một thứ bóng đá tốc độ, liên tục pressing cường độ cao, áp đặt thế trận tấn công dựa trên những đường chuyền ban ngắn và nhuần nhuyễn, Busquet được xem là trung tâm trong lối chơi của đội bóng xứ Catalan. Nhưng kể từ khi Luis Enrique lên nắm quyền và tiến hành "cách mạng" ở sân Nou Camp, vai trò của Busquet có phần giảm sút. Thậm chí, nhiều điểm yếu của tiền vệ 28 tuổi này bị phơi bày ngày một rõ ràng hơn.
Với Enrique, Barca đang vận hành một lối chơi nhanh hơn, trực diện hơn và hiệu quả hơn. Những đường bóng dài hay phòng ngự phản công không còn là “tội lỗi” như dưới thời Pep Guardiola nữa. Và điều đó lý giải vì sao dù không toàn diện bằng Busquet, Mascherano lại cho thấy anh phù hợp với triết lý của HLV Luis Enrique hơn tiền vệ người Tây Ban Nha.
Sự khác biệt. Điểm khác nhau rõ ràng nhất giữa hai cầu thủ này là ở cách chuyền bóng. Dưới triều đại Guardiola, Busquet có xu hướng mở bóng ra biên thay vì thực hiện những đường chuyền đột biến lên tuyến trên, tạo cơ hội cho đồng đội.
Mascherano ngược lại, không hướng tới sự cầu toàn, mà thường “phất” những đường chuyền vượt tuyến. Điều này phù hợp hơn với lối chơi trực diện, chuyền quả bóng lên cho các tiền đạo một cách nhanh nhất mà HLV Luis Enrique đang theo đuổi. Những đường chuyền của Mascherano, dù độ chính xác có thể không bằng Busquet, có khả năng gây đột biến rất lớn nếu nó tìm tới được vị trí của các siêu sao tấn công.
So sánh xu hướng chuyền bóng dài của Mascherano và Busquet. Ảnh: 442. |
Bộ đôi cầu thủ của Barca còn cho thấy sự khác biệt rõ ràng trong tư duy vị trí khi được giao một vai trò giống nhau. Điều này là hệ quả của sự khác nhau trong tương quan so sánh kỹ năng của hai cầu thủ. Busquet phiêu lưu hơn, thích nhận bóng ở khu vực tranh chấp quyết liệt gần với hàng tiền đạo và thường tự tin vào khả năng cầm bóng để kiểm soát thế trận. Mascherano thì ngược lại, rất cẩn trọng. Anh thường lùi sâu về gần hàng hậu vệ, nơi có đủ khoảng trống và thời gian cho anh xử lý bóng.
Enrique yêu cầu bộ tứ vệ phải thường xuyên dâng cao. Việc có một tiền vệ như Mascherano, lùi sâu đóng vai trò như “mỏ neo”, đồng thời bọc lót cho hai hậu vệ cánh Jordi Alba hoặc Daniel Alves là điều rất hữu ích.
Ngoài ra, trong một hệ thống luân chuyển bóng trải rộng trên khắp mặt sân, các hậu vệ cánh và bộ đôi trung vệ mới là người tham gia nhiều nhất vào việc kiểm soát thế trận (đứng đầu là Jordi Alba với trung bình 74,6 đường chuyền bóng mỗi trận). Chính vì vậy, Busquet không còn giữ vai trò trung tâm trong việc điều tiết lối chơi từ tuyến dưới. Thay vào đó, anh tập trung hơn vào nhiệm vụ đánh chặn từ xa.
So sánh vị trí nhận bóng của hai cầu thủ. Ảnh: 442. |
Thực tế cho thấy, Busquet khó có thể đảm đương vai trò của một “mỏ neo” có lối chơi cơ bắp thuần túy. Barca áp dụng lối chơi nhanh và trực diện cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ phải thường xuyên đối mặt với những pha “phản đòn” vỗ mặt của đối phương. Điều này khiến cho tiền vệ mang áo số 5 nhiều lần gặp khó khăn trong việc kiểm soát khu trung tuyến. Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao hệ thống phòng ngự của Barca chưa thể vận hành được như ý muốn.
Mascherano là giải pháp?
Cách phòng ngự của Barca đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, Barca lấy tấn công làm phòng ngự, gây sức ép liên tục định hướng theo trái bóng. Khi mất quyền kiểm soát bóng, họ lập tức áp dụng nguyên tắc "sáu giây" (trong vòng 6 giây kể từ khi mất bóng, bằng mọi cách phải đoạt lại. Nếu không, cần ngay lập tức quay về phòng ngự). Các cầu thủ luôn giữ một vị trí rất gần nhau để đảm bảo thực hiện thành công triết lý này.
Còn dưới thời của HLV Luis Enrique, ông đã gần như từ bỏ lối phòng ngự khu vực trước đây để chuyển sang phương pháp một kèm một. Trong hai hậu vệ cánh, sẽ chỉ có một người được phép dâng cao, người kia phải ở lại để sẵn sàng bọc lót.
Và mỗi khi Alves lên tham gia tấn công, khoảng trống sau lưng anh luôn là nỗi ám ảnh đối với Luis Enrique. Alves tỏ ra chậm chạp do áp lực tuổi tác đang dần đè nặng, và anh cần có người để bọc lót. Mặt khác, Ivan Rakitic cũng ít được tự do hoạt động hơn do thường phải hỗ trợ cho Alves, làm giảm đi tốc độ triển khai bóng của Barca.
Busquets hay Mascherano, dù có khác biệt trong cách chơi, đều là những “hậu phương thầm lặng” của Barca. Ảnh: 442. |
Trong bối cảnh đó, cái tên Mascherano chính là biện pháp để giải phóng cho tiền vệ người Croatia, giúp anh được chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tấn công khi phía sau đã được bao bọc chắc chắn.
Đã có lúc, Mascherano tưởng như không còn tương lai ở Nou Camp. Từ một tiền vệ phòng ngự hàng đầu thế giới, anh phải chấp nhận lui về đá ở vị trí…trung vệ do không cạnh tranh nổi với Busquet. Nhưng kể từ khi Luis Enrique đến và tiến hành một cuộc “cách mạng”, mạo hiểm với những ý tưởng chiến thuật hoàn toàn mới thì vai trò của Mascherano đã thực sự hồi sinh.
Trên thực tế, Mascherano hiếm khi được sử dụng với vai trò tiền vệ phòng ngự, nhưng mỗi khi được trao cơ hội, anh đều thể hiện rất tốt. Thống kê cho thấy, trong 1674 phút thi đấu (tính riêng ở Laliga) của tiền vệ người Argentina từ đầu mùa giải đến giờ, anh có trung bình 67,1 đường chuyền mỗi trận, trong đó có đến 53,1 đường chuyền trực diện lên phía trước. Đối với Busquet, con số lần lượt chỉ là 64,8 và 42, 6. Số liệu đó cho thấy, khi có Mascherano trong đội hình, lối chơi của Barca nhanh hơn, cơ động và linh hoạt hơn.
So sánh khả năng phòng ngự của Mascherano và Busquet (x – tắc bóng thành công, o – phá bóng, ^ – tranh chấp bóng bổng thành công, hình kim cương – đánh chặn). Ảnh: 442. |
Ở khía cạnh phòng ngự, những con số thống kê của cựu cầu thủ Liverpool còn ấn tượng hơn. Với trung bình 2,6 cú tắc bóng thành công và 1,76 pha đánh chặn so với 2,2 pha tắc bóng và 1,5 pha đánh chặn của Busquet, Mascherano thực sự là “chốt chặn” đáng tin cậy cho các đồng đội ở tuyến trên.
Sự vắng mặt của Busquet không có biểu hiện gì là một bài toán khó với Luis Enrique, bởi ông đã có trong tay lời giải mang tên : Mascherano.
Anh Dũng