Ngoại hạng Anh: Khi người giàu cũng khóc ở Champions League

Ngày đăng 19/03/2015 05:00

Barca đã có thể thắng Man City đậm hơn rất nhiều chứ không dừng lại ở tỷ số 1-0 ở trận lượt về vòng 1/8 giữa tuần qua để xát thêm muối vào nỗi đau của Ngoại hạng Anh. Nhưng trong một buổi tối chứng kiến việc các đại diện của giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới này chính thức sạch bóng tại tứ kết Champions League, cái kết, dù được dự đoán trước, vẫn khiến các CĐV đau lòng.

Nhận xét rằng các đội bóng của Ngoại hạng Anh đang chơi dưới sức ở đấu trường châu Âu không chỉ mới xuất hiện, nhưng đến nay có lẽ chẳng ai còn có thể phản bác lại. Với một quốc gia luôn tự hào với tư duy làm bóng đá hiện đại và đi tiên phong trong lĩnh vực tiếp thị thể thao, hiện thực ấy là một cái gì đó khó tha thứ.

Thất bại của Man City (áo xanh) trước Barca đã được dự doán từ trước nhưng vẫn khiến người hâm mộ chạnh lòng vì nó đánh dấu thất bại toàn diện của các đội bóng Anh. Ảnh: Reuters.

Trong nền công nghiệp bóng đá hiện nay, bạn có thể đi đầu trong các mô hình kinh doanh, kiếm bộn tiền từ kinh doanh bản quyền truyền hình trên khắp thế giới. Nhưng nó chẳng có nghĩa lý gì khi bạn không chơi tốt trên sân. Đó có thể xem là một điều tuyệt vời mà bóng đá mang lại. Là giải đấu sinh lời nhất châu Âu - thoạt nghe có vẻ tốt, nhưng khi xem lại màn trình diễn của các đội bóng Ngoại hạng Anh ở vài mùa giải gần đây, điều đó thật nực cười.

Trong một thập kỷ qua, đã có 20 lần các CLB Ngoại hạng Anh lọt vào tứ kết của Champions League, ba lần trong số đó, họ vô địch giải đấu này. Một trong ba đội, Man Utd năm 2008, giành chiến thắng trước một đội đồng hương. Nhưng hình ảnh của các đội bóng Anh trong khoảng ba năm trở lại đây giống như những anh nông dân, khi rời xa đám ruộng thân quen của mình liền nghệt mặt ra trước những trận cầu lớn.

Tinh thần chiến thắng của các đội bóng Anh xuống trầm trọng. Tiêu biểu trong số đó là Arsenal, một đại diện cho văn hóa tận hưởng vinh quang trong thất bại. Trong bốn năm liên tiếp tham dự vòng 16 đội của Champions League, họ đặt bản thân vào thế phải rượt đuổi đối thủ trong trận lượt về. Trong sức ép của việc gỡ gạc lại thể diện sau thất bại ở trận lượt đi, thầy trò Arsene Wenger mới chịu chơi thứ bóng đá mà họ cần phải chơi khi bữa tiệc đã tàn.

Nhưng Arsenal sẽ lại kết thúc mùa giải trong nhóm bốn đội dẫn đầu và họ lại vui mừng vì chiến công tầm thường đó. Mùa giải tới, họ có thể lại vượt qua vòng bảng Champions League rồi tiếp tục đóng băng trong sức ép của vòng knock-out. Đó là con đường của Arsenal, và trên thực tế, đó cũng là con đường mà các đội bóng Anh đang đi.

Arsenal-5350-1426810842.jpg

Arsenal (áo xanh) là đại diện tiêu biểu cho lối chơi chủ quan và thiếu sự quyết tâm của các đội bóng Anh ở sân chơi Champions League. Ảnh: AFP.

Chelsea là đại diện Ngoại hạng Anh được kỳ vọng nhiều nhất ở Champions League năm nay, trước khi bị 10 người của PSG hất cẳng ở lượt về. Họ chỉ có thể đổ lỗi cho sự ngây thơ đến ngạc nhiên của bản thân. Trong khi đó, Man City vẫn chỉ là một đội bóng chưa thể đạt tầm đại gia trên bình diện châu Âu. Nỗ lực của Liverpool ở cả Champions League và Europa League thậm chí còn đáng thương hơn.

Ở hai mùa giải 2007-2008 và 2008-2009, Ngoại hạng Anh góp mặt đầy đủ bốn đại diện ở tứ kết Champions League. Khi ấy, người ta nói về những trận chung kết toàn Anh và rằng Ngoại hạng Anh sẽ sớm thống trị châu Âu. Nhưng ước mơ đó, đến nay đã cho thấy sự viển vông của nó.

Hôm qua, Everton đá lượt về vòng 1/8  Europa League trên sân của Dinamo Kiev và thảm bại 2-5, khiến Ngoại hạng Anh không còn bất kỳ đại diện nào ở hai Cup châu Âu mùa này.

Thậm chí, các giải đấu không được đánh giá cao như giải vô địch Bồ Đào Nha hay Italy đều có đại diện góp mặt ở tứ kết Champions League. Với Serie A, điều kiện tài chính bấp bênh hiện nay của các đội bóng không tạo tiền đề cho những chiến thắng. Thất bại của các đội bóng Ngoại hạng Anh vì thế càng đáng chê trách.

Nhưng với một số ông chủ, họ sẽ vẫn chú tâm tới các giải đấu châu Âu chừng nào chúng còn mang lại khoản lợi nhuận kếch xù cho họ. Trong tâm trí của những người này, Champions League là thứ để duy trì niềm tin rằng Ngoại hạng Anh vẫn là giải đấu hàng đầu và sẽ nhiều người bỏ tiền ra chỉ vì niềm tin đó mà dễ dàng quên đi những màn trình diễn thảm hại ở đấu trường châu Âu.

Liverpool-8933-1426810842.jpg

Ngoại hạng Anh đang dần trở thành một thứ sản phẩm giải trí hơn là một giải đấu chất lượng. Ảnh: AFP.

Khi gói bản quyền truyền hình trị giá 7.5 tỷ đôla kích hoạt vào năm 2016, sẽ có nhiều lý do hơn để bào chữa cho thất bại của các đội bóng Anh tại châu Âu bằng cái mác giải đấu giàu có nhất thế giới.

Bóng đá Anh đang dần trở thành một sản phẩm chứ không còn là thi đấu thể thao, khi kết quả không còn được đề cao và thất bại ở Cúp châu Âu không có gì đáng ngại. Nếu cứ đi con đường như vậy, thì chẳng có ma quỷ nào xui khiến, Ngoại hạng Anh vẫn sẽ tiếp tục trắng tay ở Champions League thêm nhiều năm nữa.

Quang Huy