Cuối tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm kéo dài bốn ngày đến nước Anh. Trong đó, ông dành hẳn một buổi tham quan sân vận động Etihad của Man City. Nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc cũng đã gặp mặt các huyền thoại Ngoại hạng Anh như Patrick Veira, Mike Summerbee, chụp ảnh cùng Sergio Aguero... Chuyến tham quan mang lại niềm vui cho một người hâm mộ bóng đá như ông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) chụp selfie cùng ngôi sao Man City Sergio Aguero (giữa) và Thủ tướng Anh David Cameron trong chuyến thăm sân Etihad. Ảnh: Twitter. |
Tuy nhiên, với việc giới đầu tư Trung Quốc thâu tóm 400 triệu đôla cổ phần của Man City, ông Tập Cận Bình đã nhắc với thế giới rằng, chuyến đi đến Manchester không hề đơn giản chút nào. Từ lâu, nhà lãnh đạo này đã bày tỏ ước nguyện được thấy Trung Quốc sánh vai cùng các cường quốc bóng đá tại World Cup. Bây giờ, ông đã có những hành động thực tế. Ông Tập Cận Bình vốn là CĐV của Man Utd, nhưng Man City mới là nơi ông chọn để thực hiện chuyến “Tây Du” cho bóng đá Trung Quốc.
Tổng giám đốc CMC, công ty đứng ra mua cổ phần Man City, Hứa Chí Hào khẳng định giới đầu tư Trung Quốc không đơn giản chỉ mua cổ phần của một đội bóng Anh. “Điều này sẽ mang lại lợi ích cho bóng đá Trung Quốc”, tỷ phú này nói. Trong khi đó, Chủ tịch CMC Lê Thụy Cương tiết lộ: “Một trong những mục đích chính của thỏa thuận này là thu về những kinh nghiệm giúp ích cho nền thể thao Trung Quốc”.
Ông Tập Cận Bình không hề giấu ý định sao chép hệ thống đào tạo trẻ của Anh, xây dựng hàng ngàn sân tập và trường học bóng đá trên khắp đất Trung Hoa. Kế hoạch này nhận sự chỉ trích nhiều hơn là đồng tình từ người dân. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao các tỷ phú Trung Quốc không dành 400 triệu đôla nói trên để đầu tư vào đội tuyển quốc gia.
Hồi giữa tháng 11, Trung Quốc để Hong Kong cầm hòa 0-0 ở vòng loại World Cup 2018, một kết quả đáng xấu hổ với cư dân đại lục không chỉ đơn thuần ở khía cạnh thể thao. Trận đấu này diễn ra ngay sau khi ông Tập Cận Bình công bố kế hoạch 50 điểm bao gồm cải tổ bộ máy lãnh đạo và đưa bóng đá thành môn bắt buộc trong các trường học. Một “cú tát” thực sự vào mặt Chủ tịch Trung Quốc khiến ông phải đẩy nhanh tiến trình cải tổ, bước đi đáng chú ý đầu tiên chính là việc chen chân vào ban lãnh đạo Man City.
Cầu thủ Hong Kong ăn mừng trận hòa 0-0 trước Trung Quốc vào tháng 11/2015. Ảnh: AFP. |
Lấy việc đăng cai và lọt vào vòng chung kết World Cup là mục tiêu lâu dài, Trung Quốc dự kiến sẽ có 20.000 cầu thủ trẻ trong năm năm và 50.000 cầu thủ trẻ trong 10 năm sinh hoạt và tập luyện ở các “trường học bóng đá đặc biệt”. Ông Tập Cận Bình cũng có những chính sách thu hút các nhà đầu tư chi tiền cho công tác đào tạo trẻ.
Năm 2002, khi Trung Quốc lần đầu dự World Cup, chính phủ từng đặt mục tiêu phát triển bóng đá bằng cách xây dựng giải vô địch bóng đá quốc gia Super League. Những cái tên như Thân Hoa Thượng Hải hay Hằng Đại Quảng Châu được biết đến rộng rãi nhờ sự góp mặt của các ngôi sao như Didier Drogba, Nicolas Anelka, Robinho hay cựu HLV đội tuyển Anh Sven-Goran Eriksson. Tuy nhiên, bê bối dàn xếp tỷ số năm 2009 nhắc người ta nhớ về một thế lực ngầm thao túng giải đấu số một Trung Quốc. Scandal đó hé lộ cho người ta thấy rằng bóng đá ở Trung Quốc là một quân trên bàn cờ chính trị, một sân chơi của dân nhà giàu đầy ắp nạn tham nhũng. Anelka từng bày tỏ sự mệt mỏi của anh khi thi đấu ở Trung Quốc vì “bàn cờ phía sau”. Ngoài ra, những quy định đặt nặng tính quản lý cũng kiềm chế sự phát triển của bóng đá Trung Quốc.
Trung Quốc quyết cải thiện nền bóng đá bằng cách học tập Anh. Ảnh: Xinhua. |
Ông Tập Cận Bình quyết đẩy lùi những tệ nạn trên bằng việc cho bóng Trung Quốc đi “du học” sang Anh. Lẽ dĩ nhiên, 400 triệu đôla và một thị trường to lớn chưa ai khai phá là món hời quá lớn với Man City. Nhưng đó tuyệt đối không phải là một bước đi thiếu khôn ngoan nếu bóng đá Trung Quốc học được cách đào tạo và sinh lời từ nền công nghiệp bóng đá đang nóng lên từng ngày.
Với những đồng tiền từ dầu mỏ, người Ả Rập đã tạo dựng được tiếng nói trong làng bóng đá thế giới. Họ là ông chủ của Man City, của PSG, nắm trong tay hình ảnh của những ngôi sao túc cầu thế giới. Họ điều hành Liên đoàn bóng đá châu Á AFC, có người ra ứng cử chức Chủ tịch FIFA. Họ sở hữu những hãng truyền thông thể thao lớn trên thế giới. Trung Quốc quyết định họ không thể đứng ngoài miếng bánh quá nhiều lợi ích này.
Năm 2013, kênh truyền hình giao thức Internet BesTV của Trung Quốc bỏ ra 16,5 triệu đôla mỗi năm để mua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh đến năm 2019. Đây là trường hợp duy nhất trên thế giới bản quyền Ngoại hạng Anh được bán với thời hạn sáu năm (ở các nước khác là ba năm). Một thế hệ “ăn Ngoại hạng Anh, ngủ Ngoại hạng Anh” sẽ là nền móng để sản sinh ra tài năng cho các học viện. Với một vị Chủ tịch mê bóng đá, Trung Quốc đang học tập triệt để cách làm bóng đá của người Anh.
Trung Quốc là thị trường lớn mà các CLB bóng đá lớn ở châu Âu đều thèm khát. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc vẫn là một “thỏi nam châm” với những CLB lớn. Nền kinh tế hàng đầu thế giới là mảnh đất màu mỡ để họ phát triển thương hiệu và thu lợi nhuận. Trong khi đó, việc đầu tư và học hỏi các kinh doanh từ bóng đá châu Âu đang là xu thế của các tỷ phú Trung Quốc. Tìm ra con đường đúng đắn sau nhiều năm làm sai có thể giúp nền bóng đá Trung Quốc đi lên mạnh mẽ và thậm chí khiến trật tự bóng đá thế giới thay đổi.
Trung Quốc và những bước thâm nhập vào bóng đá châu Âu - Tháng 1/2015: Tập đoàn bất động sản Dalian Wanda mua 20% cổ phần Atletico Madrid. - Tháng 4/2015: Một tập đoàn Trung Quốc hỏi mua Aston Villa nhưng sau đó thỏa thuận không thành. - Tháng 11/2015: Le Sports gia nhập nhóm các công ty Trung Quốc đầu tư vào Ajax Amsterdam. Trước đó Huawei, Sengled và CST đã làm điều này. Có thông tin rằng giới đầu tư Trung Quốc đang nhòm ngó lò đào tạo trẻ trứ danh của đội bóng Hà Lan. - Tháng 12/2015: CMC và CITIC Capital mua 13% cổ phần của Man City với giá 400 triệu đôla |
Quang Huy