Open Championship 2015: Trở về thánh địa của golf

Ngày đăng 15/07/2015 04:30

Spieth được đánh giá là ứng viên sáng nhất của giải. Ảnh: Reuters.

Không giống như ba giải major còn lại, The Open là giải major duy nhất diễn ra bên ngoài nước Mỹ, luôn được coi là một giải đấu hội tụ tất cả những cung bậc cảm xúc, những kịch tính cần thiết nhất. Trong đó yếu tố thiên nhiên và dĩ nhiên, thời tiết đóng vai trò không kém phần quan trọng. Thậm chí, từng có nhận xét cho rằng ở The Open các golf thủ không chỉ phải trải qua bài kiểm tra khó nhất về khả năng mà còn phải vượt qua một bài kiểm tra không kém phần nghiệt ngã là yếu tố tự nhiên.

Thông tin giải đấu
- Thời gian: 16-19/7/2015
- Địa điểm: CLB St.Andrews, Scotland
- Chiều dài sân golf: Par 72 (7.297 yards)
- Đương kim vô địch: Rory McIlroy
- Tổng số tiền thưởng: 10 triệu đôla (tăng 1,42 triệu đôla)
- Tiền thưởng nhà vô địch: 1,8 triệu đôla, tăng 275.000 đôla

Đã có những ý kiến cho rằng, nếu trời không có mưa, gió và lạnh thì đó không phải là giải The Open thực sự.

Hai chiến thắng của golf thủ quá cố người Tây Ban Nha Seve Ballesteros đã cho thấy, sân chơi này có thể mang đến niềm vui tột độ cũng như nỗi thất vọng đến tột cùng. Những gì đã diễn ra năm 2012 tại sân Royal Lytham & St Annes Golf Club nơi Ernie Els bất ngờ lên ngôi vào phút cuối cùng, hoặc mùa giải 2013, nơi Phil Mickelson không được đánh giá cao trước giải những đã lội ngược dòng ngoạn mục giành chiến thắng tại vòng cuối... càng cho thấy những dự đoán không phải là một ý kiến hay tại giải The Open.

3-9673-1437037021.jpg

Mưa, gió và địa hình thi đấu khó khăn là đặc sản của Open Championship. Ảnh: Reuters.

Trong lịch sử 155 năm tồn tại, The Open diễn ra luân phiên tại các sân khác nhau nằm trong khối Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (diễn ra hầu hết tại Anh và xứ Scotland, duy nhất một lần tại Bắc Ireland).

Khác với những sân đăng cai US Open, nơi có sự thách thức đặc biệt được tạo ra nhờ vào yếu tố nhân tạo, những sân chủ nhà của The Open còn khó khăn hơn nhờ có thêm yếu tố tự nhiên cùng đồng hành. 

Đặc điểm của các sân golf đăng cai luôn là những sân golf dạng Links (sân nằm sát biển), nơi thường có sẵn “đặc sản” là gió và mưa.

Trước khi giải đấu diễn ra, ban tổ chức đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả năm trời nhằm tạo thêm độ khó: cỏ rough cao, fairway không hề bằng phẳng với cả trăm bunker, trong đó có những bunker sâu, dựng đứng (kiểu giếng) rải rác khắp sân.

Quê hương của Golf

Được thành lập vào năm 1551, sân Old Course (thuộc CLB St.Andrew) luôn được coi là mảnh đất lưu giữ những giá trị truyền thống của golf trong suốt nửa thiên niên kỷ qua.

Tính đến giải đấu năm nay, CLB St.Andrews đã là chủ nhà của 29 mùa giải The Open - lần gần đây nhất vào năm 2010 với chức vô địch thuộc về golf thủ Nam Phi Louis Oosthuizen.

2-8549-1437037021.jpg

Cây cầu Swilcan nổi tiếng ở sân St. Andrew.

Sân golf này cũng là chứng nhân lịch sử không chỉ của môn thể thao golf mà còn là nơi ghi dấu ấn những nhà vô địch - những golf thủ tốt nhất trong thế hệ của họ: từ Costantino Rocca cho đến màn ăn mừng chiến thắng của Seve Ballesteros tại green số 18 hoặc màn chia tay của Jack Nicklaus trên cây cầu huyền thoại Swilcan.

Cho đến nay, giới mộ điệu hẳn vẫn không thể nào quên màn trình diễn đỉnh cao của Tiger Woods vào mùa giải 2000. Anh giành chiến thắng với 19 gậy dưới par, lập lên một kỷ lục mới của The Open, vượt qua thành tích (-18) của Sir Nick Faldo vốn đã duy trì 10 năm trước đó.

Liệu năm nay, Jordan Spieth có thể xô đổ kỷ lục do Tiger Woods đã nắm giữ suốt 15 năm qua hay không?

theo GolfPlusVietnam