Năm 2010, Quách Công Lịch đi thi nhảy cao tại giải Phổ thông trung học tỉnh Thanh Hóa. Dù không được giải, cậu bé sinh ra tại huyện nghèo Ngọc Lặc vẫn lọt vào mắt xanh của các thầy cô nhờ thể hình ấn tượng, được tới tận nhà xin cho lên thành phố ăn tập chuyên nghiệp.
“Sau hai năm ăn tập nhảy cao, đến tháng 2/2012 thầy Lưu Văn Hùng, HLV trưởng điền kinh Thanh Hóa, đề xuất chuyển tôi sang chạy. Thầy muốn tôi đi tập huấn cự ly 400 mét cùng Quách Thị Lan với hy vọng hai anh em cùng kéo nhau lên”, Quách Công Lịch chia sẻ với VnExpress.
Đó là quyết định bước ngoặt trong sự nghiệp của Quách Công Lịch. Anh được gọi vào đội tuyển điền kinh Việt Nam, giành HC bạc SEA Games 28 và HC vàng Grand Prix châu Á tại Thái Lan vừa qua. Cũng nhờ điền kinh, chàng trai sinh năm 1994 bén duyên với “cô gái vàng” Nguyễn Thị Huyền - người vừa giành ba HC vàng SEA Games 28, hai HC vàng giải Grand Prix châu Á 2015 và suất dự Olympic 2016.
“Tôi biết Huyền thông qua em gái. Đi tập, thi đấu cùng nhau ở đội tuyển điền kinh nhiều, dần dần hai đứa mến nhau. Tôi yêu Huyền bởi cô ấy hiền lành, lại có nghị lực sống mãnh liệt”, Quách Công Lịch kể về câu chuyện tình được các đồng đội gọi là “đẹp nhất làng điền kinh”.
Nguyễn Thị Huyền sinh ra đã thiếu sự chăm sóc của cha, chỉ có tình yêu thương của mẹ. Kiếm được bao nhiêu tiền, cô gái sinh ra tại Ý Yên, Nam Định lại gửi về để phụng dưỡng mẹ già 60 tuổi và người chị sinh ra đã kém minh mẫn.
Quách Công Lịch bên em gái Quách Thị Lan (trái) và người yêu Nguyễn Thị Huyền. Ảnh: FBNV. |
“Yêu Huyền, tôi rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Huyền và Lan là đối thủ của nhau ở cả cự ly 400m và 400m rào. Khi họ thi đấu, tôi chẳng biết phải cổ vũ cho ai nữa. Hôm Huyền giành HC vàng 400m rào tại Singapore, cô ấy hỏi sao tôi không vui lắm. Tôi không biết trả lời thế nào bởi nếu tỏ ra hồ hởi thì biết ăn nói sao với em gái. Nhiều lúc bí quá, tôi chọn cách trốn, không cổ vũ ai cả”, Quách Công Lịch vừa cười vừa chia sẻ về cái khó xử của anh.
“Đổi lại, đôi khi tôi cũng được hưởng niềm vui hạnh phúc khi cả người yêu lẫn em gái động viên. Tại SEA Games 28, tôi đã dẫn đầu cự ly 400m nam nhưng cuối cùng chịu thua sự tinh quái của đối thủ Thái Lan ở mét đích cuối cùng và đánh mất tấm HC vàng tưởng nằm trong tầm tay. Trên xe về khách sạn, tôi đã bật khóc vì tiếc nuối. May lúc đó có cả em gái và người yêu động viên nên tôi mới bình tâm lại được. Tại giải Grand Prix châu Á vừa qua, cũng nhờ họ động viên mà tôi quên đi được nỗi ám ảnh trên đất Singapore để giành HC vàng ở chặng ba”.
Chạy trả nợ ngân hàng cho bố mẹ
Quách Công Lịch sinh ra trong một gia đình thuần nông, khó khăn ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Thương bố mẹ phải đội nắng mưa làm đồng, đi làm phụ hồ… ngay từ bé cứ sau buổi học anh lại tranh thủ đi chăn trâu, mò cua, bắt ốc để phụ giúp. Lịch từng mơ ước trở thành bác sĩ, sẽ có nhiều tiền để bố mẹ được an hưởng tuổi già nhưng cuối cùng chọn nghiệp vận động viên điền kinh để nhanh có tiền hơn.
Quách Công Lịch đang phấn đấu để giành vé dự Olympic 2016 tại Brazil cùng người yêu. Ảnh: Đức Đồng. |
“Tôi mới chạy chưa được bao lâu, năm nay mới có thành tích nên khoản tích góp chưa được nhiều. Gia đình vẫn phần lớn trông vào thu nhập của em gái Quách Thị Lan. Niềm hạnh phúc lớn nhất của anh em tôi là kiếm được khoản tiền nho nhỏ, giúp bố mẹ trả món nợ ngân hàng đã vay để sửa nhà, mua máy xát gạo... Chạy đã giúp gia đình tôi đổi đời. Nếu không có những đồng tiền kiếm được từ điền kinh, không biết đến bao giờ bố mẹ tôi mới trả được nợ ngân hàng bởi ở quê, làm nông giờ chẳng kiếm được bao nhiêu”, Quách Công Lịch chia sẻ.
Sau thành công tại SEA Games 28 và giải châu Á. Quách Công Lịch và Quách Thị Lan được về nhà nghỉ vài ngày. Niềm hạnh phúc của họ là được sà vào lòng bố mẹ, ăn những bữa cơm đạm bạc nhưng đầm ấm. Sắp tới, hai anh em sẽ sang Mỹ tập huấn dài hạn, với mục tiêu lấy vé dự Olympic 2016 tại Brazil.
Lâm Thỏa