Lần cuối cùng Bolt tham dự một giải Anniversary Game tại London (trước hôm anh về nhất hồi tuần trước) là cách đây hai năm. Tại giải đó, nhiều VĐV đồng hương của Bolt, trong đó có cả Asafa Powell, bị phát hiện dương tính với chất cấm. Chính vì vậy, đã xuất hiện những câu hỏi đại loại như: bao giờ thì đến lượt Bolt?
Đấy không phải là nghi ngờ vô cớ. Lịch sử thể thao đã chứng kiến biết bao tượng đài sụp đổ, khiến người hâm mộ rơi vào tâm thế thấy ai giỏi bất thường, nhanh bất thường đều cảm thấy... nghi nghi. Như Chris Froome vừa vô địch Tour de France vậy, anh lên ngôi trong sự hoài nghi của tất cả, từ giới chuyên môn đến người hâm mộ. "Quá giỏi để có thể trung thực" (Too good to be true) là thành ngữ quen thuộc của thể thao đỉnh cao lúc này.
Bolt không chỉ chạy nhanh, mà còn chạy rất đẹp. Ảnh: AFP. |
Tờ New Yorker từng gọi Bolt là kẻ thống trị "một môn thể thao dơ bẩn, khi mà đồng đội và đối thủ đều gian dối. Sẽ chẳng lạ nếu một ngày Bolt phải phân trần về việc thiếu kiến thức khi sử dụng một loại thảo dược trong danh sách cấm".
Thế giới đang chìm ngập trong hoài nghi, và người ta không loại trừ cả Bolt - nhất là khi anh chưa từng nổi tiếng là một VĐV hết mình vì sự nghiệp. Anh uống rượu như nước, cặp kè với hàng loạt chân dài từ nổi tiếng với vô danh, anh khét tiếng trong giới điền kinh về "chuyện ấy". Vậy mà một khi Bolt bứt lên, anh lại vọt đi như một tia chớp. Nếu như những VĐV mẫu mực hơn Bolt từ Lance Armstrong, Marion Jones, Ben Johnson... còn dính doping, tại sao Bolt bây giờ vẫn trong sạch?
Vì tò mò trước câu hỏi đó, nhà báo Richard Moore, tác giả quyển sách "The Bolt Supremacy" sau này, đã đến sống ở Jamaica một thời gian để tìm hiểu xem vì sao quốc gia này có chưa đến ba triệu người này lại sở hữu vô số hảo thủ ở các cự ly ngắn của điền kinh. Một nhà báo Jamaica nói với Moore: "Cậu phải đến Champs thôi".
Champs là một cuộc thi vô địch của các trường học với không khí và cảm xúc như một kỳ Olympic. Ngay từ còn nhỏ, những cậu bé của Jamaica đã học cách so tài và tư duy như một VĐV đỉnh cao. “Bọn trẻ được huấn luyện như những người lính vậy,” nhà báo Jamaica nọ cho biết. "Champs chuẩn bị cho chúng tâm lý để bước ra những trận chiến. Các em ấy nỗ lực chạy để mong một cuộc sống tốt đẹp hơn và chúng thực sự nghiêm túc”.
Bolt - một tay chơi có tiếng. |
Nói một cách khác, ở Jamaica thì điền kinh - đặc biệt là những cự ly ngắn - thật sự là con đường đổi đời như bóng đá ở Brazil. Ở quốc gia này không ai là không biết Dennis ‘DJ’ Johnson, từng là người chạy nhanh nhất thế giới những năm đầu thập kỷ 1960. Ông đại diện cho Jamaica tham dự Olympic ở Tokyo, nhưng lại nổi tiếng hơn với việc xây dựng hệ thống huấn luyện tầm cỡ thế giới.
Suốt một thời gian dài, Jamaica sản sinh ra nhiều chân chạy nước rút hàng đầu cho các trường đại học Mỹ. Vài người đạt đến những thành công lâu dài, số còn lại thì không. Ước nguyện của Dennis ‘DJ’ Johnson là xây dựng hệ thống đào tạo ở Jamaica để các VĐV có thể yên tâm ở lại quê nhà. Asafa Powell là một trong những người đầu tiên ở lại vào đầu những năm 2000. Usain Bolt hay Yohan Blake là những người tiếp theo.
Nhờ tố chất thiên bẩm và cách huấn luyện độc đáo nêu trên, Jamaica liên tục thống trị điền kinh cự ly ngắn suốt một thời gian dài. Và trong đó, Bolt là một ngôi sao vượt lên tất cả. Anh có thiên bẩm tuyệt vời khi chạy, bàn chân chỉ khẽ chạm đất, như đang hôn đường chạy. Anh không hề mệt mỏi khi về đích, anh chạy như đang khiêu vũ.
Đúng là Bolt chơi bời rất dữ dội, nhưng một khi đã luyện tập, anh cũng luyện tập rất khủng khiếp. Bolt từng thất bại ở Daegu hồi 2011 và mất vị trí số một về tay VĐV đồng hương Yohan Blake, nhưng chỉ mất một năm để anh lấy lại vị trí tại đường chạy Moscow. Với một người đã phá hàng loạt những kỷ lục, vô địch thế giới trên 10 lần như Bolt, động lực luôn là một vấn đề. Và khi lòng từ trọng bị tổn thương, anh sẽ lại bứt lên.
Bolt luôn sẵn sàng xô đổ những thách thức. |
Trước những câu hỏi về doping, Bolt đáp: "Bạn đã theo dõi Usain Bolt bao lâu rồi? Từ 2007 hay 2008? Còn nếu vô tình chú ý tôi từ 2002, bạn sẽ biết tôi đã làm được những điều phi thường từ khi còn là một cậu nhóc 15 tuổi".
Quả vậy. Anh là người trẻ nhất vô địch giải điền kinh trẻ thế giới, ở tuổi 15. Ngày ấy Bolt chạy 200 mét chỉ mất 19,83 giây. Năm 16 tuổi anh đã lập kỷ lục đầu tiên. Mọi kỷ lục thế giới trên đường chạy 200 mét và 100 mét sau đó đều bị Bolt lần lượt xô ngã.
"Tôi đã chứng tỏ mình là một VĐV tuyệt vời suốt cả một quá trình dài hơi, chứ không phải vụt sáng rồi thôi", Bolt nói. Điều tuyệt vời là Bolt chưa từng có ý định dừng lại. "Nếu như từng có người đạt đỉnh cao ở hai kỳ Olympic, tôi sẽ đặt mục tiêu thành ba kỳ. Tôi luôn muốn đứng trên bục vinh quang nhiều hơn là hai kỳ Olympic".
Và chừng nào Bolt chưa giải nghệ, chừng ấy anh sẽ vẫn chạy trong những hoài nghi, thách thức hoài nghi. Và người hâm mộ cũng cầu nguyện cho Bolt đừng bao giờ trở thành một Armstrong mới, bởi thế giới đầy những hoài nghi này vẫn rất cần những câu chuyện đẹp - như những bước chạy của anh vậy!
Hoài Thương