Vì sao Djokovic vẫn thua Federer trong cuộc chiến tình yêu

Ngày đăng 14/09/2015 00:30

Tay vợt số một thế giới có năm thi đấu thành công nhất sự nghiệp với ba danh hiệu Grand Slam trong bốn trận chung kết góp mặt, kiếm hơn 14 triệu đôla tiền thưởng. Nhưng Djokovic chưa khi nào là số một trong tim đám đông người hâm mộ.

Sân đấu Arthur Ashe chật kín khán giả tối chủ nhật New York như biến thành sân nhà của Federer, trong gần ba tiếng rưỡi. Khán giả cổ vũ cho anh cuồng nhiệt ngay cả khi tay vợt số hai thế giới người Thụy Sĩ vừa giao bóng hỏng lần một. Bầu không khí như thể chỉ sôi sục vì Federer. Djokovic thậm chí còn bị nhiều người la ó và chế nhạo. Chứng kiến cảnh tượng ấy, có nhà báo nhận xét rằng cổ động viên tại Flushing Meadows đã hành xử hơi thái quá, có phần bất công đối với nỗ lực và tài năng của tay vợt người Serbia. Có phóng viên thì ví người hâm mộ trên sân Arthur Ashe chẳng khác nào những trái chuối tiếp thêm sức lực cho Roger Federer thi đấu sung mãn ở tuổi 34. Trong ba trận chung kết Grand Slam gần đây, tại Wimbledon 2014, 2015 và Mỹ Mở rộng năm nay, Djokovic không chỉ phải đấu với Federer, mà còn cả thái độ thù địch từ khán giả.

Djokovic sau trận cũng phải thừa nhận anh sẽ phải chiến đấu để giành được sự ủng hộ nhiều hơn từ người hâm mộ. Anh vẫn chưa được đông đảo người yêu quần vợt công nhận là số một thế giới, dù cho cái tên Novak Djokovic đã lần đầu tiên xuất hiện trên đỉnh bảng thứ tự ATP từ hồi tháng 7/2011.

Djokovic đang thống trị làng banh nỉ, nhưng chưa thể thống trị trong con tim người hâm mộ. Ảnh: Reuters.

Trong trận chung kết, Djokovic không ít lần chỉ tay vào đầu trong lúc hướng mặt lên khán đài sau một cú thắng điểm, như thể để nói rằng anh vừa đánh bại thần tượng của đám đông bằng sự khôn ngoan.

Giới chuyên môn ghi nhận Djokovic là người có lối đánh phòng ngự tốt nhất làng quần vợt đương đại, thậm chí là mọi thời đại. Anh rất thông minh khi tìm được cách hóa giải SABR - "thứ vũ khí mới" giúp Federer có những chiến thắng tốc độ ấn tượng ở Mỹ Mở rộng lần này trên đường vào chung kết. Djokovic đương nhiên có kỹ thuật siêu hạng và thể lực tốt mới chiếm được phần thắng nhiều hơn trong các tình huống giằng co bóng dài từ cuối sân với Federer.

Nhưng Federer không cần phải chỉ tay vào đầu, hay giật tung cúc áo ngực, để kêu gọi người hâm mộ hãy tán thưởng anh, như cách Nole đã làm. Anh chiếm được trái tim của cổ động viên không hẳn vì 17 danh hiệu Grand Slam đã có trong sự nghiệp, mà có lẽ chủ yếu nhờ phong cách thi đấu cống hiến và rất đa dạng. Ở tuổi 34 và từng bị đánh giá là đã qua thời đỉnh cao từ sau danh hiệu Wimbledon 2012, Federer vẫn là người chủ động tấn công trong suốt bốn set, phát bóng uy lực hơn đối phương, và liên tục lên lưới. Ngược lại, Djokovic chủ yếu bám vạch cuối sân, dựa nhiều vào những pha giằng có để kiếm điểm từ các cú tự đánh hỏng của đàn anh. Khi Federer dồn sức chơi thứ tennis tốt nhất của bản thân, anh giành chiến thắng kịch tính ở set hai trận chung kết tối chủ nhật, và suýt đòi được liên tiếp hai break ở cuối set bốn.

"Tôi phải bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Roger. Anh ấy là tay vợt hay nhất mọi thời đại, và tôi phải cố gắng hết sức để giành chiến thắng tối nay. Không rõ ở tuổi 34, tôi liệu còn giữ được đam mê với quần vợt và chơi tốt như anh ấy hôm nay", Djokovic phát biểu trong thời khắc đăng quang.

Về chuyên môn, phòng thủ và tấn công là hai đấu pháp có nhiều điểm ngược nhau trong mọi môn thể thao, đều đòi hỏi kỹ năng và tố chất. Ai thắng trận đương nhiên được coi là người mạnh hơn tại thời điểm đó. Djokovic không chỉ thắng Federer ở chung kết Mỹ Mở rộng 2015, mà còn thắng ở cả hai chung kết Grand Slam trước đó: Wimbledon 2014 và Wimbledon 2015. Nhưng cũng giống nhiều môn khác, trong quần vợt, tình yêu nơi người hâm mộ được xây đắp bằng nhiều thứ rực rỡ khác, chứ không đơn thuần chỉ là tỷ số.

Chứng kiến trận chung kết Mỹ Mở rộng 2015, chắc chỉ có những ai là fan ruột của Djokovic mới không thừa nhận rằng anh đơn điệu hơn nhiều so với một Federer vẫn phần nào cho thấy bóng dáng của "Tàu tốc hành" trước một đàn em đang độ sung mãn và kém tới sáu tuổi. Nếu đối thủ của Djokovic ở trận chung kết lần này không phải Federer có lối đánh máu lửa, phóng viên của BBC có lẽ đã không có cơ hội thốt lên khi set hai vừa kết thúc: "Đây có lẽ là trận chung kết đơn nam hấp dẫn nhất trong lịch sử quần vợt".

Floyd Mayweather toàn thắng cả 49 trận quyền anh nhà nghề khi giải nghệ cuối tuần qua, nhưng phong cách chiến đấu nặng về phòng ngự của anh không thuyết phục được đông đảo người mến mộ boxing thế giới. Nhờ sự lộng lẫy trong phong cách thi đấu, Mike Hussey được mệnh danh là "Quý ông Cricket", còn Federer được coi là "Quý ngài Quần vợt" (Sir Tennis). Chỉ danh hiệu và những chiến thắng không đủ để các VĐV tạo dựng được hình ảnh thần tượng vững chắc như thế.

Novak Djokovic chỉ là tay vợt được mến mộ thứ hai, khi Federer cùng có mặt trên sân trận chung kết Mỹ Mở rộng. Không phải vì tài cao thấp giữa đôi bên, mà tất cả bởi tình yêu của khán giả. Những người làm chuyên môn phải công bằng khi nhận xét về trình độ của các VĐV. Nhưng người hâm mộ có toàn quyền bộc lộ cảm xúc yêu ghét. Chuyện này tương tự ở lĩnh vực giải trí khác. Một hoa hậu thế giới nhiều khi không phải là người phụ nữ gợi cảm nhất hành tinh, không chắc là người phụ nữ được nhiều đàn ông muốn yêu nhất. Danh hiệu không chính thức "Nữ hoàng tình yêu" nhiều khi thuộc về một người mẫu Playboy bốc lửa, một nữ ca sĩ hoặc minh tinh màn bạc nào đó.

Federer chỉ vừa mới đi bộ vào sân đấu, kéo khóa túi đồ để rút vợt ra, chừng đó đã đủ kích thích cảm xúc nơi nhiều người hâm mộ trên khán đài. Ngay cả Andy Murray, người hùng của quần vợt Anh, khi đấu với Federer ở Wimbledon cũng không có được lợi thế khán giả nhà. Bất kỳ trận nào có mặt Federer, anh cũng đều có nhiều cổ động viên hơn đối phương. Bởi vì đã từ lâu, trong mắt họ, Federer là tay vợt hiếm có trên thế giới thường xuyên chơi thứ quần vợt thuần khiết, đẹp mắt, và luôn ở thế tấn công trước mọi đối thủ.

Roger Federer từ lâu đã được công nhận là một trong những tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử, không chỉ nhờ 17 danh hiệu Grand Slam trên đủ các mặt sân, mà còn bởi lối đánh đa dạng và không khoan nhượng trước mọi đối thủ. Ngay cả các huyền thoại khác cũng luôn dễ dàng dành cho Federer những lời tốt đẹp mỗi khi nói về anh, một tay vợt toàn diện. Djokovic đã có 10 Grand Slam, có thể sẽ giành nốt được Grand Slam còn thiếu tại Pháp Mở rộng, có khả năng san bằng số danh hiệu với ông hoàng quần vợt Thụy Sĩ, nhưng anh sẽ không đơn giản để có tên trong ngôi nhà danh vọng của các huyền thoại.

Fan-4428-1442273474.jpg

Khán giả ở Flushing Meadows hào hứng, đứng bật dậy tán thưởng Federer sau một pha ăn điểm Djokovic trong trận đấu hôm 13/9. Ảnh: Reuters.

Trong chín năm qua, Roger Federer và Novak Djokovic đã chạm trán nhau 42 lần, mỗi bên giành 21 chiến thắng. Tay vợt Serbia có lẽ sẽ vươn lên chiếm phần thắng về thành tích đối đầu trực tiếp nếu họ gặp lại nhau, nhất là ở một trận đấu năm set. Nhưng khi Federer còn thi đấu, và nhất là vẫn tràn đầy nhiệt huyết như hiện giờ, Djokovic sẽ tiếp tục ở cửa dưới trong cuộc đấu tranh giành tình cảm từ người hâm mộ. Sau khi Djokovic thua Stan Wawrinka ở chung kết Pháp Mở rộng năm nay, đồng nghĩa anh lỡ cơ hội có Grand Slam đầu tiên trên sân đất nện và không thể giành trọn bộ bốn danh hiệu lớn của năm 2015, tay vợt Serbia đã khóc ngay trên sân khi phát biểu. Trước nỗi đau của anh, rất đông khán giả tại Paris hôm đó đã đứng dậy hoan hô. Đó khó có thể xem là thái độ cảm thông với một tay vợt vừa dám công khai nỗi buồn về danh hiệu quý giá còn thiếu, cũng không phải để chúc mừng “Con thú hoang” Stan Wawrinka. Trong ba tay vợt nổi tiếng nhất còn thi đấu, Federer là "Vua sân cỏ", "Vua sân cứng" và cũng đã có chức vô địch Pháp Mở rộng; Nadal là "Vua sân đất nện" và cũng đã có đủ các Grand Slam khác; còn Novak Djokovic tiếp tục phải đợi nụ cười cuối cùng ở Roland Garros.

Djokovic buộc phải đóng vai "phản diện" trong không chỉ các trận đấu có Federer. Ở chung kết Pháp Mở rộng hồi tháng sáu, đám đông người hâm mộ cũng dành sự ủng hộ lớn cho Stan Wawrinka. Đông đảo người hâm mộ ở Australia cũng reo hò cổ vũ cho Murray trong trận chung kết tại Melbourne hồi tháng một.

Djokovic, giống Serena Williams, là tay vợt hội đủ yếu tố để tạo ra nỗi sợ hãi cho các đối thủ, nhưng chưa đủ chinh phục trái tim của đông đảo người hâm mộ. Tình cảm của cổ động viên dành cho anh có thể thay đổi theo thời gian, nhưng sẽ khó tiến triển chừng nào hình ảnh của Federer vẫn còn lấp lánh trong mắt khán giả.

Djokovic rất khôn ngoan và sáng tạo. Kiểu đánh mới của Roger Federer, SABR, gây lúng túng cho các đối thủ, rất hiệu quả và giúp anh không thua set nào cho tới hết vòng bán kết Mỹ Mở rộng năm nay. Nhưng Djokovic đã hóa giải thành công, đáng chú ý nhất là những cú đánh trả đưa bóng cao vọt thẳng qua đầu Federer những khi tay vợt Thụy Sĩ tiến lên phía giữa sân. Anh đủ thông minh để nhận biết người hâm mộ nghĩ gì về anh và phong cách của anh, nhưng Djokovic cũng hiểu sẽ khó khăn để tìm cách giải thích vì sao nhiều người hâm mộ nên yêu mến anh như yêu Roger Federer.

Lần đầu tiên trong sự nghiệp, Djokovic vào chung kết cả bốn Grand Slam trong cùng một năm. Trước đó, chỉ có Federer và huyền thoại Rod Laver đạt được thành tích này ở giải của nam. Đây còn là năm thứ hai Djokovic có ba lần vô địch Grand Slam, sau năm 2011 (đều là ở Australia, Anh và Mỹ). "Tôi hoàn toàn tự hào về tất cả những thành tích đã đạt được", anh phát biểu khi nhận Cup.

Danh hiệu Mỹ Mở rộng 2015 giúp anh vững chắc ở ngôi số một thế giới, với gần 7.000 điểm nhiều hơn Federer trên bảng thứ tự ATP. Nhưng trong lễ trao giải tối chủ nhật, anh không được hỏi về thành tích đó mà chủ yếu phát biểu về Federer và thái độ của khán giả. Djokovic chấp nhận thực tế thua thiệt về mặt tình cảm của người hâm mộ.

Fed-8721-1442273474.jpg

Federer được hâm mộ vì lối đánh tấn công hết mình, trong khi Djokovic chiến thắng bằng lối đánh phòng ngự gây ít thiện cảm hơn cho người hâm mộ. Ảnh: Reuters.

"Tôi đã nỗ lực để thắng một trong những đối thủ lớn nhất, người mà như các bạn thường nói là nhà vô địch Grand Slam của mọi thời đại, một người luôn chiến đấu tới phút cuối, luôn khiến đối thủ phải đánh thêm khi trận đấu tưởng đã chấm dứt. Tất cả những điều đó giờ đây rất đặc biệt với tôi. Có rất nhiều sự ủng hộ dành cho Roger. Chỉ có một ít dành cho tôi. Nhưng tôi không thể ngồi đây và chỉ trích đám đông. Cũng hợp lý thôi khi một tay vợt vĩ đại, một nhà vô địch như Roger luôn có sự ủng hộ áp đảo tại bất kỳ đâu anh ấy góp mặt. Tôi hiểu ở đâu trên thế giới Roger cũng nhận được sự cổ vũ lớn hơn. Nhưng tôi không thể phán xét ai ủng hộ nhiều hơn hay ít hơn. Tôi chỉ ở đây hay nơi khác để chơi quần vợt. Tôi chấp nhận thực tế rằng người hâm mộ có quyền cổ vũ cho những ai mà họ thích. Tôi thi đấu cũng là để giành được sự ủng hộ, và hy vọng trong tương lai tôi có thể ở vị trí giống như của Federer trong trái tim người hâm mộ".

Đó là những lời phát biểu không thể chê, nhưng chúng xuất phát từ cái đầu của một tay vợt thông minh, chứ chắc chắn không phải từ trái tim của anh. Dù có lạnh lùng đến đâu, bất kỳ vận động viên nào cũng sẽ vui hơn khi thành công của họ được chìm trong biển tình yêu của người hâm mộ.

Novak Djokovic mới chỉ giành được sự tôn trọng về tài năng chuyên môn, bởi vì tình cảm của người hâm mộ vẫn còn quá sâu đậm với Federer hoặc Nadal. Djokovic hiện giờ chỉ là một tay vợt xuất sắc trong mắt nhiều người. Còn Federer và Nadal vừa là những nhà vô địch lớn, đồng thời là những người có khả năng truyền cảm hứng và khơi dậy tình yêu quần vợt của cả những người trước đó chưa từng biết tới quần vợt. Lịch sử thể thao có vô số nhà vô địch, nhưng chỉ số ít trong đó là tình yêu của người hâm mộ.

Riêng trong kỷ nguyên Mở rộng của môn quần vợt, Djokovic cũng không phải nhà vô địch đầu tiên bị khán giả đối xử thiên vị. Trong hai tay vợt nổi tiếng cùng thời và cùng là người Mỹ, Pete Sampras có 14 Grand Slam nhưng luôn không được hâm mộ bằng Andre Agassi – tay vợt tám lần vô địch Grand Slam.

Nguyễn Phát