Barca: Thành công giá bao nhiêu

Ngày đăng 04/12/2015 05:00

Một con số khủng khiếp vừa được công bố: 70% doanh thu của Barca được dùng cho việc trả lương cầu thủ. Graham Hunter, nhà bình luận nổi tiếng về bóng đá Tây Ban Nha, làm một phép tính. Nếu như muốn giữ chân bộ ba MSN (Messi - Suarez - Neymar) trong bốn đến năm mùa tới, Barca cần ít nhất 250 triệu đôla kinh phí. Bởi vì với những siêu sao hàng đầu thế giới như Luis Suarez hay Neymar, muốn đề nghị họ gia hạn hợp đồng, điều kiện tiên quyết phải là tăng lương.

Cú ăn ba mùa trước, với đỉnh cao là danh hiệu Champions League, là minh chứng hùng hồn cho sự trở lại của Barca thời hậu Guardiola.

Bên cạnh 250 triệu đôla ấy, Barca tất nhiên còn cần rất nhiều tiền để làm những việc khác: làm mới đội hình, tái xây dựng sân Nou Camp, dời sân bóng rổ sang địa điểm mới, làm mới lại sân tập... Đấy là chưa kể Barca đang phải gánh một món nợ lên đến 260 triệu đôla. Gánh nặng tài chính này buộc Barca đang suy nghĩ nghiêm túc về việc bán tên sân Nou Camp cho một nhà đầu tư nước ngoài. Còn nếu không, họ buộc phải bán Messi hoặc Neymar.

Các culé tất nhiên không biết những chuyện ấy. Như Hunter viết cho ESPN: "Người hâm mộ như những thực khách chỉ thích ăn ngon, chứ không quan tâm đến việc ai là người thanh toán hóa đơn". Tiết lộ về tài chính của Barca đã vạch ra một gương mặt khác của đội bóng được hâm mộ bậc nhất thế giới hiện nay.

Vậy tại sao Barca lại để họ rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay? Câu trả lời là họ đã thay đổi. Ngày trước, Barca vươn lên đỉnh cao với cú ăn ba năm 2009. Trong trận chung kết Champions League với Man Utd, HLV Guardiola tung ra đội hình chính có đến bảy cầu thủ tự đào tạo, ai cũng giữ những vị trí trọng yếu.

Đến trận chung kết Champions League 2015 vừa qua với Juventus, con số này chỉ còn lại 5 người. Ghi bàn cho Barca hôm ấy là ba ngôi sao được mua về, gồm Ivan Rakitic, Neymar và Luis Suarez. Đấy cũng là ba nhân vật quan trọng bậc nhất trong lối chơi của Barca hiện tại. Rakitic có lối chơi trực diện, đơn giản, rất phù hợp với một Barca thay đổi, đoạn tuyệt với di sản tiki-taka mà Guardiola để lại. Và cũng nhờ Rakitic mà tuyến giữa của Barca trở nên cơ động hơn, hỗ trợ tốt hơn cho bộ ba Nam Mỹ trên tuyến đầu.

barca-thanh-cong-gia-bao-nhieu-1

Những ngôi sao mới được mua về như Rakitic giúp Barca đoạn tuyệt với tiki-taka, để chơi trực diện hơn - chìa khoá cho thành công của họ, nhưng đồng thời khiến CLB chịu sức ép tài chính lớn chưa từng thấy. Ảnh: Reuters.

Nhưng giá chuyển nhượng của Rakitic - 22 triệu đôla - được công bố rộng rãi, còn con số mà Barca đã trả để tậu Neymar và Suarez đến giờ vẫn rất mù mờ. Thậm chí vì con số chuyển nhượng không minh bạch của Neymar, Chủ tịch Sandro Rosell đã phải từ chức. Con số ấy được báo chí Tây Ban Nha đồn đoán là lên đến... 207 triệu đôla, tức là con số được ghi để phá vỡ hợp đồng giữa Neymar với Santos.

Con số ấy không khó giải thích. Bởi vì Barca muốn giật Neymar trên tay Real Madrid, họ dứt khoát phải bỏ rất nhiều tiền. Để rồi bây giờ, họ đang băn khoăn với một câu hỏi: liệu Neymar có trở thành một Luis Figo thứ hai hay không? Neymar liên tục phải trả lời những câu hỏi về việc anh có hạnh phúc hay không, quan chức Barca thì bị hỏi về tình hình gia hạn hợp đồng cho Neymar, trong khi từ Madrid, ASMarca hân hoan tiết lộ kế hoạch cuỗm Neymar trên tay đại kình địch.

Việc chuyển đổi triết lý bóng đá, chuyển trọng tâm từ dùng cầu thủ tự đào tạo sang mua các ngôi sao quốc tế của Barca mang lại thành công rõ rệt trên sân cỏ. Nhưng thành công của họ tất nhiên phải trả giá. Việc chia tay UNICEF để chuyển sang nhận tài trợ của Qatar Foudation là một quyết định lịch sử. Barca, vẫn luôn tự hào không quảng cáo trên áo đấu, giờ nhận món tài trợ thuộc hàng lớn nhất thế giới. Nhưng ngay cả món tiền ấy cũng chỉ làm nhẹ bớt một phần gánh nặng tài chính. Barca không quen với việc ngã giá cho các siêu sao trên sàn chuyển nhượng. Và để thành công, họ chọn vũ khí là tiền. Tiền cho CLB, tiền lót tay cho cầu thủ và người đại diện, tiền trả lương...

Real Madrid cũng mua ngôi sao, nhưng họ có cả một... lịch sử làm việc ấy. Họ chỉ cho cầu thủ giữ 50% bản quyền hình ảnh, họ kiếm tiền từ những ngôi sao ấy. Họ chỉ trả cho cầu thủ những món lương thấp. Có người, như Luka Modric hay James Rodriguez, thậm chí đã phải giảm lương để được sang Real. Hè năm nay, nhiều CĐV sửng sốt khi biết lương của đội phó Sergio Ramos chỉ là tròm trèm 4,36 triệu đôla mỗi năm, tức là chưa bằng nửa con số Vincent Kompany nhận ở Man City.

barca-thanh-cong-gia-bao-nhieu-2

Real cũng mạnh tay vung tiền trên sàn chuyển nhượng, nhưng khác với Barca, họ biết cách biến các ngôi sao mua về thành bò sữa để trang trải bớt kinh phí. Ảnh: Reuters.

Barca thì khác, họ vừa phải trả bộn tiền cho chuyển nhượng, vừa đãi ngộ mức lương cao để thuyết phục ngôi sao về đầu quân. Khởi đầu từ Zlatan Ibrahimovic, tiếp nối với Alexis Sanchez và bây giờ là Neymar, Suarez, Barca đã dấn thân vào một hành trình mạo hiểm để tự làm mới bản thân. Bây giờ, bán tên sân có lẽ là giải pháp khả dĩ nhất để họ có thể giữ lại đội hình hiện nay. Khi ấy, lịch sử tự hào trăm năm của Barca phải chăng lại có thêm một lần hẫng hụt?

Hoài Thương