Man Utd đang lâm vào cảnh tứ bề thọ địch. Chelsea bất ngờ nẫng trên tay tiền đạo Pedro, trong khi Man City mau chóng chốt hợp đồng với Nicolas Otamendi. Phó Chủ tịch Ed Woodward được xưng tụng hồi đầu mùa hè bỗng chốc ngẩn ngơ giữa chợ đời. Bây giờ Man Utd mà nhắm ai, có lẽ Arsenal sẽ vớt luôn người ấy.
Man City ký với Otamendi giá 48,5 triệu đôla dù không thật sự cần trung vệ này. Eliaquim Mangala, người mà mới mùa trước đã khiến họ phải tốn đến 50 triệu đôla để kéo về từ Porto, đang chơi ăn ý bên cạnh thủ quân Vincent Kompany. Họ vẫn còn đó Martin Demichelis và trung vệ trẻ đầy triển vọng Jason Denayer. Vậy Man City mua Otamendi làm gì? Có thể nói, chỉ để Man Utd không có được hảo thủ này mà thôi.
Nhưng, việc Man City chi ngót cả trăm triệu đôla cho hai trung vệ tầm cỡ Mangala và Otamendi chính là ví dụ tiêu biểu cho sự biến ảo của thị trường chuyển nhượng. Ngày xưa chỉ với 47 triệu đôla, Man Utd đã có được trung vệ hay nhất nước Anh và hàng đầu châu Âu thời bấy giờ là Rio Ferdinand. Với 76,7 triệu đôla Real Madrid có được Zinedine Zidane, trong khi với con số này Man City bây giờ chỉ có được Raheem Sterling.
Ramos, ở tầm siêu sao, chọn ở lại La Liga. Ngoại hạng Anh chỉ có thể tranh nhau những món hàng ở trên mức bình dân, nhưng chưa đạt tới tầm xa xỉ như Otamendi hay Pedro. |
Túi tiền rủng rỉnh từ bản quyền truyền hình đang biến các đội bóng nước Anh thành những gã trọc phú chính hiệu trên sàn chuyển nhượng. Riêng hè này, có đến bảy CLB xứ sương mù phá kỷ lục chuyển nhượng. Bên cạnh Man City mua Sterling, còn có Liverpool chiêu mộ Christian Benteke, Crystal Palace mua Yohan Cabaye, Leicester mang về Shinji Okazaki hay Watford sắm Etienne Capoue.
Thế nhưng có một điều không thể phủ nhận, Ngoại hạng Anh chỉ có thể mua được dạng cầu thủ "hạng hai", chứ hàng thượng hạng thì họ rất khó tiếp cận. Stoke City có thể chiêu dụ Xherdan Shaqiri với mức lương cao gấp ba lần con số mà anh hưởng tại Inter, nhưng không đủ tuổi để lôi kéo dạng ngôi sao đang lên như Mateo Kovacic. Trong khi đó chỉ với một tiếng hô, Kovacic khăn gói chạy sang Real, chấp nhận viễn cảnh phải làm dự bị cho Luka Modric và Toni Kroos.
Những ngôi sao sáng nhất đến Ngoại hạng Anh mùa này và những mùa trước thực chất đều là "hàng dạt" của La Liga. Mesut Ozil, Angel di Maria, Alexis Sanchez, Cesc Fabregas... sang Anh chỉ vì Real Madrid và Barcelona đã chán họ. Man Utd mua nhiều tân binh chất lượng thật, nhưng trừ Bastian Schweinsteiger là "hàng hiệu", còn lại là những cầu thủ thuộc thương hiệu dành cho giai cấp... trung lưu. Mà ngay cả Schweinsteiger sang Man Utd cũng bởi vì anh đã hết động lực tại Bayern, đồng thời không còn được Pep Guardiola ưa chuộng. Một ví dụ khác là Arturo Vidal - người cả Man Utd lẫn Arsenal đều rất thích - đã chọn Bayern, chứ không sang Ngoại hạng Anh, sau khi rời Juventus.
Bayern nói riêng và Bundesliga nói chung thua xa Ngoại hạng Anh về độ hào nhoáng, nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn Vidal, siêu sao mà nhiều ông lớn ở xứ sương mù thèm khát theo đuổi. Ảnh: AFP. |
Một minh chứng rõ ràng khác: Man Utd không cách gì chiêu mộ được Sergio Ramos của Real dù tốn cả mùa hè ngược xuôi. Trái lại, Ramos dùng chính sự quan tâm ấy để mặc cả hợp đồng mới với Real. Sau khi hụt Ramos, Man Utd chuyển hướng sang Pepe. Cứ đà này đến cuối mùa hè, có lẽ họ sẽ hỏi thăm cả... hậu vệ trẻ Nacho của đội chủ sân Bernabeu.
Tại Champions League mùa trước, các đại diện Ngoại hạng Anh sạch bóng từ vòng tứ kết. Các đại gia xứ sương mù "hổ báo" trong nước thế nào không biết, nhưng khi ra sân chơi châu Âu, họ chỉ còn là những chú cừu non tội nghiệp. Đấy là vì họ không thật sự có những cầu thủ hàng đầu. "Những món hàng thượng đẳng" đó đã không có nhiều để mua, mà còn luôn ưu tiên cho sự nghiệp hơn bạc tiền. Toni Kroos chọn Real chứ đâu chịu sang Man Utd hè năm ngoái.
Trong khi đó, ngôi sao hàng đầu Premier League thì luôn hướng về La Liga với tất cả sự thèm khát. Luis Suarez và Gareth Bale - hai cầu thủ từng đoạt giải Cầu thủ hay nhất mùa ở Anh - đang trong biên chế Real, Barca. Trước đó, nỗ lực năn nỉ của Sir Alex Ferguson cũng chỉ giữ được sự chung thủy của Cristiano Ronaldo thêm một năm. Thế thì sắp tới, Chelsea sẽ giữ Eden Hazard - Cầu thủ hay nhất Ngoại hạng Anh mùa 2014-2015 - được bao lâu?
Sau Bale là Suarez, những ngôi sao sáng nhất của Ngoại hạng Anh đều tháo chạy, để gia nhập La Liga. |
Rồi mùa hè ồn ào này sẽ khép lại, có thể Chelsea sẽ phá kỷ lục cho John Stone - trung vệ trẻ mà họ tin là sự thay thế xứng đáng cho John Terry. Có thể Man Utd, sau khi mất hai "con mồi" về tay đối thủ, sẽ tất tả chiêu mộ thêm bom tấn. Nhưng khi phiên chợ hè này khép lại, Ngoại hạng Anh sẽ còn lại gì? Khi ra châu Âu họ có thể đương cự với các đại diện hùng mạnh của La Liga, Bundesliga không?
Đẳng cấp một đội bóng và một giải đấu là thứ mà tiền, thậm chí rất nhiều tiền, cũng không mua được.
Thủy Tiên