- Cơ duyên nào đưa Tiến Minh đến với cầu lông?
- Lúc còn bé, sức khỏe tôi không tốt nên gia đình quyết định cho đi tập thể thao. Tôi chọn môn cầu lông vì thấy có chút thích thú với môn này. Năm 9 hay 10 tuổi gì đó, trong một lần đi đấu giải, tôi bị thua một set 0-15. Cay cú, về tôi quyết định tập luyện nghiêm túc. Đúng một năm sau, khi tái đấu, tôi hạ lại đối thủ trên cũng một set với tỷ số 15-0. Lúc đó tôi hả hê đó. Vài năm sau thì tôi thực sự bước chân vào thể thao chuyên nghiệp.
Tiến Minh đang nỗ lực tập luyện để chuẩn bị cho SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp. Ảnh: CSG |
- Trở thành vận động viên chuyên nghiệp, anh được gì và mất gì?
- Cái được lớn nhất với tôi chính là trở thành một vận động viên có tên trong top đầu thế giới, được nhiều người hâm mộ yêu mến.
Sau này, có thể sẽ có nhiều vận động viên Việt Nam khác vươn đến tầm thế giới nhưng tôi khẳng định khó có ai duy trì đỉnh cao được dài như tôi. Tôi thi đấu cầu lông đã được hơn 12 năm rồi, số thành tích cũng không nhớ hết, hình như là 12 lần vô địch quốc gia, hơn 20 lần vô địch giải các tay vợt xuất sắc và các đại hội…
Cái mất thì cũng rất nhiều. Điển hình như việc tôi suốt ngày tập luyện, thi đấu, muốn đi chơi với bạn bè cũng khó, dần dần xa mọi người.
- Để duy trì được thời gian thi đấu đỉnh cao như vậy, Tiến Minh đã làm thế nào?
- Tôi phải tập thể lực, tập đánh cầu rất nhiều. Có hôm đêm đang ngủ giật mình tỉnh dậy vì phát hiện ra có điểm nào chưa ưng ý, lại tập luôn. Ngày Tết tôi 30 mới nghỉ, đến mùng hai đã trở lại tập. Chẳng ai ép tôi tập cả, tôi tự làm khổ mình như thế. Ai chơi cầu lông sẽ biết, nghỉ tập vài hôm sẽ mất cảm giác, rất khó lấy lại. Rồi tôi ăn uống rất cẩn thận, đi chơi gì đó cũng sợ chấn thương, mất nghiệp…Nhiều người nói tôi tự đày đọa mình, bị điên. Cũng có lúc tôi thấy mình điên thật.
Đã không ít lần Tiến Minh bật khóc vì cầu lông. Ảnh: Đức Đồng |
- Có điều gì khiến anh luôn trăn trở trong sự nghiệp của mình?
- Điều tôi luôn trăn trở là sau mỗi trận thua, lại có người nói tôi nào là thua sốc, nào là thua mấy tay trẻ…Tôi thua đã buồn rồi, đọc những lời trên buồn gấp đôi. Mọi người không hiểu vấn đề trong cầu lông, thua những tay vợt trẻ đang lên là bình thường. Tôi năm nay cũng đã 32 tuổi rồi, không cưỡng được dấu hiệu tuổi tác.
Mọi người không biết vận động viên các nước bạn đi đánh có cả một ekip theo. Họ chăm lo ăn uống, quay clip đối thủ, phân tích điểm mạnh, điểm yếu…Tôi đi đánh quốc tế thì cứ một mình. Nhiều lúc thua trận lại lủi thủi xách vali ra sân bay, buồn muốn khóc. Nhiều người nói tôi sao không thuê HLV, thuê ekip? Tiền đâu ra, ai cũng biết ở Việt Nam ngoài cầu thủ bóng đá nam thì các vận động viên môn khác có thu nhập thấp. Bạn bè đùa bảo nếu tôi sinh ra ở nước ngoài, đạt tới tầm top 10 thế giới thì đã giàu to rồi.
Cũng vì kinh phí, tôi đâu có thể ra nước ngoài tìm được “quân xanh” tốt để tập luyện. Mà ở trong nước thì trình độ đối thủ chênh lệch quá, đánh khó tiến bộ được. Ai ở vào hoàn cảnh của tôi mới hiểu.
Tôi thích thi đấu trong nước hơn ra nước ngoài dù thu nhập thấp hơn rất nhiều. Nguyên nhân là đánh trong nước tôi còn có bạn bè để nói chuyện, thắng thua sao cũng có người tâm sự. Tôi luôn có khát khao được nói chuyện về cầu lông, tìm được người hợp cạ trong chuyện này cũng đã là cả vấn đề.
- Tiến Minh dự định khi nào sẽ giải nghệ?
- Tôi vẫn còn đam mê cháy bỏng với cầu lông nhưng năm nay cũng đã 32 tuổi rồi. Tôi dự định hết năm 2016 sẽ giải nghệ. Đến lúc đó “thèm” cảm giác thi đấu lắm thì thi thoảng tôi nhận lời ra nước ngoài đánh cho CLB nào đó giải ngắn thôi.
Lâm Thỏa