HLV Miura đang đối diện với một làn sóng phản đối lớn chưa từng có kể từ khi ông đến Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng. |
Trong tuần qua có một sự kiện trọng đại của nền bóng đá nhỏ San Marino. Đó là sau 14 năm, trải dài qua 34 trận và 3.060 phút thi đấu, rốt cục họ cũng ghi được một bàn trên sân khách. Chỉ cần con số thống kê ấy, đủ thấy đội tuyển San Marino yếu kém thế nào. Nhưng họ có niềm hạnh phúc của đội yếu. Nhìn cái cách ăn mừng của đội bóng gồm toàn những cầu thủ nghiệp dư ấy, có cảm tưởng họ vừa ghi bàn trong trận chung kết World Cup.
Đấy là niềm vui thuần phác của một kẻ biết mình đang ở đâu trên thế giới. Còn ở Việt Nam, câu chuyện vị thế của nền bóng đá nước nhà có lẽ là đề tài muôn thuở. Hỏi hoa, hoa chẳng nói; hỏi mây, mây lặng đứng; hỏi gió, gió ngập ngừng; hỏi nắng, nắng ngại ngùng; hỏi quan, quan né; hỏi lính, lính làm ngơ.
Người ta đòi sa thải HLV Toshiya Miura chỉ vì đội tuyển thắng không đẹp trước Đài Loan, làm “mất mặt” một nền bóng đá, làm mất thời gian theo dõi của hàng triệu CĐV nước nhà... HLV Jose Mourinho nếu sang đây làm việc, chắc cũng sẽ sớm từ chức vì áp lực. Bởi, ngỡ đâu chỉ những đội bóng lớn mới mưu cầu đá đẹp, nào ngờ một đội bóng nhỏ như Việt Nam cũng muốn phải đá trên chân mọi đối thủ. Người hâm mộ không quan tâm đội bạn là ai, đá có hay không, có chiến thuật hợp lý không, họ chỉ biết rằng đội nhà đá không hay và lập tức lôi HLV lên đoạn đầu đài.
Có một thực trạng trong bóng đá Việt Nam là thắng thì tung hô, thua thì dìm chết. Ảnh: Đức Đồng. |
Miura, cũng như biết bao HLV nước ngoài làm việc cho Việt Nam trước đây, đều là người làm thuê. Ông ta nhận trách nhiệm cầm đội tuyển và tìm kiếm những kết quả tốt nhất trong khả năng. Với những con người hiện tại của bóng đá Việt Nam, một nền bóng đá mang nặng văn hóa xin-cho và "võ cổ truyền", chiến thuật phòng ngự phản công là một con đường hợp lý, chí ít là với Miura. Trong bóng đá, phòng ngự luôn dễ hơn tấn công. Miura chọn một con đường dễ, nó giúp ông giành được những kết quả tức thời khi vừa sang Việt Nam, như giúp đội U23 đi tiếp với ngôi đầu bảng ở ASIAD, đưa đội U23 lần đầu vào vòng chung kết giải châu Á… Khi ấy, ông được tung hô như một trong những HLV tài ba nhất từng làm việc ở Việt Nam. Vậy mà, nhanh như một cái trở bàn tay, cách nhìn về chính HLV ấy thay đổi.
Một ca sĩ đăng đàn chỉ trích Miura vì không gọi Công Phượng vào đội tuyển. Một vị quan chức, không biết có phải vì bức xúc chuyện Miura không triệu tập quân của ông hay không, chê bai đó là một HLV kém và ngày nào còn ông ta trên ghế huấn luyện, ngày ấy bóng đá Việt Nam không ngóc đầu lên nổi. Trong quá khứ, chính vị này từng tỏ ý muốn mời Miura về làm việc với đội bóng của ông.
Có lẽ chẳng ở đâu như Việt Nam, người ta sẵn sàng dìm một HLV xuống bùn chỉ vì ông ta không gọi cầu thủ của một đội đang tranh... trụ hạng. Người ta dễ dàng ảo tưởng về sức mạnh của một đội bóng trẻ, trong khi từ bóng đá trẻ lên bóng đá chuyên nghiệp là đoạn đường xa hơn từ Việt Nam sang... Nhật Bản. Nhiều người quy chụp một HLV làm đội tuyển suy yếu nhưng quên mất là giải vô địch quốc gia của nước mình... yếu xìu. Muốn có một đội tuyển mạnh, phải có một giải đấu mạnh - mà Thái Lan là ví dụ gần nhất về mặt địa lý, phải có nền móng vững vàng và chiến lược rõ ràng. Một chục năm sau khi HLV Alfred Riedl chê bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc, chúng ta vẫn đang miệt mài… lợp mái, đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và thay đổi HLV vì những mục tiêu manh mún ấy.
Niềm tin và lý trí là điều cần đối với bóng đá Việt Nam lúc này. Ảnh: Đức Đồng. |
Và vì cách làm lớt phớt ấy, đội tuyển Việt Nam bây giờ là một con bệnh trầm kha. Chúng ta thuê HLV cũng theo... cảm tính. Anh có, Pháp có, Đức có, Brazil có, Bồ Đào Nha có, Áo có, Nhật Bản có. Có lẽ chỉ cần thêm HLV người Australia và một HLV châu Phi nữa là đủ bộ sưu tập vòng quanh thế giới. Mỗi người đến lại nhồi đội tuyển theo một con đường khác. Vừa quen kiểu Anh lại sang kiểu Pháp, đang bóng ngắn chuyển sang bóng dài, đang phòng ngự khu vực chuyển sang kèm người. Trong kiếm hiệp, kiểu đó dễ dẫn đến tẩu hỏa nhập ma.
Giải pháp tối ưu của một cơ thể khỏe mạnh phải là tập thể dục, tăng sức đề kháng. Sức khỏe là gốc, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bóng đá trẻ phải là nền đất, V-League là gốc và đội tuyển mới là ngọn. Chúng ta tự hạn chế mình rồi sinh ra ảo tưởng. Người Nhật Bản dạy con cháu họ là quốc gia rất nghèo, động đất liên miên, phải liệu cơm gắp mắm và yêu quý những điều nhỏ nhặt nhất. Người Việt dạy con cháu mình tài nguyên phong phú, tiềm năng màu mỡ nhưng rốt cuộc… vẫn chậm phát triển.
Đừng nói là Miura, có thay bằng Miu-vô hay bất kỳ ai thì đội tuyển Việt Nam cũng khó phát triển trong tình trạng "tẩu hỏa nhập ma" hiện nay. Có người nói rằng hãy sa thải Miura đi và họ sẽ thuê thầy mới cho tuyển Việt Nam. Nhưng, chúng ta đâu cần thầy giáo, chúng ta cần... thầy thuốc, để chữa căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt Nam là ảo tưởng và... cận thị.
Hoài Thương