Hôm 27/5, thế giới bóng đá rúng động khi sáu quan chức cấp cao của Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA bị bắt giữ ở Zurich (Thụy Sỹ), trong đó có phó Chủ tịch đương nhiệm Jeffrey Webb. Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI và Bộ tư pháp Mỹ muốn điều tra 14 quan chức nhận hối lộ của FIFA trong vòng 24 năm qua, với số tiền lên đến 150 triệu đôla.
"Người Mỹ đã làm việc không chê vào đâu được và giờ thì người ta sẽ phải giải thích về những gì đang diễn ra. FBI đã chứng minh những gì tôi nói trước đây là đúng", huyền thoại bóng đá Diego Maradona hả hê khi thấy sau bao nhiêu năm dài, cuối cùng cũng có một tổ chức mạnh tay đánh vào FIFA.
Tại sao lại là FBI của Mỹ vào cuộc trong khi nhìn thoáng qua không liên quan nhiều đến họ? Bóng đá không phải là môn thể thao thuộc Top 3 yêu thích ở đất nước này và 14 quan chức bị điều tra cũng không ai có quốc tịch Mỹ. Lý do đến từ đâu?
FBI thu giữ các tài liệu khi bắt giữ các quan chức FIFA ở Thụy Sỹ. Ảnh: Reuters. |
Theo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch, đã có rất nhiều cáo buộc tham nhũng liên quan đến FIFA diễn ra tại quốc gia này. Những quan chức của Liên đoàn bóng đá thế giới sử dụng hệ thống ngân hàng của Mỹ và có mục tiêu mở rộng bóng đá sang Mỹ. "Với tình trạng tham nhũng quốc tế đang ngày càng lan rộng, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ tăng cường điều tra tham nhũng nếu những nước khác không làm. Nếu họ tới lãnh thổ của chúng tôi với những doanh nghiệp tham nhũng thì dù là qua các cuộc gặp gỡ hay sử dụng hệ thống tài chính của chúng tôi, họ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm", bà Lynch cho biết.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả nguyên nhân. Bóng đá là môn thể thao được hâm mộ nhất thế giới. Những sự kiện lớn như World Cup cũng gây ra hiệu ứng mạnh mẽ, đặc biệt là truyền thông và tiền bản quyền. Những cáo buộc tham nhũng của FIFA liên quan tới “các khoản hối lộ có hệ thống” của các công ty muốn tăng cơ hội giành hợp đồng quyền tiếp thị các giải đấu cho các quan chức. Và mắt xích quan trọng nhất ở hệ thống này là người Mỹ.
Chuck Blazer được nhắc đến như là người mà nếu không có ông, sẽ không có cuộc điều tra chấn động vừa qua. Blazer là người New York, cựu thành viên hội đồng FIFA, cựu phó Chủ tịch liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribbe (CONCACAF). Blazer có biệt danh "Ngài 10%" tức luôn được hưởng hoa hồng 10% khi tìm được các hợp đồng về bản quyền truyền hình cho CONCACAF. Blazer lún sâu vào đường dây tham nhũng của FIFA, thu được 11 triệu đôla bất chính và không đóng thuế khoản này trong nhiều năm. Ông bị phát hiện phạm tội, đối diện với án phạt tù nhưng sau đó trở thành người cung cấp tin tức quan trọng nhất cho FBI.
Chuck Blazer (phải) và Blatter trong hội nghị ở Thụy Sỹ năm 2011. Ảnh: Reuters. |
Blazer cung cấp những băng ghi âm các cuộc gặp giữa ông và các đồng nghiệp ở FIFA về những hành vi tham nhũng. FBI điều tra được rằng các hoạt động tham nhũng của CONCACAF ảnh hưởng trực tiếp đến bóng đá Mỹ. Chủ tịch CONCACAF, mà hiện tại là phó Chủ tịch FIFA Joffrey Webb, người bị bắt hôm 27/5 dính sâu vào việc phạm pháp. Webb, Blazer và bộ sậu nhận hối lộ từ các công ty truyền thông. Đổi lại, các công ty này được quyền phân phối bản quyền truyền hình, chương trình tiếp thị cho thị trường Mỹ.
Một nguyên nhân nữa khiến Mỹ điều tra FIFA, theo lời Tổng thống Nga Vladimir Putin, có thể là nhằm khiến việc đăng cai World Cup 2018 của Nga bị ảnh hưởng. Tổng thống Putin cho rằng Mỹ nên tách bạch giữa thể thao và chính trị.
Trước đó Nga và Qatar từng bị nghi ngờ hối lộ một số quan chức FIFA để tranh thủ phiếu bầu, trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022. Tuy nhiên, trách nhiệm điều tra vụ việc này thuộc về cảnh sát Thụy Sỹ, không phải của FBI.
Hữu Nhơn