Lời mời nhiều, cho đi ít
Nguyễn Thị Ngọc Hoa là cầu thủ duy nhất của Việt Nam hiện nay được thi đấu tại một giải vô địch quốc gia nước ngoài (Thai League). Sau gần ba mùa bóng, có thể khẳng định Ngọc Hoa đang tạo nên hình ảnh một vận động viên nước ngoài đẹp trong mắt những người yêu thích bóng chuyền Thái Lan. Cô không chỉ cùng CLB Ayutthaya và CLB Bangkok Glass lên ngôi vô địch ở hai mùa bóng 2013, 2014 mà còn được ghi nhận bằng những giải thưởng “phụ công xuất sắc” cùng tình cảm của khán giả Thái Lan.
Trường hợp Ngọc Hoa không phải là duy nhất trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam. Bởi cùng thời điểm cô lần đầu sang chơi cho CLB Ayutthaya năm 2013, Đỗ Thị Minh và libero Kim Liên cũng được CLB Idea Khonkaen thuê về thi đấu với mức thu nhập hàng nghìn đôla Mỹ. Tuy nhiên, sau khi kết thúc mùa bóng 2013 hai gương mặt này sớm trở lại với CLB chủ quản trong nước cho đến nay. Trước đó còn có thể kể đến chủ công Ngô Văn Kiều năm 2008, với cuộc trao đổi hai lấy một giữa Sanest Khánh Hoà và CLB Samato Group - đương kim vô địch tại Indonesia thời đó.
Ngọc Hoa đang thi đấu thành công ở Thái Lan. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng được tạo điều kiện thuận lợi để ra nước ngoài thi đấu và trải nghiệm môi trường thể thao quốc tế; trường hợp của phụ công Phạm Kim Huệ là một ví dụ. “Điều tôi cảm thấy hối tiếc nhất trong suốt sự nghiệp thi đấu đỉnh cao chính là việc chưa thể một lần được đi đấu thuê ở nước ngoài. Tôi không biết vì lý do gì, hay như thế nào mà dù đã có những lời mời từ phía các CLB nước ngoài nhưng đến những khâu cuối cùng thì tôi lại phải nhận thông báo phải ở nhà”, Phạm Kim Huệ chia sẻ. Bùi Thị Ngà và chuyền hai Nguyễn Linh Chi của Thông Tin Liên Việt Postbank cũng từng được các tuyển trạch viên Thái Lan lưu tâm, nhưng cũng chưa được đơn vị chủ quản cho xuất ngoại.
Sau khi bóng chuyền đóng cửa ngoại binh ở Giải vô địch quốc gia từ năm 2013, nhằm mục đích nâng chất các tay đập nội, cũng chính là lúc mở ra cho các CLB ngoại cơ hội tìm kiếm cầu thủ ngoại chất lượng tại một thị trường thi đấu khép kín, dễ phân cấp trình độ vận động viên. Nhưng cơ chế quản lý, cách tư duy còn rập khuôn và hơn hết là yêu cầu đảm bảo thành tích đã khiến cơ hội xuất ngoại của VĐV chưa được nhiều dù lời mời là không thiếu.
Trần Thanh Thuý sẽ theo chân đàn chị Ngọc Hoa?
Gần đây HLV Aphisak đã đặt vấn đề với Ban lãnh đạo, Ban huấn luyện CLB VTV Bình Điền Long An về việc thuê cầu thủ trẻ Trần Thanh Thuý (sinh năm 1997) sang thi đấu cho CLB Bangkok Glass ở giai đoạn hai của Thái League sắp tới. Trao đổi với VnExpress, ông Huỳnh Quang Vinh – Giám đốc Công ty cổ phần thể thao Bình Điền - cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện cho Thanh Thuý sang đầu quân cho Bangkok Glass nếu như CLB có ý định mời Thúy thi đấu ở vòng hai tới. HLV Aphisak cũng chính là thầy cũ của Thuý tại VTV Bình Điền Long An những năm trước nên đây có lẽ là cơ hội tốt cho Thuý trong việc cải thiện chuyên môn cũng như nâng cao bản lĩnh thi đấu”.
Nếu thương vụ này thành công, VTV Bình Điền Long An đồng thời trở thành CLB đầu tiên có hai VĐV thi đấu trong cùng một đội bóng tại nước ngoài. Đối với riêng Thanh Thuý, đây có thể xem là cơ hội để cô gái sinh năm 1997 được hoàn thiện kỹ năng, cải thiện tâm lý thi đấu và hơn hết là tiếp cận với các tiến bộ của nền bóng chuyền Thái Lan.
Bóng chuyền Thái Lan đang ở một trình độ cao hơn, và việc có những VĐV được đưa sang đây thi đấu là điều tích cực cho Việt Nam. |
Còn với Nguyễn Thị Ngọc Hoa, ông Huỳnh Quang Vinh cũng chia sẻ thẳng thắn: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho Ngọc Hoa cùng với CLB Bangkok Glass tham gia các giải đấu lớn nhỏ không chỉ ở Thái Lan, mà các giải mang tầm cỡ châu lục và thế giới. Ngọc Hoa là VĐV Việt Nam đang có cơ hội được chơi tại giải các CLB Thế giới thế nên là một người quản lý, chúng tôi không có lý do gì để không tạo điều kiện cho Hoa thể hiện tài năng của mình”.
Có thể thấy, việc mạnh dạn đưa VĐV ra nước ngoài thi đấu cũng giúp VTV Bình Điền Long An đang dần chuyển mình theo dạng mô hình hoạt động chuyên nghiệp hơn. Trong hoàn cảnh quá trình xã hội hoá thể thao đang diễn ra mạnh mẽ, cộng với mục tiêu đưa bóng chuyền nữ Việt Nam lọt vào top 5, bóng chuyền nam lọt vào top 10 châu Á vừa được Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ 6 tuyên bố, việc xuất khẩu cầu thủ đang trở thành xu thế tất yếu và cần được khuyết khích.
Trân Trần