Đây là kết quả thống kê của nhóm nghiên cứu bóng đá CIES Football Observatory, được tiến hành từ tháng 7/2012 cho tới nay. Nhóm này có trụ sở tại Thụy Sĩ, chuyên phân tích các số liệu về bóng đá.
Theo tính toán của CIES, chỉ trong năm 2014 Southampton đã có doanh thu khoảng 95 triệu đôla thông qua việc bán các ngôi sao do Học viện bóng đá trẻ của họ đào tạo: Calum Chambers (tới Arsenal), Luke Shaw (Man Utd) và Adam Lallana (Liverpool). Khoản tiền này chiếm tới gần 40 phần trăm tổng thu của 20 CLB Ngoại hạng Anh từ việc bán các cầu thủ trưởng thành từ học viện của họ trong khoảng ba mùa giải vừa qua.
Lallana (thứ hai từ trái sang), Shaw (giữa) và Chambers (phải) là những sao trẻ do Southampton tự đào tạo và bán với giá rất cao trong hè vừa qua. |
Thương vụ sinh lợi nhất trong số ba cầu thủ trên là việc chuyển nhượng Luke Shaw tới Man Utd với khoản phí lên tới gần 45 triệu đôla hồi mùa hè 2014. Ở tuổi 19, hậu vệ này trở thành cầu thủ tuổi teen đắt giá nhất của thế giới bóng đá, phá kỷ lục cũ của Wayne Rooney. Adam Lallana hiện giờ cũng đã trở thành một thành viên trụ cột trong đội hình của HLV Brendan Rodgers tại Liverpool, sau vụ chuyển nhượng 36 triệu đôla hồi mùa hè năm ngoái.
Trong top 20 các trung tâm bóng đá trẻ đạt lợi nhuận cao nhất của bóng đá châu Âu có sự góp mặt của các CLB hàng đầu, nhưng không phải ở các vị trí cao nhất: Real Madrid (thứ 6), Barcelona (thứ 7), Bayern Munich (12), Man Utd (13) và Paris Saint-Germain (14).
Trong khi đó, nhiều CLB hàng đầu của châu Âu đến từ hai giải Ngoại hạng Anh và Serie A đã bất ngờ vắng mặt trong top 20 học viện bóng đá trẻ: Chelsea, Arsenal, Juventus và Inter. Italy chỉ có hai đại diện thuộc nhóm 20 CLB có học viện đào tạo trẻ có lợi nhuận cao: Genoa (thứ 15) và Atalanta (thứ 17).
Arsenal từng nổi tiếng với chính sách đào tạo trẻ, nhưng nay cũng đi theo trào lưu mua các ngôi sao đã thành danh như Ozil. Ảnh: Reuters. |
Lille, Real Sociedad, Sevilla và Borussia Dortmund có các học viện bóng đá nằm trong top năm, đứng sau Southampton, cũng nhờ những khoản thu lớn thời gian gần đây.
Mario Gotze, tiền vệ tấn công trưởng thành từ lò đào tạo của Dortmund, là một phần không thể thiếu của CLB này trong chiến dịch vô địch Bundesliga 2012 trước khi được bán cho Bayern Munich một năm sau đó với mức phí 39 triệu đôla.
Trong khi đó, Eden Hazard, từng là học viên của Lille, giờ đã trở thành một thành viên quan trọng trong đội hình Chelsea của Mourinho. Ngôi sao người Bỉ gia nhập sân Stamford Bridge hồi năm 2012 với giá 46 triệu đôla.
Những thương vụ giá cao như Hazard đã giúp Ligue 1 của Pháp trở thành giải đấu có lợi nhuận cao nhất thông qua các hoạt động chuyển nhượng cầu thủ do các học viện đào tạo. Các CLB của giải này đã cùng nhau thu về tổng cộng tới 306 triệu đôla phí bán cầu thủ trẻ kể từ năm 2013, chiếm khoảng 27% tổng doanh thu của năm giải đấu lớn châu Âu từ việc bán các cầu thủ do chính các CLB đào tạo.
Hazard, trưởng thành ở Lille trước khi sang Chelsea, là sản phẩm tiêu biểu cho công nghệ đào tạo trẻ rồi bán của giải Ligue 1. Ảnh: Reuters. |
La Liga đứng thứ hai với tổng doanh thu 290 triệu đôla bán các cầu thủ học viên. Ngoại hạng Anh xếp thứ ba (238 triệu đôla), Bundesliga đứng thứ tư (171 triệu), trong khi Serie A đứng cuối nhóm năm giải hàng đầu châu Âu (với 119 triệu).
Nhóm CIES cũng thống kê xem những học viện nào đào tạo được nhiều cầu thủ nhất hiện chơi bóng ở một trong năm giải hàng đầu của châu Âu. Theo con số của năm 2014, Barcelona đứng nhất ở hạng mục này, với tất cả 43 cầu thủ đã đào tạo, trong đó có 13 thành viên hiện tại vẫn là người của sân Nou Camp. Đứng sau Barcelona là Real Madrid (33 học viên), Olympique Lyonnais (32) và Paris-Saint Germain (27). Top 10 theo hạng mục này cũng chứng kiến sự áp đảo của các đội thuộc Ligue 1 (Pháp) và La Liga (Tây Ban Nha), với Man Utd là đại diện duy nhất trong số các CLB của ba giải còn lại (Anh, Italy, Đức).
CLB nhà giàu Man City chỉ đào tạo được 12 cầu thủ hiện còn đủ sức chơi bóng ở các giải hàng đầu châu Âu, và trong số này chỉ còn đúng một cầu thủ trụ lại ở sân Etihad. Tình hình tương tự xảy ra tại Chelsea, với chỉ 12 cầu thủ do họ đào tạo còn hiện diện ở các giải hàng đầu châu Âu và chỉ một còn là người của CLB.
Nguyễn Phát