Qing Wenyi tử vong lúc nửa đêm, trong một trung tâm tập luyện tại Bắc Kinh. Tiếng thét của Wenyi khiến các đồng đội phải bật dậy và bàng hoàng chứng kiến cô qua đời. Thi thể của tài năng này được hỏa táng sau đó 48 tiếng mà không được khám nghiệm tử thi.
Qing Wenyi vốn là một trong những tài năng hàng đầu, được đầu tư trọng điểm tại Trung Quốc. Hồi tháng 10 cô giành hai HC vàng tại Đại hội thể thao thanh niên toàn quốc.
Qing Wenyi vẫn vô tư trò chuyện cùng cha mẹ, bạn bè trên mạng xã hội trong đêm trước khi cô đột ngột tử vong. Ảnh: Weibo. |
Trong bối cảnh thể thao Nga đang chìm ngập trong bê bối sử dụng chất cấm, sự bí ẩn đến từ các chương trình đào tạo thể thao của Trung Quốc cũng khiến Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) lưu tâm nhưng chưa thể tìm ra bằng chứng xác đáng. "Tuy nhiên, tiếng thét của Qing Wenyi có thể là hồi chuông báo động về sự trở lại của bóng ma doping, thứ 'thần dược' từng được Trung Quốc tận dụng trong các chương trình thể thao thành tích cao trước đây - vốn được xem như công cụ để nâng cao vị thế quốc gia", tờ Daily Mail của Anh viết.
Cha mẹ của Qing Wenyi phải nén nỗi đau, từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan đến cái chết của đứa con duy nhất. Một đứa con gái khỏe mạnh, mới tối hôm trước còn dành thời gian trò chuyện cùng mẹ về việc học tập và gặp gỡ bạn bè qua mạng xã hội, bất ngờ tắt thở.
Bất chấp việc VĐV này qua đời trong trung tâm tập luyện quốc gia và là niềm hy vọng hướng tới Olympic 2016, những người có thẩm quyền không đưa ra tuyên bố chính thức nào về vụ việc.
Cái chết của Wenyi chưa được chứng minh là có liên quan đến chất cấm, nhưng nỗi lo sợ cho sinh mạng của những VĐV trẻ như cô vẫn tiếp tục đeo bám cộng đồng nếu chính phủ không có biện pháp ngăn chặn.
“Cái chết của Qing Wenyi và động thái tiếp theo từ những người có liên quan đánh một hồi chuông ngay trái tim của hệ thống đào tạo thể thao. Đó không phải là hành vi gian lận từ một hay hai tỉnh thành, nó diễn ra ngay trái tim của thể thao Trung Quốc”, tờ Daily Mail dẫn lời một nguồn tin giấu tên tiết lộ về sự mờ ám quanh cái chết của Wenyi.
Màn trình diễn của các VĐV Trung Quốc tại Olympic 2012 khiến phương Tây lo ngại bóng ma doping đã trở lại và bao trùm thể thao nước này. Ảnh: Reuters. |
WADA đã bắt đầu mở cuộc điều tra kỹ càng hơn sau khi nghe tin Zhou Ming, một trong những HLV tích cực "truyền bá" doping trong thập niên 90 của thế kỷ trước, trở lại làm việc ở hệ thống đào tạo thể thao Trung Quốc. Zhou Ming là học trò của Helga Pfeifer, người đứng đầu chương trình sử dụng doping khủng khiếp của Đông Đức cũ.
Ming từng bị cấm hoạt động thể thao trọn đời nhưng gần đây đã được mời trở lại để huấn luyện hai VĐV trẻ, một trong số đó là Wang Lizhou - VĐV đầu tiên của Trung Quốc hoàn thành nội dung 100m ếch dưới một phút.
Ngoài ra, màn trình diễn của các VĐV Trung Quốc, mà tiêu biểu kình ngư Ye Shiwen, càng làm gia tăng mối nghi ngờ. Shiwen, nhà vô địch Olympic 2012 ở nội dung 400m và 200m hỗn hợp ở tuổi 16, về chót ở vòng chung kết 200m hỗn hợp tại Giải vô địch thế giới năm nay. Tại nội dung 400m hỗn hợp, Shiwen thậm chí không vượt qua vòng loại.
Ye Shiwen, huy chương vàng Olympic 400m hỗn hợp, người từng khiến thế giới sững sờ với cú nước rút nhanh hơn cả Ryan Lochte. Ảnh: Reuters. |
Ở tuổi 19, người ta chờ đợi những bước thăng tiến từ Ye Shiwen, người bơi 50m cuối trong 400m hỗn hợp tại Olympic thậm chí nhanh hơn nhà vô địch nam Ryan Lochte. Sự suy giảm phong độ của cô khiến giới chuyên môn sững sờ.
Ở Trung Quốc, tiền thưởng cho các VĐV đạt thành tích cao tại Đại hội thể thao toàn quốc thậm chí cao hơn những gì họ nhận được từ các Giải vô địch thế giới. Cùng với cơ chế kiểm tra doping lỏng lẻo, việc chất cấm được sử dụng ở các giải thể thao trong nước này tương đối phổ biến.
Tại đây, có những chương trình tập trung các VĐV trẻ từ khắp nơi trên toàn quốc về một trại tập luyện để đào tạo bí mật. Năm 2005, từng có cáo buộc về sự mất tích của 100 VĐV bơi lội trong một lần tập trung như vậy.
Di Khánh