Vì sao cầu thủ nội luôn có giá 'cắt cổ' ở Ngoại hạng Anh

Ngày đăng 14/07/2015 02:02

Sterling mới 20 tuổi, chưa cán mốc 100 trận tại Ngoại hạng Anh và các CĐV có lý do để hoài nghi về cái mác cầu thủ người Anh đắt giá nhất trong lịch sử khi thương vụ đưa tiền vệ công này san Man City hoàn tất.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào công cuộc mua bán của các đội bóng Ngoại hạng Anh trong quá khứ, sẽ không khó để tìm ra hàng loạt bản hợp đồng của các cầu thủ bản xứ có phí chuyển nhượng ngang ngửa với các ngôi sao ngoại quốc.

Ví dụ, Man City chi 57,6 triệu đôla để đưa về Sergio Aguero, người đến nay đã chơi 120 trận tại Ngoại hạng Anh, ghi 78 bàn. Trong khi đó, Liverpool mua Andy Carroll từ Newcastle với giá 54,5 triệu đôla. Kết quả là tiền đạo có mái tóc đuôi ngựa này chỉ có sáu pha lập công trong 44 lần ra sân cho đội bóng vùng Merseyside.

Sterling (áo đỏ) được cho là không xứng với số tiền 76,5 triệu đôla mà Man City đang sẵn sàng bỏ ra. Ảnh: AP.

Vậy đâu là lý do khiến các CLB Ngoại hạng Anh chấp nhận chi nhiều tiền cho những cầu thủ nội?

Đầu tiên phải kể đến quy định hiện hành của Ngoại hạng Anh với việc bắt buộc các CLB phải có ít nhất tám cầu thủ bản địa trong số 25 cầu thủ ở đội hình chính. Điều này đồng nghĩa rằng các đội bóng đã lỡ phóng lao mang về nhiều ngôi sao ngoại quốc thì càng phải theo lao, bất chấp giá cắt cổ để mang về các cầu thủ bản xứ. Như Man City chẳng hạn, họ đau đầu để đạt được con số tám cầu thủ Anh quốc.

Những đội với tham vọng lớn như Man City, tất nhiên, muốn xây dựng đội hình toàn ngôi sao và cầu thủ bản địa nào được họ để ý đến chắc hẳn phải nổi đình nổi đám. Nắm được tâm lý này, các đội bóng chủ quản sẽ tìm cách nói thách giá món hàng mà họ sở hữu.

Trong những năm gần đây, Man City đã mua Jack Rodwell từ Everton với giá 18,7 triệu đôla, James Milner từ Aston Villa với giá 40,5 triệu đôla và Scott Sinclair từ Swansea với giá 10,1 triệu đôla. Tất cả những cầu thủ này đều bị đem bán tháo sau đó với mức giá thấp hơn nhiều.

Tiếp theo đó, các ông lớn Ngoại hạng Anh thường có xu hướng mua sớm chừng nào hay chừng nấy vì để lâu sợ cầu thủ tăng giá. Dù số tiền chi cho các cầu thủ bản địa luôn được xem là quá tay, các CLB chấp nhận đánh cược còn hơn là để về lâu dài, khi giá trị món hàng tăng cao.

Ký hợp đồng với các cầu thủ 19 đôi mươi bằng số tiền hàng triệu đôla có thể xem là nực cười nhưng các đội bóng luôn giữ tâm lý lo sợ chính món hàng mà họ phân vân có nên mua hay không này về sau sẽ trở nên đắt giá hơn nhiều. Điều này khiến giá các cầu thủ nhiều tuổi trở nên thấp hơn những người trẻ khá nhiều dù họ dày dạn kinh nghiệm hơn.

2-3376-1436920695.jpg

Debuchy (trái) có giá rẻ hơn Calum Chambers vì Arsenal cho rằng cầu thủ trẻ người Anh có thể đá cho họ trong 15 năm tới. Ảnh: Eurosport.

Ví dụ, mùa giải trước Arsenal mang về hai hậu vệ Mathieu Debuchy từ Newcastle và Calum Chambers từ Southampton. Thời điểm đó, Debuchy đã có hơn 250 lần ra sân trong sự nghiệp và là ngôi sao tại World Cup 2014, giá của anh là 18,7 triệu đôla. Trong khi đó, Chambers chỉ mới chơi 22 trận cho đội một Southampton và giá của anh là 24,9 triệu đôla. Tại sao? Đó là vì Debuchy đã 29 tuổi và chỉ còn chơi được vài mùa giải nữa, trong khi đó, Arsenal hy vọng Chambers sẽ liên tục ra sân trong 15 năm nữa và hơn hết, họ lo sợ giá của cầu thủ trẻ này sẽ leo thang trong những năm tới.

Một điểm đáng chú ý là số cầu thủ trẻ người Anh chiếm được suất đá chính đang ở mức thấp. Do đó, khi một “măng non” xuất hiện, sẽ có nhiều ông lớn xâu xé nhau để sở hữu viên ngọc đó. Kể cả những đội bóng mạnh, họ đều muốn xây dựng bộ khung dựa trên những cái tên bản địa.

Đó là lý do khiến Chelsea phải trả lương hậu hĩnh để giữ John Terry ở lại sân Stamford Bridge, cũng là cách mà Liverpool và Man Utd từng dùng để trói chân Steve Gerard và Wayne Rooney. Các CLB luôn tìm kiếm cơ hội để xây dựng nòng cốt từ các cầu thủ bản xứ và Liverpool trả cho Sunderland 31,1 triệu đôla để có được Jordan Henderson.

Trong khi các ngôi sao ngoại quốc chứng tỏ bản thân bằng những màn trình diễn chói sáng tại World Cup hay Champions League, các cầu thủ Anh sẽ được giá nếu họ cho thấy một tương lai tươi sáng trước mắt. Wayne Rooney đến Man Utd vào năm 2004 khi mới 18 tuổi với mức giá 42 triệu đôla.

caroll-5871-1436920695.jpg

Rooney (trái) là một trong những cầu thủ người Anh hiếm hoi chứng minh được giá trị, nhưng Andy Carroll thì không. Ảnh: AP.

Thời điểm đó Rooney mới chỉ gây ấn tượng bằng vài bàn thắng hữu ích cho Everton, nhưng Man Utd tin rằng anh sẽ trở thành một ngôi sao hàng đầu trong tương lai. 11 năm sau, tiền đạo này tiến gần đến kỷ lục ghi bàn của một cầu thủ Anh, sở hữu chức vô địch Champions League và năm lần đăng quang tại Ngoại hạng Anh.

Do đó, 76 triệu đôla cho Sterling có vẻ quá trớn bây giờ, nhưng Man City cho rằng 10 năm nữa, mọi người sẽ thấy rằng họ đã có được một ngôi sao với giá quá hời.

Những cầu thủ Vương quốc Anh đắt giá nhất (triệu đôla)
133: Gareth Bale (từ Tottenham tới Real Madrid, 2013)
76,5: Raheem Sterling (Liverpool tới Man City, 2015)
54,5: Andy Carroll (Newcastle tới Liverpool, 2011)
46,8: Rio Ferdinand (Leeds tới Man Utd, 2002)
42: Luke Shaw (Southampton tới Man Utd, 2015)
42: Wayne Rooney (Everton tới Man Utd, 2004)
40,5: James Milner (Aston Villa tới Man City, 2010)

Di Khánh